Theo Charles Duhigg, tác giả cuốn Sức mạnh của thói quen cho rằng, thói quen được hình thành dựa trên một vòng lặp ba bước mà ông gọi là vòng lặp thói quen, bao gồm: sự gợi ý, hành động và phần thưởng. Trong đó, "sự gợi ý" như một nút bấm sẽ đưa não bộ vào trạng thái tự động và lựa chọn thói quen để vận hành, sau đó, một "hành động" có thể thuộc về thể chất, tinh thần hay cảm xúc sẽ diễn ra, cuối cùng, "phần thưởng" sẽ xuất hiện giúp não bộ xác định vòng lặp đó cần ghi nhớ để vận hành sau này hay không. Qua thời gian, vòng lặp đó trở nên tự động hóa và trở thành thói quen của con người. Khi thói quen đã ăn sâu vào tiềm thức, trở nên tự động và sẽ hình thành động lực to lớn, thôi thúc con người làm việc mà không cần tới bất cứ một sự ép buộc nào. Vậy, bước qua năm 2021 với nhiều biến động, bạn đã chuẩn bị mang tới năm 2022 những thói quen nào?
Dù ngay tại thời điểm này, không ai biết được chuyện gì sẽ xảy ra trong tương lai, thế nhưng, không thể vì thế mà chúng ta ngồi im chờ mọi thứ xảy đến bên ngoài tầm kiểm soát. Hãy luôn sống ở thế chủ động và có sự chuẩn bị tốt nhất cho tương lai của mình với những thói quen tốt sau đây.
Theo dõi chi tiêu hàng ngày
Ngày nay giới trẻ dường như có sự lưu tâm nhiều hơn đến tài chính từ khi còn trẻ. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều người chưa thật sự có cái nhìn sâu sắc và cần thiết đối với tài chính cá nhân, điều quyết định rất nhiều đến cuộc sống của mỗi người từ năm 20-30 tuổi.
Mỗi người có thể có một mục tiêu tài chính và nhu cầu chi tiêu khác nhau, nhưng nhìn chung, quản lý tài chính vẫn là kỹ năng mà bất kỳ ai cũng nên sở hữu, miễn là bạn vẫn còn có mối quan hệ với tiền bạc.
Có nhiều người vẫn luôn tự đặt câu hỏi không biết rằng dòng tiền hằng tháng của mình di chuyển như thế nào và tại sao đến mỗi cuối tháng thì số tiền còn lại chẳng còn bao nhiêu.
Mấu chốt của vấn đề này nằm ở việc nhận biết được việc chi tiêu của mình ở mức chi tiết nhất có thể. Điều này có thể được thực hiện đơn giản bằng cách ghi lại toàn bộ các chi tiêu của mình dù là nhỏ nhất. Sau một tháng, bạn sẽ ngạc nhiên khi nhìn thấy các hạng mục chi tiêu mà dòng tiền của mình đổ vào. Và bằng cách này, bạn sẽ biết được mình đang "quá tay" ở đâu và dễ dàng đưa ra các quyết định kiểm soát tài chính tốt hơn.
Chọn một bộ môn thể thao yêu thích, ví dụ chạy bộ
Chạy bộ từ lâu đã nổi danh như bộ môn thể thao đơn giản và hiệu quả nhất. Tạo dựng một thói quen chạy bộ vừa là cách rèn luyện sức khỏe, vừa giải tỏa được tinh thần. Không cần đầu tư nhiều tiền của hay đến những phòng tập gym đông đúc, không đòi hỏi quá nhiều kỹ năng, thời gian công sức để bắt đầu thói quen chạy bộ,nhưngnhững lợi ích bộ môn này đem lại cho sức khỏe là không thể bàn cãi.
Michael Meliniotis, một chuyên gia chạy bộ, cho biết: Cứ tầm một cây số rưỡi đường chạy thì bạn đốt khoảng 100 calories và cứ mỗi giờ sau khi bạn dừng chạy sẽ đốt thêm 100 calories nữa. Nghĩa là, chạy bộ kích thích sự trao đổi chất trong cơ thể bạn để bạn có thể đốt calorie trong lúc nghỉ ngơi. Bên cạnh đó, không chỉ chạy bộ mà bất cứ bài tập nào thực hiện vào buổi sáng cũng mang lợi ích tương tự.
Điều quan trọng nhất khi chạy bộ vào buổi sáng không phải là bạn đã chạy được bao nhiêu cây số, mà là bạn chấp nhận bước ra khỏi giường và đón nhận thách thức.
Đọc sách, không bao giờ thừa
Thực tiễn đã chứng minh rằng, bí quyết thành công của những người nổi tiếng trên thế giới như Warren Buffet, Bill Gates, v.v.. đều có chung một điểm là ham đọc sách.
Lê Quý Đôn nói: "Đọc sách không cần nhiều, đọc một chữ đem áp dụng làm việc được một chữ, thế là được". Vì vậy, khi đọc sách nên theo nguyên tắc "quý hồ tinh, bất quý hồ đa", bạn không nên tham đọc nhiều, đọc lung tung mà đọc phải chọn cho tinh, đọc cho kỹ, hiểu cho sâu những quyển sách thật sự cần thiết, thật sự có giá trị và thật sự hữu ích, nhất là cần đọc kỹ, hiểu sâu các cuốn sách, tài liệu cơ bản thuộc lĩnh vực chuyên môn của mình; trong khi đọc các tài liệu chuyên sâu cũng lưu ý là không được quên đọc các loại sách phổ thông, thường thức, loại sách ở các lĩnh vực kề cận, gần gũi; bạn không nên đọc một cách tràn lan, tùy hứng mà cần phải đọc có kế hoạch và có hệ thống.
Việc đọc sách của người lớn không chỉ là việc học tập, tích lũy tri thức mà còn là chuyện rèn luyện tính cách, là chuyện học làm người, là một công việc rèn luyện, một cuộc chuẩn bị âm thầm và gian khổ, rất cần nghị lực.
Bạn đừng nóng vội đọc những cuốn sách có nội dung quá khó mà hãy bắt đầu từ những gì mình thích trước, có thể thu lượm được những điều mới mẻ, có ý nghĩa sau mỗi cuốn sách mình đã đọc, sau đó nâng cấp dần ở những đầu sách khó để mở rộng phạm vi kiến thức.
"Ngoại tuyến" ít nhất 1 lần/tuần
Có lẽ trong thời kỳ mà mọi thứ đều diễn ra online thì "go offline" có lẽ là một điều gì quá lạ kỳ và đi ngược lại với lẽ thường. Thế nhưng, chính vì lý do đó mà đây lại là một trong những thói quen quan trọng nhất cần có.
Ắt hẳn ai trong chúng ta, khi sống trong thời đại công nghệ này, đều có ít nhất một lần sợ phải đọc thấy những điều tiêu cực, sợ phải giao tiếp bằng tin nhắn hay nhận những cuộc gọi không hồi kết.
Công nghệ kết nối mọi người nhưng đồng thời cũng khiến cho khoảng không gian cá nhân của mỗi người bị xâm phạm ít nhiều, thậm chí biến thành lẽ thường trong một số trường hợp, ngành nghề, xóa nhòa đi ranh giới đáng lẽ phải có giữa công việc và cuộc sống.
Để không bị rơi vào trạng thái quá tải hay bội thực công nghệ, hãy dành cho mình từ vài tiếng đến 1 ngày mỗi tuần rời xa các thiết bị điện tử, Internet hay mạng xã hội và thật sự tận hưởng những giây phút nghỉ ngơi, thư giãn.
Ăn no ở mức 80% mỗi bữa ăn
Đây là cách ăn uống của người Nhật đã giúp cho rất nhiều người trong số họ duy trì sức khỏe tốt và một tuổi thọ đáng ngưỡng mộ.
Nếu ở mức 100%, chúng ta thường cảm thấy no và đôi khi có một chút khó chịu, thì hãy dừng khi cơ thể vừa cảm thấy "chớm no".
Đây chính là một phương pháp giúp cho hệ tiêu hóa được hoạt động ở mức vừa phải và cơ thể được cảm nhận thức ăn cũng như các chất dinh dưỡng ở trạng thái tốt nhất.
Hãy thử một lần dừng lại khi bản thân bạn cảm thấy vừa hơi no, cảm giác buồn ngủ hay mệt mỏi như khi ăn quá no sẽ không xuất hiện và bạn còn có thể tránh được các triệu chứng không tốt cho sức khỏe như đầy bụng, ợ hơi sau bữa ăn.