Chứng khoán

Thị trường chứng khoán thường biến động ra sao trong các chu kỳ hạ lãi suất của Fed?

Thị trường chứng khoán thường biến động ra sao trong các chu kỳ hạ lãi suất của Fed?- Ảnh 1.

Thị trường chứng khoán là tấm gương phản chiếu của nền kinh tế, nhưng giới đầu tư luôn quan tâm đến những sự kiện nổi bật nhất, có ảnh hưởng lớn đến tâm lý, dòng tiền. Việc Fed có khả năng bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 9/2024 sau 3 năm duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ là một sự kiện lịch sử. Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của Tiến sĩ Nguyễn Hồng Điệp, CEO CTCP VICK về vấn đề này.

Kinh tế Mỹ sẽ hạ cánh mềm hay rơi vào suy thoái?

Nền tảng kinh tế thị trường (tư bản Mỹ) được dựa theo học thuyết kinh tế Keynes. Keynes là nhà kinh tế học, sinh ra vào cuối thế kỷ 19. Ông đã sáng lập ra Lý thuyết tổng quát về kinh tế học vào thời kỳ đại khủng hoảng 1929-1931. Nền tảng của nó là dựa vào Việc làm, Lãi suất và Tiền tệ. Keynes cũng chỉ ra rằng cầu hữu hiệu sẽ ngăn chặn suy thoái. Có nghĩa là cung do cầu quyết định. Chỉ cần cầu tăng lên, thì sản xuất và việc làm sẽ tăng theo, giúp đưa nền kinh tế không rơi vào suy thoái.

Vậy những dấu hiệu nào để nhận biết kinh tế suy thoái? Có tổng cộng 11 dấu hiệu, nhưng có 5 thứ cực kỳ quan trọng.

1. GDP suy giảm liên tục. Theo lý thuyết kinh tế hiện đại, nếu GDP (Mỹ) suy giảm 2 quý liên tiếp thì đó là dấu hiệu suy thoái.

2. Thị trường lao động yếu đột ngột. Trong các dữ liệu về việc làm thì quan trọng nhất là tỷ lệ thất nghiệp. Nếu tỷ lệ này vượt qua 5% thì đó là dấu hiệu nguy hiểm. Ngoài ra, bảng lương phi nông nghiệp (thu nhập theo giờ giảm) và số việc làm mới cũng là dấu hiệu nhận biết suy thoái sắp xảy ra.

3. Đường cong lãi suất trái phiếu bị đảo ngược. Nếu bình thường lãi suất dài hạn luôn cao hơn lãi suất ngắn hạn, nhưng khi đảo nghịch lại thì đó là dấu hiệu kinh tế suy giảm.

4. Nợ xấu gia tăng. Hãy nhớ lại thời 2008 khi nợ xấu của hệ thống ngân hàng Mỹ tăng đột biến dẫn đến mất thanh khoản, nhà băng danh tiếng Lehman Brother bị phá sản, nhà đất bị bán tháo.

5. Mâu thuẫn chính sách tài khóa tiền tệ giữa các quốc gia. Khi xảy ra bất đồng quan điểm điều hành lãi suất giữa các nền kinh tế chủ chốt, thì đó là dấu hiệu suy thoái sắp xảy ra.

Ngoài 5 nguyên nhân chủ yếu trên, dấu hiệu suy thoái kinh tế còn có những dấu hiệu khác thêm nữa như vận tải biển suy yếu, nhu cầu dầu mỏ giảm sút, thắt chặt điều kiện tín dụng, căng thẳng địa chính trị, chiến tranh, dịch bệnh.

Khủng hoảng là nặng hơn của suy thoái. Từ những điểm như trên, người ta đã xác định khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã từng xảy ra chỉ có 3 lần: 1930, 2001, 2008. Còn hồi đại dịch 2020 cũng chỉ là một đợt suy thoái ngắn hạn từ yếu tố dịch bệnh khá bất ngờ.

Vậy kinh tế Mỹ đang ở trạng thái như thế nào? Dù phải hứng chịu những đợt tăng lãi suất và duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ trong thời gian dài, nhưng nền kinh tế Mỹ hiện vẫn cho thấy đủ khoẻ để chưa rơi vào suy thoái. Tất nhiên luôn có độ trễ, ngấm dần chính sách vào nền kinh tế. Tất cả những điều này cần phải quan sát và kiểm nghiệm qua những số liệu trong vài tháng nữa, thậm chí phải đến giữa năm 2025 mới xác định chính xác kinh tế Mỹ có rơi vào suy thoái hay không.

Vai trò của Fed

Fed hay được gọi là Cục dự trữ liên bang Mỹ có vai trò hoạch định chính sách tiền tệ, đảm bảo sự ổn định nền kinh tế. Fed sẽ cân bằng rủi ro giữa giá cả, thị trường lao động và lãi suất. Do đó, Fed sẽ chủ động tăng giảm lãi suất dựa theo các dữ liệu về lạm phát, việc làm. Tất nhiên, Fed cũng sẽ phải hành động khi ra tay cứu trợ nền kinh tế khẩn cấp trong những trường hợp khủng hoảng hay suy thoái.

Chính vì thế, cần phân biệt 2 trường hợp hoàn toàn khác nhau về bản chất: một là Fed hành động theo lộ trình, khi đã đạt được một số mục tiêu như lạm phát chẳng hạn, thì sẽ bắt đầu giảm lãi suất. Hai là Fed hành động chỉ vì nền kinh tế suy thoái hoặc khủng hoảng. Cho nên không phải cứ thấy Fed giảm lãi suất là nghĩ ngay đến việc kinh tế yếu, cần hỗ trợ. 

Những trường hợp cần hỗ trợ mạnh Fed luôn đi kèm những biện pháp đồng bộ như các gói QE. Bản chất của QE là bơm tiền từ bảng cân đối kế toán của Fed. Chúng ta đã từng chứng kiến Fed giảm lãi suất nhanh, nhiều như thế nào ở những chu kỳ trước đây. Đa phần những hành động khẩn cấp đó thường reo rắc nỗi sợ hãi cho nhà đầu tư.

Thị trường chứng khoán thường biến động ra sao trong các chu kỳ hạ lãi suất của Fed?- Ảnh 2.

Bảng 1: Các đợt giảm lãi suất của Fed

Thị trường chứng khoán thường biến động ra sao trong các chu kỳ hạ lãi suất của Fed?- Ảnh 3.

Bảng 2.1: Lạm phát trong chu kỳ hạ lãi suất

Thị trường chứng khoán thường biến động ra sao trong các chu kỳ hạ lãi suất của Fed?- Ảnh 4.

Bảng 2.2: Lạm phát sau chu kỳ hạ lãi suất (1 năm sau đó)

photo-1724832127729

Bảng 3.1: Tăng trưởng tiêu dùng trong chu kỳ hạ lãi suất

photo-1724832155531

Bảng 3.2: Tăng trưởng tiêu dùng sau chu kỳ hạ lãi suất (1 năm sau đó)

Phản ứng của thị trường chứng khoán

Theo báo cáo của công ty dịch vụ tài chính Mỹ Charles Schwab, trong số 14 chu kỳ lãi suất của Fed kể từ năm 1929 thì có đến 12 đợt cắt giảm ghi nhận chỉ số S&P 500 tăng trong vòng 12 tháng sau đó. Hai trường hợp ngoại lệ còn lại xảy ra sau khi Fed cắt giảm lãi suất vào năm 2001 và năm 2007. Báo cáo cho biết môi trường kinh tế ở hai thời điểm đó không giống hiện tại. Năm 2001, chứng khoán giảm trong bối cảnh bong bóng dot-com vỡ tung. Còn năm 2007, nước Mỹ xảy ra cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn.

photo-1724832179118

Bảng 4: Sự phản ứng của thị trường chứng khoán với các đợt giảm lãi suất

Như đã phân tích ở trên, phải phân chia rõ là giảm lãi suất theo lộ trình hay giảm lãi suất để cứu nền kinh tế khẩn cấp. Nếu kinh tế ổn, chỉ là tăng trưởng chậm lại thì việc giảm lãi suất hầu như rất ít có tác động ngay. Nó chỉ phản ứng mạnh khi kinh tế có dấu hiệu lâm nguy.

Phân tích bảng trên chúng ta nhận thấy đa phần ở đầu chu kỳ (1 năm hoặc 6 tháng) chứng khoán rất ít có biến động. Ở giữa chu kỳ thường là giảm tương đối mạnh. Có thể đó là hành động chốt lãi của nhà đầu tư. Còn ở sau khi chu kỳ giảm lãi suất kết thúc 1 năm thì chứng khoán tăng rất mạnh. Lúc đó chính là phần hưởng thụ tiền rẻ.

Trong bối cảnh hiện nay rất khó có thể nói kinh tế (Mỹ) có rơi vào suy thoái hay không. Xác suất hạ cánh mềm cũng được nhắc đến rất nhiều lần bởi các quan chức Fed và các học giả. Việc hạ lãi suất có những điểm tích cực mà ai cũng thấy ngay được là làm cho đồng dollar yếu đi, thúc đẩy dòng tiền rời khỏi những kênh quá an toàn để chuyển dịch sang kênh đầu tư mạo hiểm hơn như Trái phiếu, Cổ phiếu.

Nền kinh tế Việt nam là nền kinh tế có độ mở cao. Những tác động từ kinh tế thế giới, đặc biệt là Mỹ luôn làm ảnh hưởng đến chúng ta. Trong giai đoạn trước đây chúng ta đã từng chứng kiến áp lực của tỷ giá tăng cao do DXY quá cao, áp lực này cũng là một trong những nguyên nhân làm cho khối ngoại rút ròng liên tục. 

Rõ ràng, khi lãi suất hạ cũng sẽ làm cho áp lực này giảm đi đáng kể. Với tình hình kinh tế xã hội ổn định, lạm phát luôn được kiểm soát tốt, cộng với yếu tố nâng hạng thị trường, khả năng rất cao việ Fed hạ lãi suất lần này sẽ không gây hiệu ứng xấu cho thị trường chứng khoán Việt Nam.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm