Thị trường bất động sản từ đầu năm đến nay đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực, tuy nhiên mức độ hồi phục có sự phân hóa rõ rệt giữa các phân khúc và khu vực.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan cho biết thị trường bất động sản đã xuất hiện tín hiệu đảo chiều, mức độ quan tâm đến bất động sản có xu hướng tăng. Cụ thể, mức độ quan tâm đất trong quý III/2024 dự kiến tăng 49% so với cùng kỳ 2023, nhà riêng tăng 25%, chung cư tăng 24%, biệt thự tăng 22%.
Trong đó, nguồn cung và tỷ lệ hấp thụ bất động sản bán dần cải thiện. Nhiều dự án mở bán mới tại Hà Nội và TP HCM đều có mức giá khá cao. Trong đó, tại Hà Nội, mức giá trung bình dao động từ 45 triệu đồng/m2 đến 90 triệu đồng/m2. Còn tại TP HCM, mức giá trung bình dao động từ 45 triệu đồng/m2 đến 130 triệu đồng/m2. Tỷ lệ hấp thụ của các dự án mở bán mới cũng tích cực hơn.
Thị trường nhà riêng và đất nền cũng đã ghi nhận khởi sắc. Theo dữ liệu 9 tháng đầu năm 2024 của đơn vị này, hai loại hình nhà riêng và đất nền nhìn chung có cải thiện về mức độ quan tâm và giao dịch. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là sự cải thiện cục bộ tại một số khu vực, đặc biệt là các tỉnh miền Bắc.
Về giá rao bán tại miền Bắc, giá nhà riêng tăng lên mức 173 triệu đồng/m2 vào quý III/2024 so với mức 95 triệu đồng/m2 vào quý I/2021. Trong khi đó, giá đất nền tại khu vực này tăng lên mức 46 triệu đồng/m2 vào quý III/2024 so với mức 27 triệu đồng/m2 vào quý I/2021.
Còn tại khu vực miền Nam, biến động giá đất nền và nhà riêng không quá lớn. Cụ thể, giá nhà riêng tăng lên mức 106 triệu đồng/m2 vào quý III/2024 so với mức 94 triệu đồng/m2 vào quý I/2021 và giá đất nền tăng nhẹ lên mức 17 triệu đồng/m2 vào quý III/2024 so với mức 13 triệu đồng/m2 vào quý I/2021.
“Ba bộ Luật sửa đổi liên quan đến bất động sản đang được đón nhận tích cực bởi người mua, môi giới, sàn giao dịch và chủ đầu tư bất động sản. Thị trường bất động sản năm 2024 dự kiến sẽ tăng tính minh bạch nhờ những thay đổi về Luật. Nguồn cung nhà ở xã hội cũng có khả năng được cải thiện với chính sách ưu đãi, hỗ trợ mới", vị này nói.
Cùng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tiền tệ - Tài chính Quốc gia cho rằng thị trường địa ốc đã và đang có dấu hiệu phục hồi dù còn chậm và không đồng đều giữa các phân khúc. Kinh tế vĩ mô ổn định, các vướng mắc về pháp lý đã dần được tháo gỡ, đầu tư công, phát triển cơ sở hạ tầng được đẩy mạnh; nghĩa vụ tài chính của các doanh nghiệp đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Đây là cơ sở để thúc đẩy đà phục hồi của thị trường bất động sản mạnh mẽ hơn từ năm tới.
"Khi thị trường bất động sản sôi động trở lại, vòng quay tiền tốt lên, khi đó doanh nghiệp mới có dòng tiền tiếp tụ trả nợ, tái đầu tư", vị này nói.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) nhận định thị trường bất động sản từ nay đến năm 2025 có triển vọng lạc quan, nhưng đi kèm với nhiều thách thức, đòi hỏi sự linh hoạt trong việc thực thi các bộ luật mới.
Vị này cho rằng nếu các quy định pháp lý mới không nhanh chóng đi vào thực tiễn, khó khăn trong lĩnh vực bất động sản có thể sẽ tiếp tục kéo dài. Ông bày tỏ hy vọng sự nỗ lực của các cơ quan chức năng sẽ giúp các quy định này sớm được áp dụng để thị trường ổn định và phát triển.
Đối với ngành ngân hàng, chuyên gia cho biết các bộ Luật mới hướng thị trường tới sự minh bạch, hiệu quả, khuyến khích sử dụng hiệu quả các nguồn lực, bảo vệ lợi ích cho người dân,... Do đó, hoạt động của ngành ngân hàng cũng phải bám sát, đồng hành cùng với định hướng này. Ông Đính kỳ vọng ngành ngân hàng sẽ tiếp tục là “cứu cánh" của thị trường địa ốc, các ngân hàng sẽ mạnh dạn "giải cứu” thị trường trên cơ sở lựa chọn đúng và trúng.