Phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội là 1 trong 5 tuyến phố được Hà Nội thí điểm thực hiện cho thuê vỉa hè từ hơn một năm trước. Giá thuê lúc đó là 45.000 đồng/m2 một tháng. Theo lãnh đạo thành phố Hà Nội, việc cho thuê vỉa hè sẽ giúp bộ mặt hè phố đẹp đẽ hơn và có thêm nguồn thu chỉnh trang hè phố.
Cho thuê vỉa hè cũng là mô hình nhiều nước trên thế giới đã thực hiện.
Theo dự kiến, một số tuyến phố trên 5 mét, sau khi chừa lại 1,5 mét cho người đi bộ, sẽ được thí điểm để cho thuê. Thành phố Hà Nội sẽ nghiên cứu mô hình các nước để đưa ra nhiều giải pháp khác nhau, kể cả giải pháp cho thuê thu phí theo giờ. Tuy nhiên, một số người dân lại không đồng tình.
Khi người dân vẫn giữ thói quen tạt vào mua hàng trên đường phố, khi sinh kế của người dân vẫn gắn với vỉa hè thì việc giành lại vỉa hè cần rất nhiều thời gian. Việc cho thuê vỉa hè cần tính đến nhiều tác động cả trước mắt và lâu dài.
Thí điểm cho sử dụng vỉa hè có thu phí để làm điểm giữ xe, kinh doanh, quảng cáo, tổ chức sự kiện văn hóa, hay làm nơi trung chuyển vật liệu, phế thải..., điều này khiến nhiều người băn khoăn không còn chỗ cho người đi bộ và quản lý trật tự các khu vực vỉa hè cho thuê như thế nào?!
Những bất cập khi cho thuê vỉa hè
Phố Hàng Mã, Hà Nội, sau hơn 1 tháng của chiến dịch giành lại vỉa hè, những con thú bông, chiếc đèn lồng và xe máy vẫn tràn ra vỉa hè, lòng đường. Những người đi bộ vẫn chỉ có cách duy nhất là đi xuống lòng đường. Nguy hiểm rình rập nhưng không có lựa chọn khác. Cho dù Luật Giao thông đường bộ đã nêu rõ: Vỉa hè là của người đi bộ.
Cho thuê vỉa hè liệu có phát sinh các vấn đề như: Rác thải, nguy cơ cháy nổ, rào chắn vỉa hè. Những bất cập và hệ lụy từ việc cho thuê vỉa hè có thể nhìn thấy trước.
Cho thuê vỉa hè chỉ là một phần giải pháp quản lý vỉa hè. 10 năm qua, Hà Nội đã 5 lần phát động chiến dịch giành lại vỉa hè. Một thập kỷ giành lại vỉa hè với nhiều gian nan. Những người bán hàng này có lẽ mong chờ một chính sách tổng thể quản lý vỉa hè chứ không phải là lánh đi, chờ chiến dịch đi qua lại lấn chiếm vỉa hè trở lại.