Trong báo cáo vĩ mô vừa công bố, CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 xuống 5,4% (so với mức dự báo 6% trước đó).
Các yếu tố hỗ trợ tăng trưởng bao gồm động lực từ đầu tư công; giải ngân FDI kỳ vọng tương đương năm 2022; tiêu dùng nội địa tích cực (hưởng lợi từ khách Trung Quốc); và NHNN nới lỏng chính sách tiền tệ, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Ở chiều ngược lại, rủi ro suy thoái Mỹ và EU được cho là yếu tố kìm hãm đà tăng trưởng của GDP khi đơn hàng xuất khẩu suy giảm mạnh, và sự đổ vỡ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong nước đã tác động tiêu cực tới điều kiện sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, và xây dựng.
Trước đó, hồi đầu tháng, Chứng khoán Rồng Việt cũng hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 từ 5,6% xuống 5% sau khi kết quả tăng trưởng quý I khá thấp.
Trong quý đầu năm, tăng trưởng GDP chỉ đạt 3,3%, nếu không xét thời điểm nền kinh tế bị tác động tiêu cực bởi COVID-19 (quý I/2020 và quý III/2021) thì đây là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ quý I/2009.
Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn giữ nguyên kịch bản tăng trưởng GDP cả năm là 6,5% với mục tiêu tăng trưởng các quý còn lại từ 6,7-7,9%.
VDSC cho rằng mục tiêu này không những thách thức mà còn thiếu khả thi trong bối cảnh kinh tế thế giới đang trong lằn ranh của suy thoái, sự suy giảm của thị trường bất động sản và tiêu dùng trong nước mới chỉ ở giai đoạn đầu.
Ngoài ra kỳ vọng về câu chuyện Trung Quốc mở cửa và phục hồi đang diễn biến khá chậm.
Tương tự, Ngân hàng UOB cũng hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2023 xuống 6% từ mức dự báo trước đó là 6,6% sau khi Việt Nam ghi nhận kết quả tăng trưởng thấp trong quý I năm 2023.
Trong báo cáo mới nhất, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2023 đạt 5,8%, đứng thứ hai khu vực cùng với Campuchia, và chỉ xếp sau Philippines (dự báo tăng trưởng 6%).
Năm 2024, dự báo tăng trưởng Việt Nam sẽ ở mức cao nhất Đông Nam Á với mức 6,9%.