Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 diễn ra vào sáng nay (3/3), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết trong thời gian qua, NHNN đã có sự chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) giảm lãi suất và thực tế lãi suất trên thị trường đã bắt đầu giảm, Báo đầu tư đưa tin.
Lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới đã giảm 0,43% và đã có 22 ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay bình quân. Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều tiết theo hướng phấn đấu giảm lãi suất.
Dù vậy, tăng trưởng tín dụng tính tới hết tháng 2 rất chậm. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy tính đến ngày 24/2, tín dụng toàn nền kinh tế chỉ tăng 0,77%, huy động vốn tăng 0,05% so với cuối năm 2022.
Đầu năm nay, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 14-15%, cao hơn năm 2022 và có điều chỉnh tùy theo diễn biến thị trường.
Trong tháng 2, NHNN cũng đã thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại. Tuy vậy, tính tới 28/2, tín dụng toàn hệ thống vẫn tăng trưởng thấp. Vấn đề đặt ra là vì sao tín dụng tăng trưởng thấp trong bối cảnh room tín dụng dồi dào, thanh khoản hệ thống dư thừa, các điều kiện cấp tín dụng vẫn được NHNN giữ nguyên.
Thậm chí cuối năm 2022, NHNN đã ban hành Thông tư Thông tư 26/2022/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo đó, các ngân hàng thương mại Nhà nước được tính một phần tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước vào cấu phần huy động, tức có thêm nguồn lực để cho vay.
Lý giải về điều này, Thống đốc cho biết tín dụng hai tháng đầu năm tăng chậm do thời điểm này trùng vào dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Bên cạnh đó, sức khỏe nhiều doanh nghiệp vẫn bị ảnh hưởng bởi COVID-19, không đáp ứng được các điều kiện vay vốn. Đơn hàng của nhiều doanh nghiệp cũng suy giảm khiến nhu cầu vay vốn không cao bằng năm ngoái.
Ngoài ra, những năm trước, tín dụng bất động sản tăng mạnh, chiếm hơn 20% tổng dư nợ của các ngân hàng thương mại, song năm nay, thị trường khó khăn khiến tín dụng bất động sản tăng chậm lại, dù vẫn tăng cao hơn tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế.
Khó khăn của bất động sản hiện nay là vấn đề pháp lý (chiếm 70%), do đó, nếu khó khăn này được tháo gỡ, các tổ chức tín dụng mới có điều kiện thúc đẩy giải ngân tín dụng bất động sản.
Cũng theo Thống đốc Nguyễn Thi Hồng, hiện nay, kinh tế thế giới đang phục hồi chậm, bước đầu đã tránh được nguy cơ suy thoái, nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp. Đặc biệt, trên thị trường tài chính quốc tế, xu hướng tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn đang diễn ra.Do đó, các ngân hàng trung ương trên thế giới (kể cả châu Á) vẫn đang tiếp tục tăng lãi suất.
Từ đầu năm đến nay, đã có thêm 36 tăng lãi suất trên thế giới. Điều này khiến USD bắt đầu tăng giá trở lại từ giữa tháng 2/2023. Ngày hôm qua (2/3), chỉ số USD Index ở mức 104.49 điểm, tăng 7,29% so với cùng kỳ năm 2022.
Diễn biến của USD đang tạo áp lực lên điều hành chính sách tiền tệ, ngoại hối của NHNN, bởi cơ quan này vừa phải phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất, vừa phải nỗ lực ổn định tỷ giá. Trong điều kiện nền kinh tế mở, việc ổn định thị trường ngoại hối, tỷ giá rất quan trọng. Vì vậy, điều hành chính sách lãi suất phải thực hiện hài hòa với đảm bảo ổn định thị trường ngoại hối và tỷ giá.
Thị trường ngoại hối, tỷ giá trong nước ổn định, các giao dịch trên thị trường ngoại tệ thông suốt từ đầu năm đến nay. Kể từ đầu năm, VND chỉ mất giá 0,6% so với cuối năm 2022, đây là mức mất giá thấp so với các đồng tiền trong khu vực.