Lương y Bùi Đắc Sáng, Hội Đông y Hà Nội, cho biết cam giàu vitamin C, A và nhiều khoáng chất khác có lợi cho sức khỏe. Một quả cam cỡ vừa có khoảng 15,4g carbohydrate, 60g calo, 12g đường, 3g chất xơ, 70 mg vitamin C, 237mg kali. Uống nước cam giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể, phòng ngừa bệnh tim mạch, bệnh mỡ máu cao, chống lão hóa...
Lương y Sáng tư vấn thời điểm không nên uống nước cam, gây hại sức khỏe, như sau:
Không uống nước cam vào buổi tối
Buổi tối là lúc cơ thể nghỉ ngơi và không tốn năng lượng. Nếu uống nước cam vào thời điểm này sẽ khiến cơ thể dư thừa năng lượng và tích tụ nước, chất béo ở bụng. Uống nước cam vào buổi tối còn dễ gây tiểu đêm, làm mất ngủ, axit trong cam ảnh hưởng đến men răng. Uống trước khi ngủ còn ảnh hưởng đến thận, nguy cơ dư thừa khoáng chất, gây sỏi.
Khi đang đói
Uống nước cam khi đói gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến dạ dày. Lượng vitamin C trong nước cam có thể tương tác với acid trong dạ dày, gây ra viêm loét nếu tiêu thụ với một lượng lớn.
Uống cùng sữa
Không nên uống nước cam khi vừa uống sữa xong vì protein trong sữa sẽ phản ứng với axit tartaric và vitamin C trong cam, ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa, gây chướng bụng, đau bụng, tiêu chảy.
Tránh uống nước cam quýt khi đang dùng thuốc, nên uống trước hoặc sau khi dùng thuốc 1-2 tiếng đồng hồ.
Để đảm bảo an toàn, bạn nên uống nước cam vào buổi sáng, sau bữa ăn để hấp thu nhiều dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất, đủ năng lượng cho cả ngày. Đây cũng là lúc dạ dày dễ hấp thu chất dinh dưỡng nhất. Bạn có thể uống nước cam sau bữa ăn từ một đến hai giờ.
Người nhạy cảm với các thành phần có trong nước cam như vitamin C không nên sử dụng. Nhóm bị viêm dạ dày hoặc có vấn đề về đường tiêu hóa cũng hạn chế uống vì nước cam có vị chua, chứa một lượng axit có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày. Người bệnh đái tháo đường, suy gan, thận, cũng nên cân nhắc. Người bình thường cũng không nên uống quá nhiều nước cam sẽ gây dư thừa lượng vitamin C không cần thiết cho cơ thể.