Đóng cửa, VN-Index giảm 28,26 điểm (2,32%) về 1.205,43 điểm, HNX-Index giảm 8,63 điểm (3,16%) xuống 264,25 điểm, UPCoM-Index giảm 1,12 điểm (1,25%) còn 88,34 điểm.
Mặc dù lực cầu bắt đáy xuất hiện về cuối phiên giúp VN-Index không đóng cửa ở mốc thấp nhất ngày nhưng việc thị trường liên tiếp đánh mất các ngưỡng hỗ trợ quan trọng đã phần nào cho thấy tâm lý nhà đầu tư ở trạng thái hoảng loạn.
Kết quả là, toàn thị trường có tới gần 100 mã giảm sàn, trong đó sàn HOSE có tới 66 đại diện. Độ rộng thị trường nghiêng hẳn về bên bán với 762 mã giảm, trong khi chỉ có 202 mã tăng và 132 mã đứng giá tham chiếu.
Nhóm ngân hàng, bất động sản, dịch vụ tài chính, hóa chất, dầu khí là các nhóm ảnh hưởng xấu nhất lên thị trường phiên nay. Trong khi đó, duy nhất ngành viễn thông cố định vẫn tiếp tục đi ngược thị trường.
Thanh khoản được đẩy lên mức trung bình với hơn 834,2 triệu cổ phiếu được mua bán, tương đương tổng giá trị giao dịch toàn thị trường là 19.412 tỷ đồng. Trong đó, giá trị giao dịch trên HOSE là 14.891 tỷ đồng, tăng 2,4% so với phiên trước đó.
Tính đến 14h00, VN-Index giảm 16,79 điểm (1,36%) về 1.217,24 điểm, VN30-Index giảm 14,19 điểm (1,13%) về 1.238,59 điểm.
Thị trường chứng khoán phiên chiều tiếp đà điều chỉnh với việc VN-Index từng bước kiểm định các vùng hỗ trợ thấp hơn. Tuy nhiên, RSI khung 1H đã về vùng quá bán, lực cầu cũng có xuất hiện, nếu chỉ số chính có thể lấy lại và giữ được vùng 1.220 điểm thì đây là cơ hội để xác định vùng đáy ngắn hạn.
Tạm dừng phiên sáng, VN-Index giảm 13,65 điểm (1,11%) về 1.220,38 điểm, HNX-Index giảm 3,77 điểm (1,38%) xuống 269,11 điểm, UPCoM-Index giảm 0,71 điểm (0,79%) còn 88,75 điểm.
Tâm lý giao dịch tiêu cực kéo dài tới cuối phiên khi hầu hết các cổ phiếu vốn hóa lớn đều giảm giá. Thị trường ghi nhận 26/30 mã trong rổ VN30 chìm trong sắc đỏ, trong đó nhiều mã chỉnh sâu hơn về cuối phiên như PDR, SSI, GVR, VIB.
Những mã khác trong nhóm cũng giảm trên 2% có BID, STB, BVH, TCB, MBB, MBB, TPB, VRE. Chiều ngược lại, GAS, SAB, VIC giao dịch trên mốc tham chiếu.
Sự thiếu vắng dòng tiền dẫn dắt trong phiên hôm nay cho thấy thị trường vẫn trong trạng thái thăm dò. Thanh khoản thị trường đã cải thiện với tổng giá trị giao dịch đạt 7.890 tỷ đồng, tương đương 339,6 triệu đơn vị. Trong đó, tính riêng giá trị giao dịch khớp lệnh trên HOSE là 6.358 tỷ đồng, tăng 16,7% so với phiên trước đó.
Tính đến 11h00, VN-Index giảm 10,68 điểm (0,87%) về 1.223,35 điểm, VN30-Index giảm 9,51 điểm (0,76%) xuống 1.243,27 điểm.
Thị trường chứng khoán tiếp tục diễn biến tiêu cực hơn về giữa phiên sáng với áp lực bán xuất hiện ở mọi nhóm cổ phiếu. Trong đó, Top10 mã ảnh hưởng tiêu cực nhất lên VN-Index đã lấy đi của chỉ số gần 5,2 điểm, trong khi 10 lực đỡ lớn nhất đóng góp tăng chưa tới 1,5 điểm.
Diễn biến theo nhóm ngành, sắc đỏ phủ kín bảng điện, riêng nhóm bia và đồ uống xanh nhẹ nhưng không đủ để níu lại đà giảm của chỉ số chính.
Tính đến 9h40, VN-Index giảm 2,8 điểm (0,23%) còn 1.231,23 điểm, HNX-Index tăng 0,05 điểm (0,02%0 lên 272,93 điểm, UPCoM-Index giảm 0,41 điểm (0,45%) về 89,05 điểm.
Dư âm phiên cuối tuần có lẽ đã kéo dài sang phiên sáng nay với việc VN-Index tiếp tục gặp áp lực điều chỉnh khi mở cửa. Trong đó, nhóm vốn hóa lớn là tác nhân chính khiến thị trường chưa thể tìm lại vùng giá xanh.
Cụ thể, sắc đỏ chiếm ưu thế trong rổ VN30 với 18 mã giảm/9 mã xanh. Tại chiều giảm giá, VRE là mã giảm sâu nhất với tỷ lệ mất giá là 2,8%, theo sau bởi PDR giảm 2,6%, VIB (-1,3%), SSI (-1,4%), GVR (-1,4%), VNM (-1,2%),... Ở chiều ngược lại, GAS, VIC, KDH, SAB, VPB, MSN, MWG, HDB và STB đóng vai trò giữ nhịp cho chỉ số.
Tại thị trường quốc tế, chứng khoán Mỹ ngày 16/9 đóng cửa trong sắc đỏ và khép lại tuần tồi tệ nhất kể từ giữa tháng 6. Ngân hàng Thế giới (WB) và CEO hãng giao vận FedEx đều cảnh báo nền kinh tế toàn cầu có nguy cơ suy thoái vào năm sau.
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 139,4 điểm, tương đương 0,45%, và đóng cửa ở 30.822 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,72% xuống còn 3.873 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite sụt 0,9% còn 11.448 điểm.