Doanh nghiệp

Chủ tịch Hoàng Quân (HQC): Khó khăn của doanh nghiệp những năm qua đã phản ánh trong giá cổ phiếu

 

Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT CTCP Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân. (Ảnh: VNRea).

Phát biểu tại Hội nghị nhằm góp ý Thông tư về phát triển nhà ở xã hội đến năm 2030 diễn ra vào ngày 2/3, ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT CTCP Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (Mã: HQC), cho biết vấn đề khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp gặp phải khi làm nhà ở xã hội là quỹ đất.

Chủ tịch Hoàng Quân cho biết, tính đến hiện tại, doanh nghiệp đã hoàn thành 10 dự án với khoảng 10.000 căn và tính riêng tại TP HCM đã hoàn thành 4.000 căn nhà ở xã hội.

Doanh nghiệp đang phát triển 15 dự án khác, trong đó có 12 dự án đã triển khai xây dựng và 3 dự án còn lại đang xin giấy phép xây dựng. Tổng số nhà ở xã hội dự kiến của các dự án này là 15.000 căn.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp đã đăng ký xây dựng 50.000 căn để hưởng ứng mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030. Với 15.000 căn (của 15 dự án trên) đã có quỹ đất và đang triển khai, Chủ tịch Hoàng Quân cho biết đến năm 2030 sẽ hoàn thành được 35.000 căn còn lại. 

Mặt khác, Chủ tịch Hoàng Quân cho biết doanh nghiệp cũng gặp khó khăn về vốn trong quá trình triển khai các dự án nhà ở xã hội kể từ khi doanh nghiệp tham gia phân khúc này đến nay (2002 - 2022).

"Sau khi gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng năm 2013 kết thúc,  thị trường nhà ở xã hội đi xuống và doanh nghiệp đã gặp khá nhiều khó khăn. Sự khó khăn đó đã phản ánh qua giá cổ phiếu, doanh thu, lợi nhuận những năm qua của doanh nghiệp", Chủ tịch Hoàng Quân nói.

 (Nguồn: Đăng Nguyên tổng hợp).

Diễn biến giá cổ phiếu HQC. (Nguồn: FireAnt).

Ngoài ra, theo Chủ tịch Hoàng Quân, "80% người mua nhà ở xã hội đi hết sau hai năm, chỉ còn ở lại 20%, tức là nhà ở xã hội đang giao cho không đúng đối tượng. Điều này làm mất đi ý nghĩa của nhà ở xã hội".

Ông cho rằng chính quyền cần quyết liệt hơn để giải quyết vấn đề này. Đồng thời, kiến nghị chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội cần là người điều hành quản lý chung cư đó suốt đời, chứ không thể thuộc về ban quản trị chung cư như hiện nay.

"Để doanh nghiệp mặn mà hơn trong việc phát triển nhà ở xã hội, cần nới lợi nhuận định mức của chủ đầu tư thêm 10-15%. Nhà nước đừng quá lo việc doanh nghiệp thực hiện nhà ở xã hội sẽ lời nhiều, do quy luật cạnh tranh sẽ bù trừ lại", ông Tuấn nói.

Ngoài ra, Chủ tịch Hoàng Quân mong muốn các cơ chế chính sách sớm được tháo gỡ, chính sách mới sớm được ban hành và đưa vào thực tiễn. 

Sau cuộc họp thúc đẩy thị trường bất động sản do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì vào giữa tháng 2 vừa qua, Bộ Xây dựng đã đề xuất gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cho xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.Tuy nhiên, đề xuất này đã được Bộ Xây dựng rút lại sau đó.

Thay vào đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã họp và thống nhất triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, do 4 ngân hàng thương mại ((Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank) thực hiện, được áp dụng ở lĩnh vực nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp với lãi suất cho vay cả người xây dựng và người mua nhà thấp hơn 1,5-2% so với lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm