Tài chính

Thế Giới Di Động đã qua thời "tiền đẻ ra tiền"?

Trong hai năm 2020-2021 vừa qua, Thế Giới Di Động từng gây ấn tượng với những khoản lợi nhuận tài chính lớn, nhờ vay thấp và cho vay cao.

Với lợi thế là một doanh nghiệp lớn, dòng tiền luân chuyển liên tục, Thế Giới Di Động có khả năng đi vay tiền với lãi suất thấp, sau đó gửi tiết kiệm tại các ngân hàng, hoặc cho các đối tác vay với lãi suất cao hơn, và hưởng lợi chênh lệch.

Số liệu của Thế Giới Di Động cho thấy, từ năm 2019 trở về trước, doanh thu tài chính và chi phí tài chính của công ty biến động khá cân bằng. Tuy nhiên, kể từ quý 2/2020, doanh thu tài chính bắt đầu vượt lên trên chi phí tài chính và trong khoảng 7 quý sau đó đều đặn đem về khoản lợi nhuận tài chính 100-150 tỷ đồng mỗi quý.

Thế nhưng, tình hình thời gian gần đây đang có xu hướng đảo chiều. Trong quý 2 và quý 3 năm 2022, chi phí tài chính của Thế Giới Di Động đã tăng vọt, lên lần lượt 360 tỷ đồng và 435 tỷ đồng, khiến công ty lỗ từ hoạt động tài chính tương ứng là 62 tỷ đồng và 86 tỷ đồng.

Kết quả này của Thế Giới Di Động đã phản ánh tác động của môi trường lãi suất tăng trong thời gian vừa qua.

1.png

Trong báo cáo mới đây của Công ty chứng khoán SSI, SSI nhận định chi phí tài chính của Thế Giới Di Động có thể tăng lên do 3 nguyên nhân. Thứ nhất là xu hướng tăng của lãi suất. Thứ hai là cơ cấu lại nợ sang kỳ hạn dài hơn và thứ 3 là VNĐ mất giá.

SSI Research ước tính đồng USD sẽ tăng giá 4,2% trong khi lãi suất cho vay dự kiến sẽ tăng 50-100 điểm cơ bản trong quý 4/2022 và điều này sẽ làm giảm đáng kể doanh thu tài chính của công ty.

Năm 2023, SSI Research kỳ vọng USD sẽ tăng giá ở mức nhẹ hơn (khoảng 1-2% trong năm 2023, sau khi đã tăng 9% vào năm 2022), trong khi lãi suất dự kiến sẽ tăng 100-150 điểm cơ bản (so với 300-400 điểm cơ bản vào năm 2022).

Do đó, trong giai đoạn 2022-2023, SSI Research ước tính Thế Giới Di Động sẽ ghi nhân khoản lỗ lần lượt là 227 tỷ đồng và 104 tỷ đồng từ hoạt động tài chính.

Trong khi đó, báo cáo của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, Thế Giới Di Động đang tích cực tái cơ cấu danh mục nợ trong kỳ, thể hiện qua việc tổng dư nợ đã giảm 7,4% tính từ đầu năm, xuống còn 22.824 tỷ đồng.

Theo BVSC, Thế Giới Di Động đã chuyển một số nợ ngắn hạn sang dài hạn trị giá gần 6.000 tỷ đồng, là khoản vay hợp vốn với lãi suất cạnh tranh. Bên cạnh đó, nợ ngắn hạn giảm mạnh 31,6% xuống mức 16.857 tỷ đồng (giảm 24,6% nếu so với quý trước). 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm