Pin mặt trời ngày càng được khuyến khích sử dụng, nhưng việc xử lý các tấm pin hết hạn lại chưa có một quy trình hiệu quả. Với lựa chọn đơn giản nhất là vứt bỏ, trong thời gian tới, loại rác thải này có thể trở thành gánh nặng cho môi trường toàn cầu.
Áp lực tái chế lớn
Theo báo Nikkei Asia, Nhật Bản đang xem xét ban hành luật với các quy định về việc phải tái chế rác thải pin mặt trời. Đề xuất cho luật này dự kiến sẽ được trình Quốc hội Nhật sớm nhất vào năm 2025. Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật cũng đang xem xét ban hành các hình phạt đối với hành vi vứt bỏ hoặc không tái chế pin mặt trời.
Sau thảm họa kép động đất - sóng thần năm 2011, năng lượng mặt trời nổi lên ở Nhật như một giải pháp thay thế cho nguồn nhiệt điện hay năng lượng hạt nhân tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Vào cuối năm tài chính 2022, tổng công suất điện mặt trời lắp đặt tại Nhật đạt 85 triệu kilowatt, lớn thứ ba thế giới.
Với tuổi thọ mỗi tấm pin mặt trời dao động từ 20 - 30 năm, cho tới giữa những năm 2030, nước Nhật sẽ có một số lượng lớn các tấm pin hết hạn sử dụng. Bộ Môi trường Nhật Bản ước tính khi đó sẽ có từ 500.000 - 800.000 tấn rác pin cần xử lý mỗi năm.
Hiện Nhật chưa bắt buộc phải tái chế pin mặt trời, nhưng luật về xử lý rác thải buộc các nhà quản lý trang trại điện mặt trời phải giao các tấm pin thải cho những nhà thầu có khả năng xử lý.
Theo đó, trong một tấm pin mặt trời, kính thường chiếm khoảng 60% khối lượng. Những vật liệu cấu thành khác bao gồm silicon, nhôm và nhựa. Các nhà thầu này sẽ tái chế nhôm và một số vật liệu khác, nhưng phần lớn tấm pin sẽ kết thúc vòng đời ở bãi chôn lấp mà không được tái chế.
Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2012 đã ra quy định pin mặt trời phải được tái chế. Tại Mỹ, mỗi tiểu bang cũng có quy định riêng về việc xử lý rác pin mặt trời.
Tái chế được, nhưng chi phí cao
Theo trang Green Match, nếu các quy trình tái chế không được triển khai, đến năm 2050 thế giới sẽ có khoảng 60 triệu tấn rác pin mặt trời bị chôn lấp.
Theo tạp chí Harvard Business Review, chi phí tái chế một tấm pin mặt trời tốn khoảng 20 - 30 USD (từ 500.000 - 750.000 đồng), trong khi chi phí để chở tấm pin đó đến bãi rác chỉ mất từ 1 - 2 USD (từ 25.000 - 50.000 đồng). Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng không mấy mặn mà đầu tư vào công nghiệp tái chế pin vì khó khăn thì nhiều mà lợi nhuận lại chẳng được bao nhiêu, theo tạp chí Forbes.
Khảo sát của Cơ quan Năng lượng quốc tế với sự tham gia của 25 công ty tái chế pin mặt trời, chủ yếu là các công ty ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, chỉ ra nhiều thách thức trong quy trình tái chế hiện tại.
Các thách thức bao gồm sản phẩm tái chế chất lượng thấp, cũng như các khó khăn trong khâu loại bỏ và xử lý các vật liệu. Chẳng hạn kính thu được từ quá trình tái chế có chất lượng kém hơn kính ban đầu nên chỉ có thể được sử dụng trong các hàng hóa giá rẻ, ít lợi nhuận.
"Hãy đừng để việc tái chế tốn nhiều chi phí hơn việc mang tấm pin đi chôn lấp. Hãy đừng để việc này tốn thêm tiền của người dùng, và hãy để các bên tái chế có thể hòa vốn" - giáo sư Mool Gupta thuộc khoa kỹ thuật điện và máy tính tại Đại học Virginia (Mỹ) kêu gọi, bày tỏ hy vọng một ngày nào đó 100% số pin mặt trời hết hạn sẽ được tái chế.
Trong khi đó, ông Jack Groppo, giáo sư về kỹ thuật khai thác mỏ tại Đại học Kentucky (Mỹ), dự báo trong 20 năm nữa con người sẽ lại đi "đào" tìm vật liệu quý giá từ những tấm pin đã bị bỏ đi trong các bãi chôn lấp. "Việc tách các vật liệu này ngay từ bây giờ sẽ là hợp lý hơn cho chúng ta", ông nói với AP.
Nhật thúc đẩy sử dụng pin mặt trời perovskite (PSC)
Theo báo Japan Times, Nhật Bản đang thúc đẩy việc sử dụng các tấm pin mặt trời perovskite (PSC) - loại pin được chính các kỹ sư Nhật phát minh. Pin PSC nhẹ, mỏng, có thể gấp lại, khiến chúng có thể gắn trên tường nhà và nóc xe hơi.
Tuy nhiên PSC có tuổi thọ ngắn hơn các tấm pin mặt trời, chỉ khoảng 10 năm. Vì vậy, Chính phủ Nhật cũng đang xem xét một khoản trợ cấp để thúc đẩy hệ thống tái chế cho pin PSC.