Chứng khoán

Thị trường giảm sâu, khối ngoại tung gần 7.000 tỷ "gom hàng" chỉ trong nửa tháng 11

VN-Index liên tục giảm sâu từ đỉnh, hiện đã xuống vùng đáy 25 tháng tại sát ngưỡng 900 điểm. Áp lực bán mạnh vẫn dâng cao trên thị trường chứng khoán Việt Nam, khiến chỉ số lẫn giá cổ phiếu liên tục chìm trong sắc đỏ. Áp lực bán mạnh chủ yếu xuất phát từ dòng tiền nội, trong bối cảnh hoạt động bán giải chấp tiếp tục diễn ra cộng thêm tâm lý kém tích cực và mất niềm tin của những người cầm cổ phiếu, muốn nhanh chóng bán ra để thu hẹp danh mục.

Ngược dòng bối cảnh chung, dòng vốn ngoại lại là điểm sáng hiếm hoi trên thị trường trong vòng nhiều phiên trở lại đây. Cụ thể, tính riêng trong nửa đầu tháng 11, khối ngoại đã mạnh tay mua ròng gần 6.800 tỷ đồng trên toàn thị trường. Đây là tín hiệu rất tích cực của dòng vốn ngoại, đặc biệt là khi trước đó, nhà đầu tư nước ngoại đã bán ròng liên tiếp trong tháng 9 và tháng 10 với giá trị gần 5.000 tỷ đồng.

Như vậy, tính chung từ đầu năm tới hết ngày 15/11, giá trị giao dịch ròng luỹ kế trong hơn 11 tháng của khối ngoại đã đảo chiều sang mua ròng gần 5.800 tỷ đồng; trước đó 10 tháng đầu năm vẫn đang ghi nhận bán ròng. Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 8.136 tỷ đồng trên kênh khớp lệnh trong khi bán ròng 2.343 tỷ đồng trên kênh thoả thuận.

Thị trường giảm sâu, khối ngoại tung gần 7.000 tỷ gom hàng chỉ trong nửa tháng 11 - Ảnh 1.

Xét riêng theo từng mã cổ phiếu trong tháng 10, lực mua ròng của khối ngoại tập trung mạnh nhất tại cổ phiếu bất động sản KDH, giá trị đạt 614 tỷ đồng. Việc gom hàng của khối ngoại diễn ra bất chất thị giá KDH đang trong chuỗi giảm mạnh từ đỉnh xuống vùng đáy 2 năm dưới 20.000 đồng/cổ phiếu. So với đỉnh hồi đầu tháng 1 năm nay, thị giá KDH đã giảm hơn 60% tương ứng vốn hóa bị thổi bay khoảng 22.800 tỷ đồng (~1 tỷ USD) sau hơn 10 tháng.

Theo báo cáo, hai nhóm quỹ ngoại Dragon Capital và VinaCapital gần đây đã mua vào cổ phiếu KDH. Trong đó, các quỹ thành viên thuộc Dragon Capital đã mua thêm 19 triệu cổ phiếu KDH và trở lại làm cổ đông lớn với việc nắm giữ 7,64% vốn. Còn quỹ VOF Investment Limited thuộc VinaCapital quản lý cũng đã mua vào 10 triệu cổ phiếu KDH để nâng sở hữu từ 0% lên 1,41% vốn điều lệ. Giao dịch được thực hiện theo phương thức thỏa thuận từ ngày 31/10 đến 8/11/2022.

Trong khi đó, giá trị mua ròng gần 600 tỷ cũng được ghi nhận tại mã chứng khoán ngành bất động sản khác là VHM. Thị giá cổ phiếu này đang giao dịch quanh vùng đáy giá 32 tháng, giảm gần 50% so với vùng đỉnh hồi tháng 8/2021 xuống 43.400 đồng/cp.

Khối ngoại còn mua ròng hơn 400 tỷ đồng tại mã ngân hàng STB, cổ phiếu dầu khí sàn HNX là PVS hay mã đầu ngành chứng khoán SSI. Ngoài ra, các cổ phiếu như DGC, VND, VNM hay MSN cũng được mua ròng từ 200-400 tỷ đồng tại mỗi mã.

Thị trường giảm sâu, khối ngoại tung gần 7.000 tỷ gom hàng chỉ trong nửa tháng 11 - Ảnh 2.

Ngược lại, dòng tiền ngoại ghi nhận giá trị bán ròng mạnh nhất tại mã ngành thép HPG, giá trị đạt 462 tỷ đồng. Gần như số lượng cổ phiếu đã bị nhà đầu tư nước ngoài bán ra theo hình thức khớp lệnh. Cổ phiếu này hiện đã rơi xuống vùng giá 12.xxx đồng/cp, tương ứng giảm tới 20% chỉ sau 11 phiên của tháng 11 %.

Các mã cổ phiếu khác như KDC, HDB, KBC, DXG cũng đứng vị trí cao trong danh sách rút ròng của khối ngoại trong nửa đầu tháng 11 tuy nhiên giá trị bán ròng đều không quá 70 tỷ đồng tại mỗi mã chứng khoán.

Động lực từ sự trở lại của dòng vốn ETF

Động lực mua ròng mạnh của khối ngoại mở ra hy vọng về khả năng tạo đáy ngắn hạn cho thị trường tại vùng điểm hiện tại. Cũng cần nhấn mạnh rằng dòng vốn khối ngoại gần đây có đóng góp không nhỏ từ các quỹ ETF, hàng nghìn tỷ đồng vẫn đang đổ vào chứng khoán Việt Nam qua kênh này. Nổi bật là Fubon ETF khi mua ròng khoảng 2.500 tỷ đồng trong vòng nửa đầu tháng và tập trung vào các cổ phiếu trụ cho thấy dòng vốn đầu tư từ Đài Loan (Trung Quốc) vẫn đánh giá cao triển vọng đi lên trong dài hạn của chứng khoán Việt Nam. Ngoài ra, Diamond ETF và VN30 ETF cũng đã hút ròng hàng trăm tỷ đồng.

Thị trường giảm sâu, khối ngoại tung gần 7.000 tỷ gom hàng chỉ trong nửa tháng 11 - Ảnh 3.

“Việt Nam bây giờ giống như Đài Loan của những năm 1980. Bạn không thể tham gia đầu tư vào Đài Loan cách đây 40 năm, nhưng bạn có thể kiếm được lợi nhuận nhờ những cải cách kinh tế Việt Nam thông qua việc đầu tư vào Fubon Vietnam ETF” - Yang Yining, giám đốc đầu tư Fubon Vietnam ETF từng chia sẻ.

Thậm chí còn lạc quan hơn Fubon ETF, Jih Sun Vietnam Opportunity Fund - một “tân binh” đến từ Đài Loan (Trung Quốc) đánh giá Việt Nam như viên kim cương của châu Á, đang phát triển nhanh chóng một cách đáng kinh ngạc với 4 yếu tố vượt trội là tăng trưởng kinh tế, dân số, vốn nước ngoài và thị trường chứng khoán.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm