Phong cách sống

Thời của Gen Z: Không có nhà, đừng mơ chuyện cưới xin?

TIN MỚI

Giới trẻ ngày nay không muốn sống chung với bố mẹ chồng sau khi kết hôn. Đây là điều dễ hiểu, một phần vì khác biệt thế hệ khiến việc chung sống dễ nảy sinh mâu thuẫn, một phần vì ở riêng lúc nào cũng thoải mái và tự do hơn.

Dù không phải tất cả, nhưng thế hệ bố mẹ chúng ta cũng đã có phần cởi mở hơn với việc cho con sống riêng sau khi lập gia đình.

Không sống chung với bố mẹ chồng sau khi kết hôn, bản thân hai vợ chồng cũng chưa đủ "lực" để tự mua được nhà, lúc này, đi thuê nhà tưởng chừng là phương án hiển nhiên, không có gì phải bàn cãi; nhưng không.

Gần đây, trong một cộng đồng chia sẻ bí quyết tiết kiệm, kiến thức quản lý tài chính cá nhân, có không ít cô gái đăng đàn chia sẻ nỗi băn khoăn về chuyện mua nhà sau khi kết hôn. Mỗi người một suy nghĩ, một lý do khác nhau, nhưng điểm chung chính là: Họ đều đặt ra tiêu chuẩn "phải có nhà riêng trước khi cưới" cho người bạn trai mà mình đang tính chuyện lâu dài.

Thời của Gen Z: Không có nhà, đừng mơ chuyện cưới xin?- Ảnh 1.
Thời của Gen Z: Không có nhà, đừng mơ chuyện cưới xin?- Ảnh 2.

Không phải là tình yêu hay độ gắn kết, tin tưởng lẫn nhau, họ lấn cấn trước quyết định kết hôn chỉ vì người mình sắp lấy làm chồng… chưa có nhà.

Câu hỏi cần đặt ra lúc này: Phải chăng giờ đây, mua nhà là trách nhiệm của riêng đàn ông? Và nếu đào sâu suy nghĩ hơn nữa, như tâm sự của 2 cô gái ẩn danh phía trên, họ đều kỳ vọng bố mẹ chồng sẽ bán đất để cho mình tiền mua nhà. Liệu các bậc phụ huynh có con trai có phải gánh luôn cả trách nhiệm mua nhà riêng cho con sau khi chúng lấy vợ hay không?

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với 3 cặp vợ chồng về vấn đề này. Có người tự lực cánh sinh vẫn mua được nhà, có người may mắn được phụ huynh tậu sẵn cho cả căn chung cư chỉ việc dọn vào ở.

Bài toán nhà cửa khi cưới xin

Ngọc Thảo (28 tuổi) và Trung Hiếu (31 tuổi) đã về chung 1 nhà được gần 5 năm. Năm 2021, sau 2 năm kết hôn, Thảo và Hiếu mới mua được 1 căn chung cư rộng 75m2 ở quận Thanh Xuân (Hà Nội), giá 3,2 tỷ đồng.

Vì cả hai đều làm việc tại Hà Nội, gia đình bên nội lẫn bên ngoại đều ở các thành phố khác nên chuyện sống chung với bố mẹ chồng là điều không khả thi. Bởi thế, ngay từ khi tính chuyện cưới xin, Thảo và Hiếu đã xác định phải ở trọ một thời gian trước khi mua nhà.

"Ngày chúng mình mua nhà, bố mẹ mình cho 500 triệu, bố mẹ chồng cho 500 triệu. Bố mẹ bảo cho là cho, không yêu cầu phải được đứng tên sổ hồng hay gì nhưng sau khi bàn bạc với nhau, chúng mình quyết định sẽ xin hai bên gia đình số tiền như nhau là 300 triệu. 200 triệu còn lại là chúng mình vay, và đến giờ thì cũng trả ông bà xong rồi" - Thảo chia sẻ.

Thời của Gen Z: Không có nhà, đừng mơ chuyện cưới xin?- Ảnh 3.

Vợ chồng Ngọc Thảo, Trung Hiếu

Trong chuyện này, Hiếu là người có phần cứng rắn hơn. Anh thừa nhận: "Cả hai bên gia đình đều không khá giả, ông bà đi làm cả đời mới có 500 triệu tiết kiệm nên mình cũng không đành lòng xin hết. Bản thân hai vợ chồng còn trẻ khỏe, cũng có sức kiếm tiền nên xin mỗi bên gia đình 300 triệu là cũng thấy hơi nhiều rồi. Bố mẹ cũng cần tiền dưỡng già mà".

Vợ chồng Thế Thành (31 tuổi) và Ngọc Hương (30 tuổi) cũng đồng quan điểm với vợ chồng Ngọc Thảo, Trung Hiếu.

Năm 2022, ngay khi biết tin bản thân sắp được "thăng chức", Thế Thành đã nghĩ ngay đến việc phải mua nhà để đón con đầu lòng. Thời điểm đó, vợ chồng anh đã có 1,5 tỷ tiết kiệm nhưng vẫn phải vay ngân hàng thêm "một ít". Hiện tại, số tiền mà vợ chồng Thế Thành phải trả ngân hàng rơi vào khoảng 14 triệu đồng/tháng.

Chia sẻ về việc bố mẹ hai bên không hỗ trợ tài chính mua nhà, Ngọc Hương cho biết: "Mình nghĩ đòi hỏi bố mẹ mình hay bố mẹ chồng phải mua nhà cho hai vợ chồng là không nên, gọi là bất hiếu cũng không sai đâu.

Bố mẹ chúng mình đều là công chức, nuôi được hai đứa học hết bậc Thạc sĩ đã là rất cố gắng rồi. Lúc mua nhà, ông bà nội cũng bảo cho 100 triệu, ông bà ngoại cho 150 triệu nhưng vợ chồng mình đều không nhận, cũng không dám vay vì sợ bản thân ỷ lại, không trả được ông bà thì cũng rất áy náy".

Người được bố mẹ mua nhà cho nói gì?

Nền tảng tài chính của gia đình khá tốt nên Mạnh Duy (33 tuổi) đã có nhà riêng từ cách đây 5 năm - khi anh vẫn còn đang độc thân, chưa lập gia đình. Sẵn trong tay một căn chung cư 2 phòng ngủ, Mạnh Duy và vợ gần như không có áp lực phải tự mua nhà.

Thời của Gen Z: Không có nhà, đừng mơ chuyện cưới xin?- Ảnh 4.

Ảnh minh họa

"Mình là con một, bố mẹ mình làm kinh doanh nên cũng có phần dư dả, nhưng quyết định mua nhà hoàn toàn là do bố mẹ tự bàn, tự quyết chứ mình không đòi. Trước khi có nhà riêng thì mình cũng phải đi thuê nhà suốt 4 năm Đại học và 3 năm sau khi ra trường. Bản thân mình hoàn toàn cảm thấy ổn với việc ở nhà thuê chứ không có suy nghĩ ỷ lại vào bố mẹ" - Mạnh Duy khẳng định.

Hiện tại, vợ chồng anh vẫn đang ở trong căn chung cư mà bố mẹ mua cho. Tuy nhiên, cả hai vẫn đặt mục tiêu mua nhà đất.

"Bản thân mình thích ở nhà đất hơn ở chung cư. Vợ mình thì ngược lại, nhưng cả hai vẫn thống nhất sẽ gắng tiết kiệm và vay mượn để mua được 1 mảnh đất, xa trung tâm một chút cũng được để về già ở. Còn căn chung cư hiện tại của bố mẹ thì chúng mình cũng không nghĩ tới chuyện sẽ xin ông bà bán đi để dồn tiền mua đất. Bao nhiêu năm hai vợ chồng ở không tốn tiền thuê nhà là quá may mắn rồi" - Mạnh Duy chia sẻ.

3 gia đình, mỗi nhà một hoàn cảnh nhưng tất cả đều đồng quan điểm bố mẹ không có trách nhiệm phải mua nhà cho mình nếu tiềm lực tài chính không cho phép. Vậy họ nghĩ sao về tiêu chuẩn "bạn trai phải có nhà mới cưới"?

"Đó là suy nghĩ vừa thực dụng vừa không thực tế"

Trong 3 gia đình mà chúng tôi có cơ hội trò chuyện, Thu Hiền (30 tuổi) - Vợ của Duy Mạnh, là người phụ nữ duy nhất không phải trải qua những tháng ngày đi ở trọ sau khi kết hôn.

Cô thẳng thắn khẳng định rằng nhà đó là của bố mẹ chồng, không phải tài sản chung của cô và chồng nên nếu không may vợ chồng đường ai nấy đi, cô vẫn trắng tay.

"Bạn trai mua được nhà trước khi cưới, chuyện đó quá tốt vì mình có thể chắc chắn rằng không cô gái nào thích đi ở thuê sau khi cưới. Nhưng đặt tiêu chuẩn anh phải có nhà, tôi mới cưới thì là suy nghĩ vừa thực dụng vừa không thực tế. Vì mọi tài sản trước hôn nhân đều là tài sản riêng. Nếu vợ chồng không may đường ai nấy đi thì bản thân mình vẫn trắng tay. Lúc ấy thì cũng có khác gì mình đi ở trọ và phải chuyển trọ đâu.

Viễn cảnh ấy, đương nhiên, không ai muốn nó xảy ra, nhưng cũng không thể không tính tới vì tương lai mà, đâu biết trước được điều gì. Thế nên tốt nhất vẫn là vợ chồng tự lực cánh sinh. Chồng có sẵn nhà rồi thì đặt mục tiêu cố gắng cùng nhau có thêm tài sản chung cho con" - Thu Hiền phân tích.

Thời của Gen Z: Không có nhà, đừng mơ chuyện cưới xin?- Ảnh 5.

Ảnh minh họa


"Mình cũng không thích ở nhà thuê sau khi cưới đâu, chắc ai cũng thế thôi không riêng gì đàn ông hay phụ nữ. Nhưng kinh tế không đủ để mua nhà ngay thì phải chịu thôi, nghĩ tích cực thì đó là động lực để cả hai cùng cố gắng. Chứ chỉ vì thế mà chần chừ chuyện cưới xin thì chắc là tình yêu chưa đủ sâu sắc rồi" - Ngọc Hương chia sẻ quan điểm.

Còn Ngọc Thảo lại cho rằng dựa vào một cuốn sổ đỏ để đưa ra quyết định có nên kết hôn hay không là cách chọn chồng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

"Mình và chồng mình hẹn hò từ thời cả hai còn là sinh viên. Yêu nhau 6 năm mới cưới. Trong suốt khoảng thời gian ấy, mình cảm nhận được Hiếu là người có chí làm ăn. Mình cứ nhớ mãi lúc mình đang học năm 4, khi ấy Hiếu đã đi làm được 3 năm và có khoe với mình là anh đã có gần 300 tiết kiệm. Lúc đó chúng mình còn chưa tính chuyện cưới xin gì nhưng Hiếu đã tiết kiệm để mua nhà rồi.

Thế nên dù lúc cưới mình, Hiếu chưa có nhà thì mình vẫn tin chúng mình sẽ cùng nhau mua được nhà. Vấn đề quan trọng không phải là cái nhà, mà là người mình chọn lấy làm chồng có chí làm ăn hay không" - Ngọc Thảo chia sẻ quan điểm.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm