Ngày 11/10, tiếp tục chương trình Phiên họp 16 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về: Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Bên cạnh những yếu tố về ổn định kinh tế vĩ mô, các yếu tố rủi ro về thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu cũng được nhắc đến tại Hội trường Quốc hội.
Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2022, các thị trường đầu tư chịu áp lực bất lợi từ nhiều phía, cả với quản lý nhà nước, với hệ thống ngân hàng, với thu nhập và sức chi trả của người dân,…
Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022 nhằm tăng cường công tác quản lý, thanh tra giám sát, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững.
Hiện trên thị trường có 440 mã trái phiếu niêm yết với quy mô giao dịch bình quân tháng 9 đạt khoảng 7.000 tỷ đồng/phiên, tăng 13,9% so với tháng trước; giá trị giao dịch bình quân 09 tháng là 9,25 nghìntỷ đồng/phiên, giảm 18,9% so với bình quân năm 2021.
Về thị trường chứng khoán, mặc dù trong nước, nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được đà hồi phục khá, tuy nhiên, không nằm ngoài xu hướng giảm điểm chung của thị trường chứng khoán toàn cầu trong bối cảnh các ngân hàng trung ương trên thế giới tiếp tục có những động thái thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 9 có xu hướng giảm điểm kém tích cực.
Hiện có 753 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 sàn giao dịch HNX và HOSE, 858 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM và gần 6,51 triệu tài khoản đầu tư chứng khoán. Giá trị giao dịch bình quân tháng 9 đạt 15.900 tỷ đồng/phiên, giảm 15% so với tháng trước, giá trị giao dịch bình quân 9 tháng đầu năm đạt 22.500 tỷ đồng/phiên, giảm 15,5% so với năm 2021.
Thị trường chứng khoán phái sinh khối lượng giao dịch bình quân tháng 9 là 237.900 hợp đồng/phiên, tăng 21% so với tháng trước; giá trị giao dịch bình quân 9 tháng là 213.100 hợp đồng/phiên, tăng 15,5% so với bình quân năm trước.
Báo cáo của Chính phủ cho biết, tăng cường quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra các công ty đại chúng và tổ chức kinh doanh chứng khoán; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường; trong 9 tháng đầu năm, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành 304 quyết định xử phạt vi phạm, với tổng số tiền xử phạt xấp xỉ 23,86 tỷ đồng.
Về thị trường quyền sử dụng đất, Chính phủ đánh giá, trong 9 tháng đầu năm 2022, giá bất động sản vẫn tăng so với thời điểm cuối năm 2021, mức độ tăng giá các phân khúc bất động sản tập trung trong cuối quý I, chậm dần và có dấu hiệu chững lại trong các tháng quý II (khi các hoạt động đầu tư, kinh doanh, dịch vụ thuộc các ngành nghề, lĩnh vực khác được phục hồi, bình thường trở lại).
Theo báo cáo trên, dự báo giá đất những tháng còn lại của năm 2022 sẽ có xu hướng tăng, phụ thuộc vào nguồn cung, nhất là thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng, dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp, phát triển đô thị, khu dân cư nông thôn, dự án dịch vụ, thương mại... ở từng địa phương.
“Tuy nhiên, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, vàng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các quy định về phát hành trái phiếu riêng lẻ chậm hoàn thiện, ảnh hưởng đến việc phát triển các kênh huy động vốn mới cho doanh nghiệp, làm gia tăng áp lực lên hệ thống ngân hàng.
Thị trường bất động sản có dấu hiệu tăng nóng trong những tháng đầu năm, hình thành mặt bằng giá mới, gia tăng áp lực đối với nhà nước, nhà đầu tư khi thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng đầu tư các dự án mới và cả người dân về khả năng chi trả, nhất là với các hộ gia đình trẻ, thu nhập thấp”, báo cáo Chính phủ nhận định.
Thẩm tra đánh giá thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, trong thời gian qua, nước ta đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, nhiều thách thức lớn hơn so với dự báo.
Tuy nhiên, cũng cần quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề như: Tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm, nhất là quý III cao song không nên chủ quan vì nền tăng trưởng cùng kỳ thấp; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội thấp hơn so với mục tiêu;
Việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế; các gói hỗ trợ thực hiện còn chậm, gói hỗ trợ lãi suất qua hệ thống ngân hàng thương mại có tỷ lệ giải ngân rất thấp; Tiến độ giải ngân chi đầu tư phát triển tiếp tục chậm; Xuất khẩu có dấu hiệu chậm lại; Việc triển khai quy hoạch, nhất là công tác lập các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 còn chậm.
Về thị trường vốn cho doanh nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho hay, thị trường chứng khoán có tốc độ tăng trưởng nhanh, là kênh huy động vốn trung - dài hạn cho nền kinh tế, song biến động và tiềm ẩn rủi ro.
Cơ quan thẩm tra cho rằng quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp ngày càng được mở rộng nhưng có giai đoạn tăng nóng, cơ cấu thị trường còn thiếu cân đối, chất lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chưa cao. Thị trường này cũng tồn tại hiện tượng sử dụng vốn huy động qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sai mục đích, thiếu minh bạch.
Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cần có đánh giá thận trọng, chính xác về mức độ ảnh hưởng, để có giải pháp phù hợp, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững của thị trường tiền tệ, vốn.
Về dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị tập trung vào một số trọng tâm, trọng điểm như: Kiên định, kiên trì thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Theo dõi chặt diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến lạm phát trong nước, nhất là giá xăng dầu và giá nguyên vật liệu sản xuất. Xây dựng kịch bản ứng phó với nguy cơ đình trệ và lạm phát.