Mùa xuân là mùa sinh sôi, đổi mới của vạn vật. Thực dưỡng - dưỡng sinh bằng ăn uống, trong đó có thực dưỡng mùa xuân được xây dựng trên cơ sở thuận ứng với tự nhiên theo nguyên tắc "xuân hạ dưỡng dương, thu đông dưỡng âm". Theo quan niệm Đông y, khí mùa xuân thông với tạng can, ứng với hành mộc. Do đó, quan trọng nhất trong đạo dưỡng sinh mùa xuân là dưỡng can. Tuy nhiên, bên cạnh dưỡng can thì tỳ vị cũng cần được bảo trợ để làm tốt chức năng tiêu hóa, giúp cơ thể khỏe mạnh.
Mùa xuân cũng là mùa bệnh tật phát sinh do chế độ sinh hoạt ăn uống không điều độ của kỳ nghỉ lễ dài. Để thực dưỡng mùa xuân nên lưu ý 6 điểm sau:
Xây dựng chế độ ăn uống đa dạng, khoa học và thanh đạm: Mùa xuân có nhiều món ăn dễ ngấy và khó tiêu, khó hấp thu, đầy bụng và gây mệt mỏi. Do đó cần kết hợp hài hòa giữa thức ăn thô và tinh, khô và loãng, mặn và chay, thịt cá và rau quả, hạn chế chất béo, mỡ động vật, các món chiên xào, quay rán... Đảm bảo các nhóm protein, carbohydrat, chất béo, vitamin và khoáng chất được cân bằng và vừa đủ, tránh ăn quá nhiều, quá no, tránh rối loạn chức năng gan và bài tiết mật bất thường.
Chọn thức ăn có tính giải nhiệt bên trong: Vào mùa đông, để chống lại cái lạnh người ta thường mặc nhiều quần áo ấm; ăn đồ cay nóng, thậm chí dùng nhiều rượu làm cơ thể tích nhiệt bên trong. Đến mùa xuân, nội nhiệt có xu hướng phát tán ra ngoài gây váng đầu, tức ngực, phiền muộn, tứ chi nặng nề... Vì vậy, bạn hãy bổ sung những thực phẩm giúp thanh trừ nội nhiệt, bổ âm dưỡng dương, như các loại dưa, củ mài, đậu đen, nước mía, rau má, rau diếp cá, ngó sen, rau kim châm, ngân nhĩ, hạt sen, trà hoa cúc, trà kỷ tử...
Chọn thức ăn có vị ngọt: Theo y học cổ truyền, tỳ vị là nguồn gốc của khí và huyết trong cơ thể. Tỳ vị vượng thịnh thì cơ thể khỏe mạnh, sống lâu. Tuy nhiên, can là mộc, tỳ là thổ, mộc khắc thổ nên can khí thịnh vượng vào mùa xuân dễ làm hại tỳ vị. Theo dinh dưỡng học phương Đông, năm vị quy vào năm tạng, trong đó, chua vào can và ngọt vào tỳ. Vì vậy, để tăng cường công năng tỳ thổ, cần bổ sung thức ăn có vị ngọt và hạn chế vị chua. Trên thực tế, ẩm thực ngày Tết Nguyên đán ở Việt Nam có nhiều món ăn vị ngọt như các loại mứt, sữa, mật ong; giàu đạm như thịt kho tàu, thịt đông, trứng... rất phù hợp với lời khuyên của Đông y.
Chọn thức ăn có tính cay, ấm: Mùa xuân là lúc vạn vật sinh sôi, dương khí thịnh, lúc này rất cần phải dưỡng dương trong cơ thể. Theo đó, những thực phẩm có vị cay ôn ấm, tính phát tán, có thể sinh phát dương khí. Áp dụng vào thực tế, các loại gia vị cay ấm, thơm nồng thường được người Việt sử dụng như hành, tỏi, gừng, hạt tiêu, hồi, quế, thảo quả, ngũ vị hương... vừa dưỡng dương, vừa tạo nên hương vị đặc sắc cho các món ăn ngày Tết.
Chọn thức ăn có màu xanh: Màu sắc đối ứng với mùa xuân là màu xanh. Màu xanh thuộc mộc, mộc đối ứng với tạng can. Do đó, những thực phẩm màu xanh như các loại rau quả tươi có thể dưỡng can. Ngoài ra, rau quả tươi chứa nhiều vitamin và các nguyên tố vi lượng rất tốt cho cơ thể. Ăn cam, quýt, dưa hấu, táo, chuối, rau hẹ, rau chân vịt, măng, cà rốt, củ sắn, hạt dẻ, ngó sen, giá đỗ, cà chua, sắn dây, các loại nấm... vào mùa xuân giúp cân bằng dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe.
Uống đủ nước: Nước làm tăng tuần hoàn thể dịch, tăng nuôi dưỡng can và trao đổi bài tiết, giảm tổn thương can do các yếu tố xấu. Uống trà vào mùa xuân có thể giúp tiêu tan mầm bệnh lạnh tích tụ, thúc đẩy quá trình sinh dương trong cơ thể, giải tỏa khí trệ.
Ngoài ra, bạn nên tránh đồ ăn, thức uống có vị chua. Ăn nhiều đồ chua càng làm can khí thịnh vượng và tổn thương tỳ vị, ảnh hưởng không tốt đến chức năng tiêu hoá và hấp thu của cơ thể. Cần kiêng thêm đồ ăn, thức uống sống và lạnh do dễ làm tổn thương dương khí và tỳ vị.
Điều quan trọng là thực dưỡng cần có sự linh động để phù hợp với từng thể trạng. Người bị lạnh bụng có thể ăn một ít gừng để ấm bụng; người bị hen suyễn có thể uống nước gừng mật ong làm ấm niêm mạc và giảm cơn hen; người bị viêm phế quản mãn tính nên hạn chế ăn đồ cay. Người bệnh đái tháo đường không ăn nhiều đồ ngọt; người bị tăng huyết áp không ăn nhiều đồ mặn; người có thể chất dương thịnh thì không dùng nhiều đồ cay nóng và tráng dương; người âm thịnh không dùng nhiều đồ lạnh và dưỡng âm, trong tiết trời lạnh thì không dùng nhiều đồ mát lạnh.
Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM Cơ sở 3