Tại đại hội cổ đông thường niên 2022 của Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) tổ chức sáng 24/5, một trong những chủ đề được nhà đầu tư và ban lãnh đạo thảo luận nhiều nhất là cách dùng khối tiền mặt trị giá hơn 2 tỷ USD của tập đoàn sao cho tối ưu.
Có cổ đông đề xuất dùng bớt một phần tiền để trả cổ tức, có người đề nghị chia ra thành từng phần để gửi ngân hàng theo các kỳ 6 tháng, 12 tháng, 18 tháng, … căn cứ theo dự toán nhu cầu nguồn vốn trong lương lai.
Có nhà đầu tư lại gợi ý ban lãnh đạo Hòa Phát học hỏi cách CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG) quản lý tiền “như một ngân hàng”.
Những ông vua tiền mặt
Tại ngày 31/3 năm nay, Hòa Phát có hơn 46.300 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi các kỳ hạn không quá 12 tháng, nhiều nhất trong các công ty cổ phần trên thị trường chứng khoán Việt Nam như thể hiện trong biểu đồ bên dưới. MWG có hơn 14.900 tỷ đồng, đứng vị trí số 9.
Đa phần tiền của MWG (gần 11.700 tỷ đồng) cũng được dùng để gửi ngân hàng với kỳ hạn 6-12 tháng và hưởng lãi suất dao động từ 5% đến 8,65%/năm.
- TIN LIÊN QUAN
-
Hai công ty chứng khoán vay Thế Giới Di Động hơn 900 tỷ đồng 01/05/2022 - 18:54
Ngoài ra, MWG còn khoản mục phải thu về cho vay trị giá hơn 900 tỷ đồng. Đây là số tiền mà MWG cho vay hai công ty chứng khoán với lãi suất từ 6,4% đến 7%/năm.
Trong quý I vừa qua, MWG ghi nhận lãi tiền gửi gần 211 tỷ đồng, trong khi chi phí lãi vay chỉ 200 tỷ. Cùng kỳ 2021, lãi tiền gửi cũng lớn hơn chi phí lãi vay. Nói cách khác, nguồn thu từ gửi tiền và cho vay của MWG dư sức để thanh toán chi phí phát sinh từ việc vay tiền.
Về phía Hòa Phát, hầu hết tiền của tập đoàn đều được gửi có kỳ hạn ở ngân hàng, khoản cho vay nhỏ không đáng kể. Lãi thu được từ tiền gửi và cho vay quý I vừa qua là hơn 416 tỷ, nhỏ hơn so với con số 597 tỷ đồng của chi phí lãi vay.
Hòa Phát với đại dự án Dung Quất 2 và tham vọng quốc tế hóa
Chia sẻ với cổ đông sáng 24/5, Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long cho biết Hòa Phát có nhiều cơ hội để kiếm được lãi suất cao hơn từ khối tiền mặt của mình nhưng ban lãnh đạo chọn phương án thận trọng để đảm bảo nguồn vốn triển khai dự án Khu Liên hợp Gang thép Dung Quất giai đoạn 2.
Dự án có diện tích 280 ha, công suất dự kiến 5,6 triệu tấn thép mỗi năm và đòi hỏi số vốn đầu tư ước tính lên tới 85.000 tỷ đồng.
“Rất nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng nói với tôi là sao Hòa Phát để tiền phí thế, đưa họ làm cho thì mỗi năm Hòa Phát có thêm 400 – 500 tỷ. Nhưng chúng tôi vẫn thà gửi tiền để đảm bảo an toàn, vì vận mệnh, vì đảm bảo vốn cho xây dựng Dung Quất 2 và phát triển tập đoàn mới là quan trọng”, tỷ phú Trần Đình Long nói.
“Hòa Phát rất nổi tiếng, có những người tìm đến chúng tôi sẵn sàng vay tiền với lãi suất 18-20%/năm. Bây giờ gửi ngân hàng với lãi suất chỉ 3-4%/năm chúng tôi vẫn gửi. Có thể chúng tôi quá thận trọng, nhưng phải thận trọng để đảm bảo các kế hoạch phát triển của tập đoàn không thay đổi”.
Ngoài ra, ông Long cho biết Hòa Phát cũng không thể đầu tư hết tiền mặt mà phải giữ lại một lượng lớn “tiền lỏng” đáng kể để dự phòng cho các nhu cầu thiết yếu.
- TIN LIÊN QUAN
-
Hòa Phát vô địch doanh thu quý I, nhóm thép và bán lẻ lấn lướt trong top 20 07/05/2022 - 20:39
“Với quy mô doanh thu của Hòa Phát hiện nay khoảng 160.000 tỷ thì chúng ta phải có ‘tiền lỏng’ 20.000 tỷ là tối thiểu để đảm bảo khả năng thanh toán, không được hoạt động, không được kinh doanh, bất cứ lúc nào cần để trả nợ, mua hàng, … là có ngay”.
Theo ông Long, Giám đốc Tài chính của tập đoàn là bà Phạm Thị Kim Oanh đề xuất Hòa Phát phải có 30.000 tỷ tiền lỏng nhưng ông quyết định chọn mức 20.000 tỷ.
Tổng tiền mặt và tiền gửi của Hòa Phát tại ngày 31/3 năm nay là 46.300 tỷ, sau khi trừ đi khoản tiền lỏng không được đầu tư, tập đoàn còn lại 26.300 tỷ để làm Dung Quất 2. Theo ông Long, con số hơn 26.000 tỷ này vẫn chưa đủ.
Tổng mức đầu tư dự kiến cho Dung Quất giai đoạn 2 là khoảng 85.000 tỷ, Hòa Phát đã ký hợp đồng vay các ngân hàng 35.000 tỷ đồng, số còn lại phải do tập đoàn tự bỏ ra. Cũng vì cần vốn lớn cho hoạt động xây dựng cơ bản nên Hòa Phát chỉ trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 5% mệnh giá, tương đương 500 đồng/cp.
Nhiều cổ đông tại đại hội đã đề xuất Hòa Phát nâng cổ tức tiền mặt lên mức 10%. Chủ tịch Trần Đình Long cho biết cá nhân ông là cổ đông lớn nhất của Hòa Phát nên nếu trả cổ tức nhiều thì ông càng được nhiều tiền nhưng không thể làm được vì tập đoàn cần vốn để tái đầu tư.
Cuối cùng, kết quả biểu quyết cho thấy 99,75% số phiếu bầu tại đại hội đồng ý với phương án cổ tức ban đầu là 5% bằng tiền mặt và 30% bằng cổ phiếu.
- TIN LIÊN QUAN
-
Ông Trần Đình Long: Hòa Phát cần rất nhiều vốn, không thể tăng cổ tức tiền mặt
Bên cạnh việc đầu tư các khu liên hợp mới trong nước như Dung Quất 2, thậm chí là Dung Quất 3 hoặc nhà máy luyện nhôm trong tương lai, Hòa Phát còn đang tính đến việc mở nhà máy ở nước ngoài.
“Tương lai từ nay đến 2030, Hòa Phát định hướng không chỉ là nhà sản xuất thép lớn nhất Đông Nam Á mà còn quốc tế hóa hơn nữa”, Chủ tịch Trần Đình Long nói.
“Có thể chúng ta sẽ mở nhà máy thép ở nước ngoài, mở ở những thị trường có nhu cầu cao nhưng áp nhiều chính sách bảo hộ. Chúng ta không xuất khẩu được thì chúng ta sẽ mở luôn nhà máy ở nước họ. Chúng ta có rất nhiều việc, và việc gì cũng cần đến tiền, nên nhu cầu về vốn là rất lớn”.
Hòa Phát đã mua một mỏ quặng sắt trữ lượng ước tính 320 triệu tấn tại Australia và trong tương lai có thể mua thêm mỏ than hoặc một mỏ quặng sắt khác.
Để sản xuất một tấn thép bằng lò cao cần dùng đến 1,6 tấn quặng sắt và 0,7 tấn than. Hòa Phát hiện có công suất 8 triệu tấn thép mỗi năm, sau khi Khu Liên hợp Dung Quất giai đoạn 2 hoàn thành sẽ nâng sản lượng lên thành 14 triệu tấn mỗi năm, nhu cầu về quặng sắt và than lên tới hàng chục triệu tấn.
Sau khi đại hội cổ đông thường niên 2022 kết thúc, cổ phiếu HPG đã giảm hai phiên liên tiếp, đóng cửa ngày 25/5 ở giá 34.450 đồng/cp.