Công nghệ

Thói quen thích đấu khẩu của Musk và Bezos khi lên mạng

Musk hiện là một trong những tỷ phú sử dụng Twitter nhiều nhất thế giới. Dù không có thống kê chính thức, ông hoạt động trên mạng xã hội này hàng ngày. Ông cũng từng thừa nhận điều này. "Ít nhất 50% số tweet của tôi được thực hiện trên một chiếc ngai bằng sứ", Musk tweet vào tháng 11/2021, ám chỉ việc dùng Twitter chủ yếu trong nhà vệ sinh. Ông cũng nói thêm "điều đó mang lại cho tôi niềm an ủi".

Elon Musk (trái) và Jeff Bezos. Ảnh: Reuters

Elon Musk (trái) và Jeff Bezos. Ảnh: Reuters

Ông thường lên Twitter để gây hấn với những người ông không ưa. Ví dụ, năm ngoái, ông "cà khịa" Jeff Bezos là kẻ về nhì sau khi Musk trở thành tỷ phú giàu nhất thế giới. Mới đây, ông thường xuyên đấu khẩu với Bill Gates liên quan đến việc bán khống cổ phiếu hay thương vụ thâu tóm Twitter.

Tại sao Musk lại tweet nhiều như vậy, dù ông hiện điều hành khá nhiều công ty với vô số việc phải làm? "Nếu để ý, bạn sẽ thấy đôi khi tôi nói hoặc làm những điều kỳ lạ. Đó là cách bộ não của tôi hoạt động", ông giải thích trong chương trình Saturday Night Live năm ngoái.

Tuy nhiên, nhiều tweet trong đó không phải vô thưởng vô phạt mà có sự tính toán rõ ràng. Theo Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ, không ít nội dung Musk viết ra nhằm thao túng thị trường chứng khoán hoặc tiền số. Chẳng hạn, liên quan đến việc thâu tóm Twitter, ngày 4/4, ông thông báo mua 9,2% cổ phần mạng xã hội. Điều này giúp cổ phiếu tăng vọt từ 39,31 USD lên 49,97 USD, nhờ đó ông kiếm được 600 triệu USD trong một ngày.

"Sự thật đằng sau sẽ khó sáng tỏ, nhưng không phủ nhận tweet của Musk luôn khởi đầu cho một câu chuyện nào đó", Guardian bình luận.

Trong khi đó, Jeff Bezos, người sáng lập Amazon, cũng thích dùng Twitter dù không thường xuyên như Musk. Ông cũng sẵn sàng đáp trả "tay ngang" với những người không vừa ý, bất kể đó là ai.

Ví dụ, ngày 14/5, tài khoản Tổng thống Mỹ Joe Biden đăng thông điệp: "Bạn muốn giảm lạm phát? Hãy đảm bảo các tập đoàn giàu có nhất sẽ tạo sự công bằng".

Đáp lại, Bezos cho rằng Ban quản trị thông tin của chính phủ nên xét lại dòng tweet này. "Tăng thuế doanh nghiệp là vấn đề tốt cần thảo luận. Kiềm chế lạm phát cũng rất quan trọng để đem ra thảo luận. Nhưng gộp chúng với nhau là sai lầm", ông nêu.

Sau đó, người sáng lập Amazon viết một bài dài trên Twitter, nhấn mạnh: "Công đoàn không gây ra lạm phát và những người giàu cũng vậy. Việc đi sai hướng không giúp ích gì cho đất nước".

Nhà Trắng cũng tham gia cuộc đấu khẩu khi Phó thư ký báo chí Andrew Bates cho rằng không khó tìm ra lý do khiến những cá nhân giàu có nhất trên Trái Đất phản đối chương trình nghị sự kinh tế dành cho tầng lớp trung lưu. Jeff Bezos, Elon Musk, Bill Gates, Warren Buffet và Michael Bloomberg sẽ là những cái tên trong danh sách bị đánh thuế nếu đề xuất của ông Biden trở thành luật.

Theo Guardian, có hai lý do khiến Bezos đang dành nhiều thời gian hơn cho các bài viết trên Twitter, một tốt và một xấu. Điều xấu là ông có thể đã chán việc không còn điều hành Amazon nên cần làm gì đó để thu hút sự chú ý. Điều tốt là ông không sử dụng Wasington Post - tờ báo lâu đời mà ông mua năm 2013 với giá 250 triệu USD - để bày tỏ quan điểm cá nhân, thay vào đó là dùng mạng xã hội như bao người khác.

Trong khi đó, theo Politico, có thể các bình luận trên Twitter đang khiến Bezos thích thú. "Bezos dường như vội vàng tự thỏa mãn với những lời khen trên Twitter", trang này nhận định.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm