Trả lời:
Mứt Tết rất đa dạng, từ các loại rau, củ như khoai lang, bí đao, cà chua, gừng... hay từ hoa quả như hồng, đào, lê, me, mận, táo, dâu, kiwi... Thực tế, khó kiểm soát về chủng loại, nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng của mứt. Nhiều cơ sở chế biến mứt thủ công không đảm bảo về an toàn thực phẩm, do nguyên liệu, nơi sản xuất chế biến ô nhiễm, dụng cụ chứa đựng không sạch sẽ, các loại phụ gia thực phẩm trôi nổi, thậm chí không được phép sử dụng như hóa chất tẩy trắng, phẩm màu, đường hóa học, hàn the...
Khi mua mứt, bạn nên chú ý nên hàm lượng phụ gia, hạn sử dụng. Nên chọn loại có ngày sản xuất gần với thời gian mua, tránh gần đến hạn. Chọn bánh kẹo, mứt Tết được bảo quản kỹ càng, không có dấu hiệu ẩm mốc, thay đổi màu sắc, mùi vị.
Chú ý lượng đường trên bao bì. Không nên chọn đồ quá ngọt, bao phủ bởi nhiều lớp đường, đặc biệt là người thừa cân, ăn kiêng hay mắc bệnh tiểu đường.
Không nên mua sản phẩm có màu sắc quá đậm hay sặc sỡ... mà nên chọn mứt màu sắc tự nhiên, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Thay vì ăn mứt, đồ ngọt, gia đình có thể thay thế bằng các loại trái cây tươi trong những ngày Tết như dưa hấu, cam, quýt, bưởi, hồng, dâu, táo,... hoặc sử dụng các loại hạt ngũ cốc, hạt bí, đậu phộng, hạt điều, đậu hòa lan. Riêng với hạt dưa hoặc hạt hướng dương cần chú ý đến phẩm màu, nấm mốc.
Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng