Hubert Palan đăng nhập vào Zoom từ nhà của mình ở Oakland, Calif vào hôm 2/2 và chuẩn bị chia sẻ thông tin tới khoảng 400 nhân sự đang lam việc cho startup của anh, Productboard Inc.
Trên cương vị CEO, Palan có một thông tin quan trọng cần chia sẻ: Productboard vừa thực hiện gọi vốn thành công ở định giá 1,7 tỷ USD, đồng nghĩa với việc nó đã chính thức trở thành một "kỳ lân" – khái niệm dùng để chỉ một startup có định giá từ 1 tỷ USD trở lên.
Khái niệm "kỳ lân" xuất hiện khoảng gần 10 năm trước. Đây là thời điểm các startup có định giá từ 1 tỷ USD trở lên là cực kỳ hiếm. Đến nay, "kỳ lân" không còn là một khái niệm hiếm gặp trong hệ sinh thái startup nhiều quốc gia.
Dù vậy, trường hợp của Productboard vẫn rất đặc biệt. Nó là "kỳ lân" thứ 1.000 của thế giới, theo CB Insights. Cùng tuần đó, 6 công ty khác cũng trở thành kỳ lân. Tính riêng trong tháng 1 năm ngya, 42 startup đạt đến mốc định giá "kỳ lân" và 4 startup đạt danh hiệu "decacorn" – khái niệm để chỉ các startup đạt định giá từ 10 tỷ USD trở lên.
Theo ông Brian Lee, người phụ trách mảng nghiên cứu tại CB Insights, khi các dịch vụ chuyển dịch theo hướng số hoá, các công ty phần mềm ngày càng trở nên giá trị hơn. Trong khi đó, các dịch vụ hạ tầng như Amazon Web Services khiến việc khởi động một công ty công nghệ dễ dàng hơn rất nhiều.
Trong quá khứ, các startup có quy mô như ByteDance, SpaceX hay Stripe nhiều khả năng đã thực hiện IPO. Đến nay, các startup cảm thấy áp lực IPO thấp hơn vì họ dễ dàng gọi vốn từ các nhà đầu tư tư nhân.
Việc duy trì trạng thái công ty tư nhân giúp các startup tránh được các hoạt động kiểm soát gắt gao hơn đồng thời giữ được quyền kiểm soát công ty cao hơn. Nhiều nhà đầu tư muốn nhập cuộc sớm ở các ngành công nghiệp mới như mã hoá. Điều này thúc đẩy định giá tăng cao.
"Bạn không thể phủ nhận được sức mạnh của FOMO. Mọi người sẵn sàng nhập cuộc với số vốn lớn hơn", ông Lee nói.
Khái niệm "kỳ lân" xuất phát từ một bài viết vào năm 2013 mà Aileen Lee, một nhà đầu tư mạo hiểm, viết cho TechCrunch. Trong bài viết này, bà chia sẻ về các bài học dành cho nhà đầu tư sau khi nghiên cứu loạt công ty công nghệ Mỹ có định giá 1 tỷ USD.
Khi nghiên cứu các công ty phần mềm đại chúng và tư nhân của Mỹ, bà xác định được 39 công ty có định giá từ 1 tỷ USD trở lên, chiếm tỷ trọng 0,07% số lượng startup được các nhà đầu tư rót vốn. Trong thập niên đố, khoảng 4 "kỳ lân" mới được sinh ra mỗi năm, hầu hết đều thuộc về lĩnh vực dịch vụ phần mềm tiêu dùng. Bà Lee cũng nhận thấy những nhà sáng lập của các startup "kỳ lân" phần lớn ở độ tuổi 30.
Khi viết bài báo, bà Lee dùng nhiều từ khác nhau để nói về các startup có định giá từ 1 tỷ USD trở lên song "kỳ lân" có vẻ là lựa chọn phù hợp nhất vì nó "rất hiếm và khá tuyệt vời".
Đến năm 2015, Fortune xuất bản một bài viết có tên "The Age of Unicorns" (tạm dịch: kỷ nguyên kỳ lân) để nói về các startup có định giá từ 1 tỷ USD trở lên. Thời điểm đó, thế giới có 80 "kỳ lân". Fortune đặt ra câu hỏi: "Liệu sự bùng nổ này có thật hay không?"
Vài năm sau đó, câu trả lời rõ ràng là có. Vào năm 2022, mỗi ngày có thêm khoảng hơn một "kỳ lân" được sinh ra.
Trong năm 2021, 621 tỷ USD vốn đầu tư đã được đổ vào các startup, cao gấp đôi so với năm 2020 và cao hơn số vốn kêu gọi được thông qua IPO cùng kỳ. Lãi suất thấp và các món hời mà các nhà đầu tư nhận được khi các startup IPO thành công đã thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư.
COVID-19 là một trong những yếu tố thúc đẩy sự ra đời của các "kỳ lân". Số lượng "kỳ lân" vẫn tăng đều cho tới cuối năm 2020 khi số lượng startup "kỳ lân" trên toàn cầu là 569. Một năm sau đó, con số này gần tăng gấp đôi.
"COVID-19 tạo ra nhiều mất mát và nỗi đau cá nhân nhưng nó thúc đẩy doanh số bán hàng phần mềm các loại", bà Aileen Lee nói.
Bà đồng thời khẳng định các startup "kỳ lân" tồn tại một phần là nhờ có thêm rất nhiều startup. Cột mốc "kỳ lân" vì thế vẫn là một bằng chứng cho thành công hiếm gặp.
"Thực sự rất khó để đạt đến mốc 1 tỷ. Điều này cần thời gian, may mắn, khả năng thực thi và bền bỉ", bà chia sẻ thêm và nói rằng đạt đến cột mốc này là một chỉ dấu mạnh mẽ cho các thành công tiếp theo.