Ngành nhựa Việt Nam tiếp tục có sự xáo trộn khi Công ty cổ phần Công nghiệp - Dịch vụ - Thương mại Ngọc Nghĩa (NNG), doanh nghiệp đứng đầu về thị phần ngành bao bì PET, đang tiến những bước cuối cùng cho việc "đổi chủ". Toàn bộ cổ đông lớn của doanh nghiệp này đều đăng ký bán cổ phiếu.
Tempel Four Limited, thuộc VinaCapital, vừa đăng ký bán toàn bộ hơn 29,3 triệu cổ phiếu NNG (tương ứng 37,8% vốn điều lệ của Nhựa Ngọc Nghĩa). Cùng thời điểm, ông La Văn Hoàng, nhà sáng lập công ty này, và người thân cũng đăng ký thoái hết hơn 58,5% cổ phần.
Động thái này diễn ra sau khi Indorama Netherlands B.V thông báo chào mua công khai 100% vốn của Ngọc Nghĩa. Indorama Netherlands giới thiệu là một công ty của Hà Lan, với vốn điều lệ 18.000 EUR, hoạt động trong lĩnh vực tài chính và sản xuất nhựa nhân tạo. Dù vậy, doanh nghiệp này thực tế là chi nhánh của Indorama Ventures, tập đoàn đa ngành của Thái Lan.
Indorama Ventures, ban đầu có tên là Indorama Holdings, là nhà sản xuất len sợi lông cừu đầu tiên của Thái Lan, và trở thành nhà sản xuất các sản phẩm PET, sợi polyester lớn nhất của nước này chỉ trong chưa đầy 15 năm.
Công ty sau đó cũng chuyển đổi thành tập đoàn đa quốc gia sau một loạt các thươnng vụ mua lại tại Mỹ và châu Âu, trở thành nhà sản xuất PET trong top toàn cầu. Thương vụ này, khi hoàn tất, cũng nối dài danh sách các công ty nhựa Việt Nam về tay người Thái.
Về Nhựa Ngọc Nghĩa, tiền thân là Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Ngọc Nghĩa, được thành lập năm 1993 dưới sự quản lý và điều hành của gia đình ông La Văn Hoàng. Lĩnh vực kinh doanh chính tập trung vào sản xuất bao bì nhựa cao cấp, chủ yếu là các chai nhựa PET dùng làm bao bì trong công nghiệp thực phẩm, nước giải khát, gia dụng, y tế và hóa chất.
Nhựa Ngọc Nghĩa từ lâu cũng là đối tác cung cấp bao bì nhựa cho nhiều tên tuổi lớn như Unilever, Coca-Cola, Pepsi, Vinamilk. Mối quan hệ làm ăn này thúc đẩy đà phát triển cho công ty này liên tục từ ngày thành lập.
Tuy nhiên, trong hơn thập kỷ gần đây, sức nóng của lĩnh vực bao bì PET tăng nhanh với sự tham gia của nhiều tên tuổi lớn trong nước. Ngoài ra, các nhà sản xuất cũng luôn thay đổi, theo hướng đa dạng hóa nhà cung cấp, thay đổi mô hình đối tác.
Giai đoạn 2008-2009, để tránh sự phục thuộc hoàn toàn vào mảng bao bì, Nhựa Ngọc Nghĩa bắt đầu mở rộng hoạt động kinh doanh sang các mảng mới, như thực phẩm, gồm bánh kẹo và nước chấm (nước chấm Kabin, Thái Long). Tham vọng của Ngọc Nghĩa không chỉ dừng ở việc đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh mà còn muốn vào nhóm những doanh nghiệp chi phối thị trường. Tuy nhiên, quá trình lấn sân của "đại gia" ngành nhựa không mấy suôn sẻ.
Trong 7 năm mở rộng đầu tư, các mảng mới của Nhựa Ngọc Nghĩa chìm trong nợ nần, thua lỗ. Giai đoạn 2016-2017, lợi nhuận của công ty thu hẹp chỉ còn vài tỷ đồng mỗi năm do gánh lỗ lớn từ các công ty con trong mảng thực phẩm.
Kết quả là từ đầu năm 2018, Nhựa Ngọc Nghĩa phải thoái vốn khỏi hàng loạt khoản đầu tư để quay về mảng bao bì PET cốt lõi. Dù vậy, dư âm của lĩnh vực thực phẩm còn kéo dài tới năm 2019 khi Ngọc Nghĩa chịu lỗ đột biến hơn 357 tỷ đồng do khoản trích lập dự phòng cho Công ty Hàng tiêu dùng Opera.
Cuối năm 2019, Nhựa Ngọc Nghĩa bắt tay cùng VinaCapital trong một thỏa thuận đầu tư có quy mô hơn 20 triệu USD. Thỏa thuận này cũng giúp cơ cấu cổ đông lớn của Ngọc Nghĩa lần đầu xuất hiện cái tên mới, ngoài gia đình ông Lê Văn Hoàng. Lãnh đạo công ty kỳ vọng sự hỗ trợ của VinaCapital không chỉ cung cấp vốn, mà đối tác sẽ hỗ trợ kinh nghiệm, giúp công ty thực hiện các mục tiêu kinh doanh lâu dài.
Kết quả kinh doanh của Ngọc Nghĩa trở lại tích cực trong hai năm tiếp theo. Tuy nhiên, sức ép từ thị trường khiến họ khó tăng trưởng. Quy mô doanh thu của công ty trong hai năm trở lại chỉ quanh ngưỡng 1.600-1.800 tỷ đồng, tương đương giai đoạn 2011-2014. Việc mở rộng các mảng mới không mang lại hiệu quả đã phần nào thu hẹp dư địa mở rộng của lĩnh vực cốt lõi.
Việc thoái vốn của gia đình ông La Văn Hoàng khỏi Ngọc Nghĩa có thể là cách để doanh nghiệp này cởi nút thắt về tăng trưởng, với sự hỗ trợ của một tập đoàn đa quốc gia có quy mô đứng đầu về sản phẩm PET.
Tuy nhiên, điều này cũng khiến ngành nhựa Việt Nam ngày một thu hẹp. Với đối tác Thái Lan, việc sở hữu 100% Nhựa Ngọc Nghĩa được D K Agarwal, giám đốc điều hành mảng kinh doanh PET, IOD và sợi của Indorama Ventures đề cập như là bàn đạp để tấn công thị trường Châu Á - Thái Bình Dương sau khi đã mở rộng tại Mỹ và châu Âu.