Tháng 10 năm ngoái thị trường tài chính chứng kiến một cuộc khủng hoảng về thanh khoản khi lãi suất liên ngân hàng có lúc bị đẩy đến 9 đến 10%/năm, lãi suất huy động trên thị trường 1 lên tới 13-14%/năm. Đến năm nay, thanh khoản hệ thống lại có phần dư thừa khi lãi suất liên ngân hàng đã chạm đáy.
Bối cảnh cầu tín dụng yếu khiến lãi suất liên ngân hàng chạm đáy rồi đi ngang do dư thừa thanh khoản trong hệ thống. Lãi suất liên ngân hàng thời hạn qua đêm và dưới 1 tháng tiệm cận mức 0% là điều kiện tốt để tiếp tục hạ lãi suất cho vay trên thị trường.
Ba nguyên nhân khiến hệ thống dư thừa thanh khoản
Theo các chuyên gia, có ba nguyên nhân khiến thanh khoản hệ thống dư thừa: Nhu cầu tín dụng yếu, đầu tư công được đẩy mạnh và việc NHNN mua vào dự trữ ngoại hối.
Trong đó, nguyên nhân lớn nhất khiến thanh khoản hệ thống dư thừa năm nay là do nhu cầu tín dụng năm nay rất yếu, tăng trưởng tín dụng tính đến hết tháng 8 mới chỉ đạt 5,33%. Trong khi cùng kỳ năm ngoái, tăng trưởng tín dụng đã đạt 9,87%, trong bối cảnh thanh khoản hệ thống có phần co hẹp.
Nguyên nhân là do năm nay, bối cảnh thị trường khó khăn khiến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng giảm sút, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, tác động từ khả năng hấp thụ vốn của nhóm bất động sản;…
Bên cạnh đó, việc triển khai một số chương trình tín dụng, gói 120.000 tỷ đồng; chương trình hỗ trợ lãi suất cũng gặp khó khăn, vướng mắc.
Với nguyên nhân thứ hai, giải ngân vốn đầu tư công trong 8 tháng đầu năm ước đạt 352.100 tỷ đồng, bằng 49,4% kế hoạch năm và tăng 23,1% so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công cùng kỳ tháng 8 so với các năm trước đây và trong vòng 5 năm trở lại đây, tháng 8/2023 là cao nhất, không chỉ số tương đối mà còn cả số tuyệt đối. Việc giải ngân hiệu quả, bơm một lượng lớn tiền ra thị trường cũng khiến thanh khoản hệ thống dồi dào hơn.
Bên cạnh đó, việc NHNN mua vào khoảng 20 tỷ USD dự trữ ngoại hối bơm VND ra thị trường cũng là một trong những nguyên nhân giúp thanh khoản dư thừa. Theo ước tính của ông Michael Kokalari, chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital, kỳ vọng NHNN sẽ mua khoảng 25 tỷ USD dự trữ ngoại hối trong năm nay.
Điều này sẽ bơm thanh khoản vào hệ thống ngân hàng một cách đáng kể, có khả năng thúc đẩy tiền gửi trên toàn hệ thống tăng trưởng thêm 4% trong năm.
Thanh khoản dồi dào là điều kiện để hạ lãi suất
Thanh khoản dư thừa khiến lãi suất huy động liên tục giảm, báo cáo từ VNDirect cho hay, lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại (NHTM) đã giảm xuống mức 6,0%/năm tại ngày 24/08/2023, giảm hơn 0,4 điểm % so với cuối tháng 7 và gần 1,9 điểm % so với cuối năm 2022.
Lãi suất tiền gửi chứng kiến đà giảm mạnh trong thời gian qua là do tác động từ 4 đợt giảm lãi suất của NHNN, nhu cầu tín dụng yếu trong nửa đầu 2023 làm giảm áp lực huy động, Chính phủ thúc đẩy đầu tư công và mở rộng tài khóa, từ đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế.
Cùng với việc giảm lãi suất huy động, lãi suất cho vay đã giảm khoảng 0,5-1,0 điểm % so với cuối năm 2022. Tuy nhiên, các chuyên gia từ VNDirect kỳ vọng lãi suất cho vay có thể giảm hơn nữa trong những tháng cuối năm nay, nhờ chi phí vốn của các NHTM đang giảm nhanh trong thời gian qua.
"Chúng tôi dự báo lãi suất cho vay có thể giảm thêm 100-150 điểm cơ bản trong những quý tới và đây sẽ là động lực chính cho sự phục hồi trong tiêu dùng tư nhân và đầu tư", báo cáo từ VNDirect cho hay.
PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính nhận định, mặt bằng lãi suất cho vay từ giờ đến cuối năm có khả năng sẽ giảm từ 1,5 đến 2%.
Thanh khoản dồi dào là điều kiện để hạ mặt bằng lãi suất, song bên cạnh đó, NHNN cần đưa ra thêm các chính sách, công cụ với mục đích tăng sự cạnh tranh giữa các ngân hàng, tổ chức tín dụng để giảm mặt bằng lãi suất chung trong toàn hệ thống ngân hàng thay vì chỉ hạ lãi suất điều hành.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng nhấn mạnh, hiện thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng dư thừa và còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, để làm được điều này thì bên cạnh việc hạ lãi suất cần triển khai các giải pháp để tăng khả năng hấp thụ vốn của người dân, doanh nghiệp.
Để nâng cao hiệu quả tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, tăng khả năng tiếp cận vốn của nền kinh tế, NHNN đề xuất 4 nhóm giải pháp gồm: Thứ nhất, nhóm giải pháp kích cầu đầu tư, tiêu dùng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế; Thứ hai, nhóm giải pháp phát triển các loại thị trường (trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản); Thứ ba, nhóm giải pháp nâng cao năng lực, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và thứ tư, nhóm giải pháp về tiền tệ, tín dụng, lãi suất.