Tính đến 10h50, VN-Index giảm 7,87 điểm (0,62%) về 1.261,75 điểm, VN30-Index tăng 1,19 điểm (0,09%) đạt 1.315,23 điểm.
Tính đến giữa phiên sáng, VN-Index có dấu hiệu hồi phục khi lực cầu bắt đáy tích cực gia nhập. Chỉ số chính có thời điểm đã xanh nhẹ trên tham chiếu tuy nhiên lực cung mạnh nhanh chóng đẩy chỉ số xuống vùng giá đỏ. Dù vậy, điểm sáng là áp lực bán có phần chững lại khi VN-Index chạm xuống những ngưỡng hỗ trợ quan trọng.
Theo quan sát, sắc xanh đã trở lại với một số nhóm ngành như bia & đồ uống, sản xuất thực phẩm, dầu khí, công nghiệp nặng, du lịch & giải trí,... Trong khi đó, sắc đỏ của nhóm bất động sản, xây dựng, cùng với ngành hóa chất, ngân hàng, chứng khoán tiếp tục làm khó nỗ lực hồi phục của chỉ số.
Tính đến 9h40, VN-Index giảm 16,77 điểm (1,32%) còn 1.252,85 điểm, HNX-Index giảm 5,82 điểm (1,8%) về 317,57 điểm, UPCoM-Index giảm 0,54 điểm (0,56%) về 95,96 điểm.
Tâm lý giao dịch đầu phiên sáng tiếp tục duy trì ở vùng tiêu cực với việc VN-Index cắm đầu giảm ngay khi mở cửa. Lực cầu chỉ xuất hiện khi VN-Index chạm mốc 1.235 điểm, tuy nhiên lực cung tương ứng cũng được đẩy lên cho thấy chỉ số chính vẫn cần thời gian để tìm về vùng giá cân bằng mới.
Độ rộng thị trường nghiêng hoàn toàn về bên bán với 346 mã giảm/63 mã tăng, trong đó có 15 mã giảm kịch sàn.
Tại thị trường quốc tế, chứng khoán Mỹ ngày 9/5 tiếp tục bị bán tháo, chỉ số S&P 500 thủng mốc 4.000 điểm và dừng ở mức thấp nhất trong hơn một năm.
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones sụt gần 654 điểm, tương đương 1,99%, và kết phiên ở xấp xỉ 32.246 điểm. S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt mất 3,2% và 4,29%.
Đây là lần đầu tiên S&P 500 đóng cửa dưới ngưỡng 4.000 điểm trong hơn một năm qua. Hiện nay chỉ số đại diện thị trường này đang ở mức thấp nhất kể từ ngày 31/3/2021 và đã giảm 16,8% so với đỉnh lịch sử thiết lập vào đầu năm 2022.