Mới đây, có thêm 6 người ở Quảng Ninh phải nhập viện do sử dụng máy phát điện và bị ngộ độc carbon monoxide (CO).
Vậy những loại thiết bị nào trong gia đình dễ dẫn đến ngộ độc CO cần chú ý?
Ngộ độc khí CO ngay từ thiết bị quen thuộc
Mới đây, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận 3 người ngộ độc từ một căn bếp ở Hà Nội. Theo nạn nhân chia sẻ, sáng cùng ngày trước khi vào viện, có 6 người làm việc tại căn bếp rộng khoảng 30m2. Tại thời điểm này, bếp không có mùi gì bất thường.
"Tuy nhiên, khoảng 9h thì tôi bị ngất. Lúc tỉnh dậy mới biết có 1 người nữa bị ngất và 1 bạn khác có biểu hiện khó chịu và được đưa đến bệnh viện cấp cứu", một nạn nhân chia sẻ.
Tại bệnh viện, các bác sĩ cho biết nồng độ CO trong máu của nạn nhân rất cao, gấp 30 lần so với bình thường; di chứng sau này có thể sẽ bị suy giảm trí nhớ.
Tại Đồng Nai, trước đó đã có 8 nhân viên một ngân hàng ở TP Biên Hòa bị chóng mặt, đau đầu, khó thở nghi do ngộ độc khí CO. Thông tin ban đầu nguyên nhân được cho là mất điện từ sáng, ngân hàng chạy máy phát điện ở tầng hầm tòa nhà.
Sau đó, một số người có biểu hiện khó thở, đau đầu nên ra ngoài, song nhiều người vẫn cố gắng làm việc nên bị ngộ độc khí CO. Đến khi một số người có triệu chứng nặng hơn thì mọi người mới tá hỏa, vội vàng đưa các bệnh nhân vào viện cấp cứu.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), cho biết trung tâm tiếp nhận nhiều ca ngộ độc khí CO.
"Ngoài những nạn nhân ngộ độc khí CO do cháy nổ, chạy máy phát điện trong phòng kín, ngộ độc khí CO từ khói xe, còn có cả những trường hợp nhập viện do sử dụng bình đun nước nóng chạy bằng khí ga, bồn chiên dầu sử dụng đồng thời khí gas và điện", bác sĩ Nguyên nói.
Theo bác sĩ Nguyên đánh giá, vụ ngộ độc khí CO ở bếp tại nhà hàng nêu trên chắc chắn do các thiết bị đun nấu đốt khí gas nhưng cháy không hoàn toàn nên tạo ra khí CO. Đáng chú ý, căn bếp mới lắp đặt, các thiết bị đều hoàn toàn mới và đang trong giai đoạn chạy thử. Nguyên nhân có thể là do khí gas không được đốt cháy hoàn toàn, sinh ra lượng khí CO tới mức gây ngộ độc.
Cũng đang điều trị oxy cao áp cho các bệnh nhân ngộ độc khí CO, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng (Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng) cho hay nguy cơ ngộ độc khí CO từ các thiết bị sử dụng nhiên liệu ga, xăng, dầu vẫn còn hiện hữu.
Theo đó, khi các nhiên liệu này được đốt cháy ở trong môi trường thiếu oxy sẽ sinh ra khí CO gây ngộ độc. Hoặc các loại động cơ sử dụng nhiên liệu như máy phát điện, bếp công nghiệp, trong xe ô tô… hoạt động trong môi trường hiếm khí cũng gây ra khí CO.
Điều đáng nói là khí CO rất khó để nhận biết, đây là loại khí không màu không mùi. Vì vậy, tình trạng ngộ độc khí CO tăng dần và bệnh nhân thường nhập viện trong tình trạng nặng.
Bác sĩ Nguyên cũng cho hay hiện trong cuộc sống có các nguy cơ mới gây ngộ độc khí CO, bên cạnh rất nhiều máy móc, thiết bị sử dụng nhiên liệu là xăng dầu.
"Trước đây ngộ độc CO thường xảy ra ở gia đình đốt than sưởi ấm. Hiện nay, các gia đình có điều kiện sống hiện đại không có nguy cơ cháy nổ cũng phát sinh khí CO. Đặc biệt là đối với những thiết bị thế hệ mới có thể sử dụng khí gas mà chúng ta còn chưa quen như máy phát điện, xe nâng hàng, bộ phận hấp phụ khí gây mê, rang hạt cà phê.
Thậm chí có hóa chất dung môi tẩy sơn chứa methylene chloride, methylen bromide có thể ngấm qua da vào trong cơ thể rồi được chuyển hóa thành khí CO ở trong cơ thể và gây ngộ độc từ từ…", bác sĩ Nguyên nói.
Ngộ độc CO nguy hiểm khôn lường
Bác sĩ Nguyên cho hay 50% bệnh nhân bị nhiễm độc khí CO dù là nhẹ, sau khi được điều trị vẫn sẽ bị các di chứng về tâm thần, thần kinh, sa sút trí tuệ, suy giảm trí nhớ sau này. 1/3 những người bị ngộ độc nặng ban đầu có tổn thương tim mạch sẽ tử vong trong vòng 8 năm sau này do biến chứng loạn nhịp tim.
"Vì vậy, các cơ quan chức năng cần có biện pháp quản lý, kiểm định để đảm bảo các thiết bị máy móc và hóa chất đảm bảo chất lượng và an toàn. Các thiết bị và các hóa chất cần phải luôn có kèm theo các cảnh báo nguy cơ gây ngộ độc để người tiêu dùng sử dụng biết và phòng tránh.
Bên cạnh đó, tất cả các nơi có thể phát sinh khí CO như các căn bếp cần lắp các thiết bị theo dõi và báo động nồng độ khí CO, khí gas, kịp thời phát hiện và tránh các vụ ngộ độc hoặc cháy nổ đáng tiếc xảy ra", bác sĩ Nguyên cho hay.
Tiến sĩ - bác sĩ Lê Quốc Hùng, trưởng khoa bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, cho hay khí CO khi hít phải ở ngưỡng độc sẽ kết hợp hồng cầu trong máu, khiến việc vận chuyển oxy đến các mô không đủ làm suy hô hấp. Mặt khác, khí CO đi theo máu có thể gắn trực tiếp tế bào cơ tim hoặc thần kinh và các cơ quan khác.
Phần lớn là ngộ độc khí CO là ngộ độc cấp, ở mức độ nhẹ sẽ chóng mặt, hoa mắt, nhức đầu, buồn nôn; mức độ nặng sẽ hoại tử cơ, suy hô hấp, lú lẫn, thậm chí tử vong. Bên cạnh đó, nếu không điều trị kịp thời có thể để lại di chứng nhất là về thần kinh, hoại tử cơ tim, viêm cơ tim dẫn đến suy tim.
Làm gì khi phát hiện người bị ngộ độc?
"Khi phát hiện bị ngộ độc khí, nguyên tắc đầu tiên là đưa bệnh nhân ra vùng thông thoáng khí để đào thải dần lượng khí CO. Nếu nôn ói phải móc sạch chất trong hầu họng, đặt bệnh nhân nằm ở đầu cao để dễ thở. Nếu khó thở, cần hô hấp nhân tạo, sau đó đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất", tiến sĩ Hùng cho biết.
Các bác sĩ khuyến cáo để phòng tránh nguy cơ ngộ độc khí CO, chú ý không chạy máy phát điện trong không gian hẹp và kín, các đường dẫn ống khí thải cần được kiểm tra định kỳ. Nếu có vấn đề rò rỉ, cần được khắc phục ngay.
Đồng thời có thể lắp đặt các thiết bị cảnh báo khí CO trong nhà và tại nơi làm việc để phát hiện sự tồn tại của khí CO từ khi còn sớm. Nếu nghi ngờ có khí CO trong nhà, nhanh chóng đeo mặt nạ phòng khói nếu có, làm thông thoáng căn nhà bằng cách mở cửa sổ ra.