Tài chính

Ngân hàng “kiếm bộn” từ bảo hiểm: Một ngân hàng thu 10.000 tỷ đồng một năm

Ngân hàng “kiếm bộn” từ bảo hiểm: Một ngân hàng thu 10.000 tỷ đồng một năm - Ảnh 1.

Thuật ngữ bancassurance, kết hợp của ngân hàng (bank) và bảo hiểm (assurance), trở nên thân thuộc với những người trong và ngoài ngành tài chính - ngân hàng và bảo hiểm. Nhiều người dân, khách hàng của ngân hàng cũng đã biết đến mô hình kinh doanh này vô tình hay hữu ý.

Theo đó, bancassurance có thể hiểu là hình thức bán chéo sản phẩm. Ngân hàng trở thành đại lý bán cho các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, chủ yếu là bảo hiểm nhân thọ. Như vậy, việc bán chéo sẽ giúp các công ty bảo hiểm khai thác hay tận dụng được hết tệp khách hàng rất lớn của các ngân hàng, qua đó giảm thiểu được chi phí trong việc bán hàng hay mở rộng quy mô kinh doanh nội tại. Về phía ngân hàng, đây kênh gia tăng nguồn thu hữu hiệu với tập khách hàng đang có, đồng thời cũng là cách để gia tăng sự đa dạng trong rổ sản phẩm hàng bán cho khách hàng - bên cạnh các sản phẩm truyền thống như tiết kiệm, cho vay…

Theo quan sát, lúc sơ khởi, các ngân hàng và công ty bảo hiểm hợp tác theo hình thức giới thiệu khách. Chẳng hạn, khách của ngân hàng A có nhu cầu thì nhân viên của ngân hàng này chuyển cho tư vấn viên của công ty bảo hiểm B tư vấn và thực hiện các công đoạn tiếp theo của quy trình cho tới khi ra được hợp đồng bảo hiểm cũng như chăm sóc hậu bán hàng.

Tuy nhiên, gần đây, các ngân hàng đã gần như nhận hết việc này. Một ngân hàng quốc tế, vừa bán mảng khách hàng cá nhân cho một ngân hàng quốc tế khác, còn có nhân việc chuyên bán loại sản phẩm này. Nhân viên tư vấn sẽ đi theo hợp đồng của khách hàng và hỗ trợ giải quyết các vấn đề hậu bán như xử lý hay nộp hộ thủ tục bồi thường, bán thêm các sản phẩm phụ… Đến khi ngân hàng này rời khỏi Việt Nam thì công ty bảo hiểm quốc tế kia điều phối một nhân viên tư vấn khác chăm sóc hợp đồng của khách.

Hồi cuối 2017, Sacombank và Dai-ichi Life ký hợp đồng bán bảo hiểm độc quyền kéo dài 20 năm. Techcombank - Manulife, VPBank - AIA Việt Nam, ACB - Sun Life Việt Nam, MSB - Prudential, Vietcombank - FWD, SHB - Dai-ichi Việt Nam… là những cú bắt tay được công bố liên tiếp sau đó.

Nửa đầu năm 2022, riêng nguồn thu phí bảo hiểm qua kênh Bancassurance đã chiếm 41% tổng doanh thu khai thác mới của doanh nghiệp bảo hiểm. Tỷ lệ này được dự báo sẽ sớm đạt 50% trên tổng doanh thu khai thác mới, giúp ngân hàng vượt qua các đại lý trở thành kênh kiếm tiền chủ lực cho các công ty bảo hiểm.

Nhiều người đã ví von bảo hiểm là "Gà đẻ trứng vàng" của nhiều ngân hàng, với nguồn lợi hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Ngân hàng “kiếm bộn” từ bảo hiểm: Một ngân hàng thu 10.000 tỷ đồng một năm - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Bán qua ngân hàng đóng góp lớn cho doanh thu ngành bảo hiểm

Theo báo cáo tài chính của các ngân hàng, lợi nhuận từ hoa hồng bán bảo hiểm hiện chỉ đứng sau hoạt động chính là cho vay. Con số này lên đến hàng nghìn tỷ đồng, thậm chí có ngân hàng là chục nghìn tỷ.

MB, chưa có thỏa thuận độc quyền phân phối bảo hiểm, sở hữu hai công ty bảo hiểm là MIC (MB sở hữu 68,37%) và MB Ageas Life (61%), trong cả hai phân khúc nhân thọ và phi nhân thọ. Theo báo cáo tài chính hợp nhất của MB, doanh thu từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm trong năm 2022 vượt ngưỡng 10.000 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với năm trước và gần gấp đôi năm 2020. Mảng kinh doanh này cũng chiếm hơn 70% thu nhập từ dịch vụ của MB.

VPBank, thu từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm đạt hơn 3.300 tỷ đồng trong năm trước, tăng hơn 40% cùng kỳ và chiếm hơn 30% tổng thu từ mảng dịch vụ của ngân hàng. Tại Techcombank, hợp tác bảo hiểm đem về doanh thu hơn 1.700 tỷ đồng trong năm 2022.

Tại HDBank, trong báo cáo kiểm toán giữa năm 2022 cho thấy hoạt động môi giới bảo hiểm đem về hơn 1.000 tỷ đồng doanh thu, gấp đôi cùng kỳ. Vietcombank từng nhận 400 triệu USD trả trước khi ký với FWD.

"Thời gian qua, kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng đóng góp lớn trong tổng doanh thu của ngành bảo hiểm. Ví dụ như bán qua kênh ngân hàng, với hình thức bảo hiểm nhân thọ chiếm khoảng 20% tổng doanh thu, phi nhân thọ chiếm khoảng 14% tổng doanh thu", ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết.

Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng cho hay: “Luật Tổ chức tín dụng và Luật Kinh doanh bảo hiểm đều cho phép ngân hàng thương mại được hoạt động là đại lý bảo hiểm. Song Luật Kinh doanh bảo hiểm nêu rất rõ trong quá trình bán bảo hiểm phải tư vấn một cách chính xác, thông tin phải đầy đủ, giới thiệu sản phẩm rõ ràng, lợi ích ra sao. Luật Kinh doanh bảo hiểm cũng nghiêm cấm việc cưỡng ép bán bảo hiểm nếu khách hàng không tự nguyện”.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm