Những ngày qua, trước thông tin toàn bộ đường cao tốc sẽ bắt đầu thực hiện thu phí không dừng (ETC) từ ngày 1-8 theo quy định của Chính phủ, giới tài xế đổ xô đi nạp thẻ ETC. Việc nạp thẻ phát sinh một số bất cập mà theo nhiều tài xế là họ phải tốn phí nạp thẻ quá cao.
Thu phí khá cao
Tài xế Nguyễn Văn Giáp (ngụ huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) cho biết anh đã tìm hiểu cách thức nạp tiền vào tài khoản giao thông của 2 nhà cung cấp dịch vụ là Công ty TNHH Thu phí tự động VETC (VETC - Etag) và Công ty CP Giao thông số Việt Nam (VDTC - ePass). Ở các phương thức thanh toán, các nhà cung cấp dịch vụ đều thu phí khá cao. Tài khoản VETC hay VDTC không cho phép liên kết trực tiếp với nhiều tài khoản của các ngân hàng.
Một số tài xế khác cũng phản ánh VETC và VDTC đều yêu cầu người dùng nạp sẵn tiền vào tài khoản, thay vì thanh toán trực tiếp bằng tài khoản ngân hàng. Người dùng cần bảo đảm số dư trong tài khoản. Nếu tài khoản không còn tiền, hệ thống sẽ từ chối mở barie. VETC và VDTC đều cho phép nạp tiền trực tuyến và trực tiếp. Với kênh trực tuyến, khách có thể nộp bằng hình thức chuyển khoản (Internet Banking) hoặc liên kết tài khoản với thẻ ngân hàng, ví điện tử/cổng thanh toán điện tử. Với kênh trực tiếp là đến cửa hàng, đại lý do đơn vị liên kết hoặc ngân hàng.
Dù vậy, ở hầu hết cách thức nạp tiền trực tiếp hay trực tuyến kể trên, khách hàng đều phải tốn thêm khoản chi phí. Ví dụ, đối với VDTC, ứng dụng đưa ra biểu phí 880 đồng + 0,66% giá trị giao dịch (đã bao gồm thuế GTGT) nếu người dùng liên kết với thẻ ATM nội địa. Nếu nạp tiền qua 2 ví điện tử là VNPay và MoMo, người dùng phải trả thêm lần lượt 1.300 đồng + 0,8% giá trị giao dịch và 1.500 đồng + 0,85% giá trị giao dịch (chưa bao gồm thuế GTGT) mỗi lần nạp tiền.
Trước thông tin trên, chiều 29-7, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Hồ Trọng Vinh, Phó Giám đốc VETC, khẳng định việc chuyển tiền từ ngân hàng sang tài khoản giao thông có tính phí là quy định của ngân hàng, chứ không phải do đơn vị cung cấp dịch vụ như VETC.
"VETC đã họp rất nhiều lần với Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Ngân hàng Nhà nước và đề nghị miễn phí việc nạp tiền hay chuyển tiền vào tài khoản giao thông cho khách hàng của VETC. Tuy nhiên, phía ngân hàng cho rằng đây là việc kinh doanh của ngân hàng nên không thể thực hiện theo đề nghị của VETC. Tùy mỗi ngân hàng đưa ra mức thu phí cao, thấp khác nhau. Với BIDV, khi chuyển khoản qua BIDV vào tài khoản giao thông thì tài xế không mất phí nhưng một số ngân hàng khác lại thu phí. Đây thuộc lĩnh vực kinh doanh của ngân hàng nên VETC không thể can thiệp" - ông Vinh thông tin thêm.
Hệ thống thu phí điện tử không dừng tại cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đang được gấp rút hoàn thành để kịp vận hành từ ngày 1-8 Ảnh: Hải Định
Khắc phục vướng mắc trước ngày 5-8
Liên quan đến các vướng mắc về dán thẻ thu phí tự động không dừng, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ vừa ký văn bản yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội, Công ty CP Tasco cùng VDTC và VETC có biện pháp xử lý.
Ngoài tốn thêm phí nạp thẻ ETC, theo Bộ GTVT, thời gian vừa qua, trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng phản ánh việc xe bị tự động đăng ký sử dụng dịch vụ của ePass và cho rằng có hiện tượng chạy doanh số dán thẻ bất chấp mong muốn của chủ phương tiện, gây bức xúc, khó khăn cho các phương tiện khi muốn dán thẻ tham gia dịch vụ; xe không qua trạm vẫn bị trừ tiền.
Để hoàn thiện hệ thống, nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo thuận tiện cho người tham gia giao thông, phát huy hiệu quả hệ thống, Bộ GTVT yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội chỉ đạo VDTC, Công ty CP Tasco giao VETC kiểm tra, rà soát, có giải pháp xử lý dứt điểm vướng mắc nêu trên trước ngày 5-8. Quan điểm của Bộ GTVT là nhà cung cấp dịch vụ chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu xảy ra sự cố và tranh chấp pháp lý trong quá trình vận hành hệ thống.
Bộ GTVT cũng giao Tổng cục Đường bộ kiểm tra, giám sát, chỉ đạo các nhà cung cấp dịch vụ khắc phục vướng mắc nêu trên trước ngày 5-8. Bên cạnh đó, có chế tài, xử lý vi phạm theo quy định pháp luật, quy định hợp đồng. Đồng thời, phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ xây dựng giải pháp để tạo điều kiện cho chủ phương tiện thuận lợi hủy hoặc thay thế thẻ dịch vụ (Etag hoặc ePass) đã dán.
Về vấn đề này, ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), cho biết cơ quan này đang kiểm tra những lỗi phát sinh của hệ thống thu phí không dừng và sẽ hoàn thiện quy trình dán, chuyển đổi thẻ, hoàn hủy tiền trong tài khoản thu phí.
Các ngân hàng nói gì?
Liên quan đến việc một số tài xế phản ánh nạp tiền vào tài khoản thanh toán thu phí không dừng trên cao tốc mở tại 2 đơn vị cung cấp là VETC và VDTC phải trả phí cao, đại diện một số ngân thương mại, ví điện tử nói các mức phí đều theo quy định hiện hành.
Tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), chiều 29-7, một lãnh đạo ngân hàng này cho biết vẫn đang áp dụng mức phí nộp tiền Top up vào tài khoản ETC là 3.300 đồng gồm thuế GTGT khi khách hàng nộp 1 triệu đồng. Dự kiến vài ngày tới, VietinBank sẽ đưa hình thức nộp tiền qua Top up của VETC lên ứng dụng và khách hàng được miễn phí. Riêng với tài khoản ePass của khách hàng mở tại VDTC thì phải qua đơn vị trung gian là VNPay và đơn vị này đang thu phí nên VietinBank vẫn phải thu phí khách hàng.
Trong khi đó, một lãnh đạo Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho biết Sacombank miễn phí nạp tiền qua Internet Banking và Mobile Banking khi tài xế mở tài khoản của VETC hoặc ePass để thanh toán phí không dừng trên cao tốc. Theo tìm hiểu, tùy chính sách của từng ngân hàng thương mại, ví điện tử và đơn vị trung gian thanh toán mà mức phí sẽ khác nhau. Riêng với thẻ ghi nợ quốc tế hoặc thẻ tín dụng, lãnh đạo, các ngân hàng thương mại giải thích không chỉ nạp tiền với thu phí không dừng mà kể cả các loại dịch vụ khác. Nếu người dùng nạp tiền trực tiếp từ thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ quốc tế mức phí cũng sẽ rất cao. Do đó, rất ít tài xế chọn cách nạp tiền vào tài khoản VETC hoặc ePass bằng thẻ quốc tế.