Năm 1888, cây bút bi đầu tiên xuất hiện trên đất Mỹ nhưng phải gần một thế kỷ sau (1981), người tiêu dùng Việt Nam mới được chứng kiến sự ra đời của chiếc bút bi “made in Viet Nam”. Trước đó, bút bi ở nước ta chủ yếu là hàng nhập khẩu và khan hiếm đến mức nhiều người phải bơm mực vào tái sử dụng. Đây cũng là lý do khiến Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Thiên Long (Mã: TLG) - Cô Gia Thọ bắt tay vào khởi nghiệp dù lúc đó trong tay ông chỉ có vỏn vẹn hai chỉ vàng.
Trải qua 15 năm (năm 1996), từ một cơ sở chuyên sản xuất bút bi ở TP HCM, Thiên Long nâng cấp thành Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Thiên Long, đánh dấu một chặng đường mới gắn liền quy trình sản xuất tiên tiến, tự động hoá với nhiều trang thiết bị hiện đại. Đến năm 2005, công ty chuyển đổi mô hình hoạt động sang CTCP với vốn điều lệ 100 tỷ đồng.
Tháng 1/2008, CTCP Sản xuất Thương mại Thiên Long chào bán 3,5 triệu cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO). Đến tháng 3/2010, cổ phiếu TLG chính thức giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE).
Đến nay, Thiên Long đã trở thành nhà sản xuất văn phòng phẩm hàng đầu Việt Nam với sản phẩm đa dạng bao gồm bút viết, dụng cụ văn phòng, dụng cụ học tập, dụng cụ mỹ thuật và chiếm 60% thị phần bút viết trong nước. Ngoài cung cứng cho thị trường nội địa, Thiên Long còn đẩy mạnh xuất khẩu và hợp tác với những “ông lớn” như Newell Brands - công ty dẫn đầu ngành tiêu dùng toàn cầu có trụ sở tại Mỹ.
Tính đến cuối tháng 6/2023, vốn điều lệ của Thiên Long gần 778 tỷ đồng, trong đó CTCP Đầu tư Thiên Long An Thịnh nắm 48,01% cổ phần. NWL Cayman Holdings và ông Cô Gia Thọ nắm giữ lần lượt là 7,07% và 6,1% vốn.
Thiên Long An Thịnh được thành lập vào tháng 10/2009 với vốn điều lệ 400 tỷ đồng, người đại diện pháp luật là ông Cô Gia Thọ - Chủ tịch HĐQT công ty. Tính đến ngày 22/4/2014, ông Thọ sở hữu hữu 40% vốn điều lệ của công ty này.
Thiên Long kinh doanh ra sao?
Thiên Long hiện sản xuất và kinh doanh 5 nhãn hàng gồm Bizner chuyên cung cấp các sản phẩm cao cấp về bút bi, bút máy, bút lông, bút chì. Olokit là nhãn hàng đại diện cho dòng sản phẩm dụng cụ mỹ thuật như bút sáp màu, màu nước, sáp nặn, tập tô màu. Thiên Long là nhóm bút viết và các sản phẩm văn phòng tiện ích. Điểm 10 là bộ sản phẩm dụng cụ học sinh gồm bảng, phấn, thước kẻ, compa, kéo, tập vở. Flexoffice gồm các sản phẩm phục vụ cho giới văn phòng như giấy, file bìa hồ sơ, băng keo, hồ dán…
Tỷ trọng doanh thu lớn nhất của Thiên Long là bút viết với thương hiệu bút viết Thiên Long (chiếm 40% doanh thu). Khi doanh thu bút viết gặp khó khăn về tăng trưởng trong giai đoạn từ năm 2021 trở về trước do thị phần nắm giữ đã khá lớn, tập đoàn đã phải tìm kiếm động lực tăng trưởng ở kênh xuất khẩu và mảng văn phòng phẩm, tuy nhiên, mảng này vấp phải sự cạnh tranh lớn từ đối thủ nước ngoài.
Theo thống kê của người viết, giai đoạn 2018 – 2019, doanh thu của Thiên Long tăng trưởng đều đặn qua các năm. Song, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp (2020, 2021), doanh thu của nhà sản xuất bút bi hàng đầu Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề khi các trường học chuyển sang học online năm 2020, 2021.
Thời điểm năm 2022 – khi dịch bệnh được kiểm soát, doanh thu của tập đoàn đạt 3.521 tỷ đồng, tăng 32% so với năm trước. 6 tháng đầu năm nay, Thiên Long thu về 1.988 tỷ đồng, hoàn thành 50% kế hoạch năm đề ra.
Những năm gần đây, chi phí bán hàng của Thiên Long liên tục tăng mạnh, năm 2022 khoảng 1.997 tỷ đồng tăng 30% so với năm 2021. 6 tháng đầu năm nay, chi phí bán hàng tăng 18% so với cùng kỳ lên 1.119 tỷ đồng do tập đoàn đầu tư mạnh vào đội ngũ nhân sự từ giữa năm 2022 để chuẩn bị cho sự phát triển trong tương lai. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã tăng chi phí hoạt động bán hàng và phát triển thương hiệu để sẵn sàng cho mùa tiêu thụ cao điểm.
Giai đoạn 2013 – 2019, lợi nhuận của Thiên Long liên tục tăng trưởng nhưng vào hai năm 2020 và 2021, công ty đã không duy trì được đà tăng này do dịch COVID-19 bùng phát khiến nhiều trường học đóng cửa.
Khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát vào năm 2022, doanh nghiệp bút bi này nhanh chóng lấy lại phong độ và ghi nhận mức lợi nhuận cao nhất trong lịch sử hoạt động với 401 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp tăng nhẹ từ 42% (2021) lên 43% (2022).
Trong cuộc gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam do GS & SSI tổ chức mới đây, Thiên Long dự báo kết quả kinh doanh nửa cuối năm của công ty tại thị trường nội địa sẽ thấp hơn so với nửa đầu năm do thời gian bán hàng chính của công ty diễn ra trước mùa tựu trường trong quý III và giá hạt nhựa PVC đầu vào tăng nhẹ.
Đối với thị trường xuất khẩu, tập đoàn dự kiến doanh thu 6 tháng cuối năm tăng so với nửa đầu năm. Các sản phẩm mang thương hiệu Thiên Long có thể tăng trưởng mạnh hơn so với các sản phẩm OEM (sản phẩm sản xuất theo đơn đặt hàng của đối tác).
Về tình hình tài chính, cuối tháng 6/2023, tổng tài sản của Thiên Long đạt 3.031 tỷ đồng tăng 6% so với đầu năm. Khoản tiền, tương đương với tiền, tiền gửi có kỳ hạn khoảng 628 tỷ đồng, chiếm 21% tổng tài sản.
Xét trong giai đoạn 2019 – 2022, tỷ lệ này luôn chiếm trên 27% cơ cấu tài sản của doanh nghiệp. Nhờ thế hàng năm, Thiên Long đều thu về lượng tiền gửi ổn định. Năm 2022, lãi tiền gửi của doanh nghiệp là hơn 25 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ.
Về nguồn vốn, nợ phải trả tại cuối tháng 6/2023 của Thiên Long là 1.029 tỷ đồng, trong đó dư nợ vay tài chính ở mức 376 tỷ đồng, chủ yếu là nợ vay ngắn hạn. Vốn chủ sở hữu doanh nghiệp đạt 2.003 tỷ đồng, gồm 600 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối.
Gia tăng áp lực cạnh tranh với đối thủ ngoại
Năm nay, Thiên Long đặt kế hoạch doanh thu 4.000 tỷ đồng (tăng 14% so với năm 2022) và 400 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (đi ngang so với cùng kỳ), biên lợi nhuận ròng là 10%. Ban lãnh đạo cho biết biên lợi nhuận ròng có thể đạt 11-12% nhưng tập đoàn sẽ không tiết giảm chi phí để đạt kết quả ngắn hạn. Trong thời gian tới, Thiên Long sẽ tiếp tục mở rộng kinh doanh, tiếp cận các đối tượng khách hàng mới đặc biệt là giới trẻ.
Cụ thể, kinh doanh nội địa tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số tại tất cả các kênh phân phối. Đồng thời, phát triển và đẩy mạnh kênh thương mại điện tử như một mũi nhọn chiến lược để mở rộng thị phần. Ngoài ra, Thiên Long đặt mục tiêu nâng tầm thương hiệu FlexOffice và Colorkit, mở rộng kênh phân phối và danh mục sản phẩm tại các thị trường chủ lực của Đông Nam Á (Philippines, Myanmar, Campuchia, Indonesia và Malaysia) và hướng tới phát triển thị trường tại châu Âu, Trung Đông và châu Phi.
Thị trường văn phòng phẩm đang bước vào giai đoạn cao cấp hóa với bút mực và bút bi cao cấp trong mức giá từ 1-2 USD/chiếc chiếm thị phần từ các sản phẩm rẻ hơn. Vì phân khúc này, thương hiệu Thiên Long hiện được coi là kém cao cấp hơn so với các thương hiệu nước ngoài đến từ Nhật Bản, Trung Quốc và Đức.
Trong năm 2024, công ty có kế hoạch ra mắt các sản phẩm mới có giá bán bình quân cao hơn, đồng thời duy trì giá bán bình quân của các mặt hàng hiện tại. So với các đối thủ cạnh tranh khác (đối thủ từ Trung Quốc và Nhật Bản), SSI Research nhận định sản phẩm TLG có lợi thế về chi phí sản xuất thấp hơn và mạng lưới phân phối rộng hơn.
Doanh nghiệp đã tăng tỷ lệ tự động hóa năm 2022 lên 81,4% (2021: 78,8%), đưa vào vận hành nhà máy Thiên Long Long Thành (tăng 35% diện tích sản xuất) và trung tâm phân phối Lê Minh Xuân (rộng 14.000 m2)
Định hướng tới năm 2027, Thiên Long phấn đấu đạt 10.000 tỷ đồng doanh thu đến từ 3 mảng chính là mảng xuất khẩu (chiếm 25%), mảng nội địa (tăng về giá trị) và mảng mới. Trong cơ cấu doanh thu 10.000 tỷ đồng có tỷ lệ tăng mặt bằng giá bán từ 50 - 70% theo lộ trình 5 năm.
Trong báo cáo phân tích hồi tháng 4, Chứng khoán Vietcap dự báo doanh số bán hàng của Thiên Long giai đoạn 2022-2025 sẽ giảm 4%. Trong đó, doanh số bán hàng cho các dòng sản phẩm chính - bút viết, dụng cụ văn phòng và dụng cụ học tập có thể giảm xuống 10%/năm.
Song, Vietcap cũng tăng dự báo giá bán trung bình giai đoạn 2023-2025 lên 6%. Vì đơn vị phân tích kỳ vọng Thiên Long sẽ chuẩn bị tốt cho các sản phẩm bút viết và thâm nhập sâu hơn vào thị trường có biên lợi nhuận cao là dụng cụ mỹ thuật nhờ các kế hoạch marketing