Tài chính

Thị trường vàng: Điên loạn vì cung cầu ép giá

“Bắt mạch” cơn điên loạn

Chốt phiên giao dịch ngày 16/3, giá vàng miếng trong nước SJC ở mức 67 - 68 triệu đồng/lượng, giảm 500.000 đồng/lượng. Đây là phiên giảm giá thứ 4 liên tiếp. Tròn 1 tuần kể từ khi giá vàng lập đỉnh (ngày 8/3), giá vàng giảm tới 6,4 triệu đồng/lượng. Sau khi trừ chênh lệch mua vào - bán ra, mỗi lượng vàng, người dân lỗ tới 7,5 triệu đồng/lượng. Trái ngược đà tăng giá phi mã rồi lao dốc của vàng miếng SJC, giá vàng nhẫn tròn trơn, vàng trang sức dao động từ 54,9 - 56 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Việc giá vàng miếng SJC “lên đồng” như vừa qua là một trong những điều bất thường do từ lâu, vàng miếng không còn được sử dụng làm phương tiện thanh toán hay thước đo giá trị. Những năm gần đây, khi thế giới xảy ra sự kiện biến động như Trung Quốc phá giá đồng CNY (tháng 8/2015), Anh rời khỏi Liên minh châu Âu - Brexit (tháng 6/2016), đặc biệt, từ đầu tháng 7 đến giữa tháng 8/2020, giá vàng thế giới biến động tăng kỷ lục do diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 nhưng thị trường vàng trong nước tiếp tục ổn định. Giá vàng trong nước tăng theo giá vàng thế giới, có thời điểm lên mức 62,2 triệu đồng/lượng (ngày 07/8/2020), nhưng thị trường vàng trong nước diễn biến ổn định, không có hiện tượng đầu cơ, tạo sóng.

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, việc giá vàng tăng bất thường thời gian qua, có thể do một số doanh nghiệp bắt tay nâng giá vàng để hưởng lợi. Nhất là bối cảnh nhu cầu vàng tăng cao trong khi nguồn cung ngày càng hạn chế. Tốc độ tăng vàng tiêu dùng (vàng trang sức) của Việt Nam tới 8% trong năm 2021 nhưng từ lâu, NHNN không cho nhập khẩu nguyên liệu vàng.

Hiện nay, thị trường vàng trong nước bao gồm 2 loại sản phẩm chính, gồm: vàng SJC độc quyền thương hiệu NHNN và vàng vật chất dưới dạng trang sức, hình thức đóng vỉ của các doanh nghiệp khác. Trước đó, khi chọn SJC là thương hiệu vàng của Nhà nước, NHNN lý giải việc sản xuất vàng miếng là độc quyền nhà nước, không phải là độc quyền doanh nghiệp. Từ khi Nghị định 24 có hiệu lực, Công ty SJC chỉ còn các chức năng là kinh doanh mua bán vàng miếng, sản xuất và kinh doanh mua bán vàng trang sức mỹ nghệ như các doanh nghiệp được phép khác.

"Việc giá vàng tăng bất thường thời gian qua, có thể do một số doanh nghiệp bắt tay nâng giá vàng để hưởng lợi. Nhất là bối cảnh nhu cầu vàng tăng cao trong khi nguồn cung ngày càng hạn chế".

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhận định


Về giá vàng miếng, công ty SJC chỉ là một trong số rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức tài chính kinh doanh mua bán vàng miếng SJC. Giá vàng miếng SJC do cung cầu thị trường quyết định. Công ty SJC không được tiếp tục sản xuất vàng miếng, chỉ được gia công vàng miếng khi được yêu cầu. Công ty SJC không quyết định được giá mua, giá bán vàng miếng SJC trên thị trường.

Lí do muôn thuở thiếu nguồn cung

Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, tại thị trường trong nước. Áp lực lạm phát cũng là một trong những nguyên nhân đẩy giá vàng liên tục lập đỉnh. Bên cạnh đó, việc thiếu hụt nguồn cung, độc quyền SJC là lý do “muôn thuở”.

Từ năm 2012 đến nay, theo Nghị định 24, NHNN quản lý nguồn vàng nhập khẩu, khi nào cần thiết mới nhập để chế tác nữ trang. NHNN chỉ đấu thầu nhỏ giọt vàng, từ năm 2014 không còn nhắc tới khiến cho nguồn cung khan hiếm. Trong khi đó, nhu cầu với vàng của người dân vẫn luôn ở mức cao, tăng trưởng đều đặn. Theo Báo cáo xu hướng nhu cầu vàng mới nhất của Hội đồng Vàng Thế Giới (WGC), tổng nhu cầu vàng cả năm 2021 ở Việt Nam ở mức 43 tấn, tăng trưởng khoảng 8%.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Andrew Naylor, Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) cho rằng, Việt Nam chủ yếu là thị trường tiêu dùng, bán lẻ vàng, do đó các yếu tố ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng sẽ có tác động lớn nhất. Các yếu tố có thể ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng, bao gồm: tăng trưởng kinh tế, lạm phát. Lạm phát toàn cầu dự kiến sẽ tăng lên.

Nghiên cứu thị trường của Hội đồng vàng thế giới đã chỉ ra rằng đối với nhiều người Việt Nam, chống lạm phát là yếu tố chính để mua vàng. "Nghiên cứu của chúng tôi cũng ủng hộ trường hợp vàng như một biện pháp phòng ngừa lạm phát. Trong thời kỳ lạm phát thấp, khi lạm phát từ 3% trở xuống, lợi tức trung bình hàng năm trong lịch sử của vàng là gần 7%. Con số đó tăng lên gần 13% trong thời kỳ lạm phát cao”- Hội đồng vàng thế giới khẳng định.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm