Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh vừa ban hành văn bản thu hồi sản phẩm thực phẩm, dinh dưỡng (dạng sữa bột) là hàng giả và phổ biến, tuyên truyền thông tin về thực phẩm giả.
Theo đó, Sở Y tế đề nghị phòng y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường rà soát, kiểm tra và phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan trên địa bàn quản lý tiến hành thu hồi toàn bộ 12 sản phẩm thực phẩm, dinh dưỡng (dạng sữa bột) là hàng giả nếu còn đang lưu hành trên thị trường.

Bắc Ninh thông báo thu hồi các sản phẩm sữa bột giả nếu còn đang lưu hành trên thị trường
ẢNH: SỞ Y TẾ BẮC NINH
Cụ thể 12 loại sữa bột giả gồm: Sản phẩm dinh dưỡng Kenmil Premium Pedia Goat; sản phẩm dinh dưỡng công thức Kodo A+ Starter Colostrum 1; thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt Sure IQ sure Gold; thực phẩm bổ sung Darifa A+ ProGold; thực phẩm bổ sung Colos IQ Diabetes; thực phẩm bổ sung Colos IQ For Mum; sản phẩm dinh dưỡng công thức Newsure Colos 24h Kid Plus; sản phẩm dinh dưỡng công thức L''Grand Colostrum Pedia +2; sản phẩm dinh dưỡng công thức Kid Baby Talacmum; sản phẩm thực phẩm dành cho chế độ ăn đặc biệt Gludiabet Talacmum; sản phẩm thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt Kasumi Canxi Nano Colos 24h; sản phẩm dinh dưỡng Kasumi Gain Colos 24h 3.
Sở Y tế Bắc Ninh cũng đề nghị các phòng y tế tế tuyên truyền, khuyến cáo người dân không sử dụng 72 sản phẩm sữa đang được tiếp tục điều tra của Công ty cổ phần dược quốc tế Rance Pharma, Công ty cổ phần dinh dưỡng Hacofood cho đến khi có kết luận cuối cùng của cơ quan công an.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tăng cường tuyên truyền thông tin để hướng dẫn người dân trên địa bàn không được mua bán, sử dụng 12 loại sản phẩm sữa giả nêu trên và không sử dụng 72 sản phẩm sữa đang được điều tra.
Cách nhận biết quảng cáo vi phạm pháp luật trên mạng xã hội
Đồng thời, phổ biến đề người dân phân biệt được các loại thực phẩm chức năng và thuốc, tránh nhầm lẫn thực phẩm chức năng, sản phẩm dinh dưỡng với thuốc.
Thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt hoặc sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ dưới 36 tháng tuổi phải được sở y tế hoặc chi cục, ban an toàn thực phẩm tỉnh cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố mới được lưu thông trên thị trường.
Thực phẩm bổ sung; các sản phẩm dinh dưỡng từ 36 tháng tuổi trở lên do cơ sở tự công bố nhưng phải gửi bản tự công bố đến sở y tế hoặc chi cục, ban an toàn thực phẩm tỉnh để đăng tải thông tin. Đối với sản phẩm do Sở Y tế Bắc Ninh cấp giấy tiếp nhận hoặc đăng tải hồ sơ tự công bố sản phẩm, người dân có thể tra cứu thông tin trên trang của sở y tế hoặc cơ quan chức năng.
Sở Y tế Bắc Ninh cũng lưu ý: "Người tiêu dùng khi xem quảng cáo trên mạng xã hội cần lưu ý phân biệt các dấu hiệu vi phạm trong quảng cáo, ví dụ: uống thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm bổ sung, thực phẩm dinh dưỡng… sau đó sẽ khỏi bệnh; hoặc có hình ảnh bác sĩ, nhân viên y tế giới thiệu về sản phẩm; hoặc không có dòng chữ "Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh", đây là những nội dung quảng cáo vi phạm pháp luật".
Trước đó, ngày 27.4, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bắc Ninh đột xuất kiểm tra, phát hiện và thu giữ trên 25 tấn, tương đương khoảng trên 212.000 sản phẩm là vitamin, collagen thuộc lĩnh vực thực phẩm bảo vệ sức khoẻ không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp.