Nhiều chuyên gia và nhà đầu tư dự đoán các quan chức tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giữ nguyên lãi suất chuẩn trong cuộc họp cuối tháng 7 này. Nhiều nhà kinh tế cho rằng tháng 7 là thời điểm thích hợp để cắt giảm lãi suất, nhưng theo công cụ FedWatch của CME Group, thị trường tài chính lại cho rằng chỉ 4,7% khả năng Fed cắt giảm trong cuộc họp này.
Lạm phát tăng trở lại trong quý đầu tiên. Nhưng sau đó, số liệu đã giảm liên tiếp cho đến báo cáo chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng (PCE) tháng 6 được công bố tuần trước. Một số nhà kinh tế cho biết ngân hàng trung ương có thể chờ đến cuộc họp sau để đảm bảo lạm phát sẽ không tăng trở lại.
Nhà kinh tế học Justin Begley của Moody's Analytics cảnh báo rằng với tốc độ tăng trưởng chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, nền kinh tế Mỹ ngày càng dễ bị tổn thương. Chưa kể đến một số cú sốc như xung đột địa chính trị gia tăng, hoặc bán tháo trên thị trường cổ phiếu và tín dụng
Ông phân tích thêm rằng việc duy trì lãi suất ở mức cao trong thời gian quá dài có thể gây tổn hại đáng kể đến thị trường lao động, làm lung lay lòng tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tất cả điều này đều không tốt cho thu nhập cá nhân.
Liệu các quan chức Fed có ra tín hiệu cắt giảm lãi suất vào tháng 9?
Những yếu tố kể trên có thể khiến Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đưa ra tuyên bố rõ ràng hơn rằng liệu họ có cắt giảm lãi suất quỹ liên bang tại cuộc họp vào tháng 9 hay không.
Trong các bài phát biểu gần đây, các quan chức Fed cho biết họ có thêm động lực từ dữ liệu lạm phát giảm đều đặn trong những tháng gần đây. Nhưng họ đang chờ thêm dữ liệu trước khi tự tin cắt giảm lãi suất.
Michael Gapen, nhà kinh tế trưởng của Bank of America Securities tại Mỹ, bình luận: “Chúng tôi dự đoán Fed sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách vào tháng 7, báo hiệu tiến trình giảm lạm phát quay trở lại. Fed lạc quan rằng việc cắt giảm có khả năng xảy ra trong thời gian tới. Nhưng chúng tôi nghĩ rằng họ sẽ không đưa ra tín hiệu khẳng định thời điểm cắt giảm lãi suất vào tháng 9. Điều đó có thể xảy ra, nhưng sẽ phụ thuộc vào dữ liệu”.
Quyết định cắt giảm lãi suất là bước ngoặt cho nền kinh tế
Nếu lần này Fed giữ nguyên lãi suất, cuộc họp tháng 9 có thể là bước ngoặt trong cuộc chiến chống lạm phát của Fed.
Đó có thể là lần đầu tiên Fed giảm lãi suất kể từ khi đại dịch bùng phát vào năm 2020. Fed đã giữ lãi suất ở mức gần bằng 0 trong suốt thời gian xảy ra đại dịch để kích thích nền kinh tế. Sau đó, họ tăng lãi suất bắt đầu từ tháng 3/2022 để hãm phanh nền kinh tế và kiềm chế lạm phát.
Vào tháng 7/2023, Fed tăng lãi suất quỹ liên bang lên mức cao nhất kể từ năm 2001 và đã giữ nguyên mức này cho đến nay.
Trong hai năm qua, tỷ lệ lạm phát hàng năm đo bằng PCE đã giảm từ mức đỉnh là 7,1% xuống mức 2,5%, gần với mục tiêu 2% của Fed. Cùng lúc đó, thị trường lao động trước đây từng rất nóng đã hạ nhiệt. Tỷ lệ thất nghiệp tăng từ mức thấp nhất trong 50 năm là 3,4% lên 4,1%.
Đáng chú ý, chủ tịch Fed Jerome Powell nói rằng ông quan tâm đến thị trường việc làm như ông quan tâm đến lạm phát. Điều đó cho thấy Fed có thể sớm xoay trục chính sách. Fed sử dụng chính sách tiền tệ để hoàn thành nhiệm vụ là kiểm soát lạm phát và duy trì tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp.
Theo Investopedia