Đóng cửa, VN-Index giảm 0,65 điểm (0,06%) về 1.027,36 điểm, HNX-Index tăng 0,11 điểm (0,05%) lên 213,73 điểm, UPCoM-Index giảm 1,19 điểm (1,54%) về 76,09 điểm.
Kịch bản cũ lặp lại như phiên sáng, VN-Index về cuối phiên lại đối mặt với áp lực bán lớn hơn. Sau những phút giằng co liên tục, chỉ số kết phiên đỏ nhẹ dưới ngưỡng tham chiếu. VN-Index đóng cửa ở mốc 1.027,36 điểm, giảm 0,65 điểm với thanh khoản duy trì ở mức thấp.
Nhóm cổ phiếu có giao dịch tích cực trong phiên hôm nay gọi tên nhóm bất động sản, chứng khoán, ngân hàng. Các nhóm ngành khác như thép, dầu khí, sản xuất thực phẩm, hóa chất, bia và đồ uống,... đảo chiều giảm hoặc sắc đỏ lan rộng hơn về cuối phiên.
Diễn biến phân hóa mạnh mẽ giữa các nhóm ngành khiến thị trường đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần với mức giảm nhẹ "như có như không". Có thể nói, chưa xuất hiện nhóm ngành dẫn dắt đủ mạnh để tạo điểm nhấn cho thị trường.
Về mặt kỹ thuật, VN-Index và VN30-Index đã chạm kháng cự nên việc rung lắc là khó tránh khỏi. Như dự báo trước đó của công ty chứng khoán, ngưỡng hỗ trợ cần test lại quanh khu vực 1.015 điểm. Nếu thành công lấy lại mốc này, mục tiêu của nhịp hồi đồng thời là kháng cự của VN-Index hiện tại ở quanh đường MA20, tương đương khu vực 1.050 - 1.060 điểm.
Tính đến 14h00, VN-Index tăng 9,26 điểm (0,9%) lên 1.037,27 điểm, VN30-Index tăng 8,8 điểm (0,86%) đạt 1.037,3 điểm.
Sau khi đà tăng thu hẹp về cuối phiên sáng thì phiên chiều cũng đã có sự tích cực hơn. VN-Index hiện tăng hơn 9 điểm với sự hậu thuẫn của nhóm vốn hóa lớn.
Tạm dừng phiên sáng, VN-Index tăng 4,37 điểm (0,43%) lên 1.032,38 điểm, HNX-Index tăng 0,87 điểm (0,41%) đạt 214,49 điểm, UPCoM-Index giảm 0,63 điểm (0,82%) xuống 76,65 điểm.
Thị trường diễn biến tích cực đến hết phiên sáng. Dù vậy, nhịp tăng dần thu hẹp cho thấy lực cầu đang dần phân hóa. Bên cạnh đó, dòng tiền mới chưa nhập cuộc khiến thanh khoản vẫn duy trì ở mức thấp. Khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt 372,1 triệu đơn vị, tương ứng giá trị giao dịch 5.953 tỷ đồng.
Độ rộng thị trường cũng phân hóa với 238 mã tăng giá so với 167 mã giảm giá. Trong đó, nhóm VN30 giao dịch tương đối cân bằng với 13 mã tăng/14 mã giảm. Nổi bật ở chiều tăng điểm là các mã ngân hàng VCB, BID, TCB, ACB và các bluechip như VHM, SAB, VGC, VND. Trong khi đó, HPG, NVL,... tiếp tục gây áp lực lên chỉ số chung.
Tính đến 11h00, VN-Index tăng 6,33 điểm (0,61%) lên 1.034,34 điểm.
VN-Index thu hẹp đà tăng về giữa phiên sáng. Theo quan sát, phiên chiều qua dòng tiền FOMO đẩy chỉ số xanh mạnh nên sáng nay có thêm chút hiệu ứng đầu phiên nhưng hiện tại lực cầu đang dần thu hẹp. Nhóm bất động sản và chứng khoán là hai nhóm tăng điểm tích cực nhất tính đến hiện tại.
Tính đến 9h50, VN-Index tăng 10,61 điểm (1,03%) lên 1.038,62 điểm, HNX-Index tăng 2,69 điểm (1,26%) đạt 216,32 điểm, UPCoM-Index giảm 0,09 điểm (0,11%) về 77,2 điểm.
VN-Index mở cửa lên hơn 7 điểm với nỗ lực tăng điểm đến từ hầu hết các nhóm cổ phiếu. Đà tăng được nới rộng cho đến khi chỉ số chạm vùng cản tại 1.045 điểm.
Sau phiên giao dịch bùng nổ trước đó, cổ phiếu ngân hàng tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt trong phiên sáng nay. Nhóm nay đóng góp hơn nửa số điểm tăng của VN-Index, nổi bật có TCB tăng kịch trần. Các bluechip như VCB, TCB, BID, CTG cũng là 4 trụ đỡ lớn nhất thị trường ở thời điểm hiện tại.
Tương tự, nhóm chứng khoán cũng đang thu hút dòng tiền với VND và VIX tiếp tục là hai điểm nhấn của ngành. Sắc xanh hồi phục còn được chứng kiến ở nhiều nhóm ngành khác như bất động sản, xây dựng, hóa chất, bán lẻ, dầu khí, điện... Trong khi đó, nhóm thép đang gặp khó trong quá trình nối dài xu hướng hồi phục do HPG, NKG, HMC mất hơn 1% thị giá, TNA thậm chí giảm kịch sàn.
Tại thị trường quốc tế, chứng khoán Mỹ phiên 27/10 diễn biến phân hóa sau khi số liệu GDP quý III được công bố cho thấy mức tăng trưởng lớn hơn kỳ vọng ban đầu, lạm phát cũng có dấu hiệu hạ nhiệt.
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 194 điểm, tương đương 0,61%, và đóng cửa ở 32.033 điểm. Đây là phiên tăng thứ 5 liên tiếp của chỉ số gồm 30 cổ phiếu blue chip này. Công lớn thuộc về Caterpillar, McDonald’s và Honeywell sau khi các tập đoàn này công bố lợi nhuận cao hơn kỳ vọng.
S&P 500 giảm 0,61% xuống còn 3.807 điểm. Nasdaq Composite mất 1,63% và dừng ở gần 10.793 điểm khi Meta và nhiều cổ phiếu công nghệ khác bị bán tháo.