Trao đổi trong buổi tọa đàm "Giải pháp phát triển thị trường chứng khoán bền vững" do Báo Người Lao Động tổ chức sáng nay, bà Nguyễn Hoài Thu, Thành viên HĐQT, Giám đốc Điều hành Khối đầu tư chứng khoán đại chúng và trái phiếu, Công ty Quản lý Quỹ Vincapital cho biết, yếu tố hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam đến từ kinh tế đã và đang tăng trưởng cao, ổn định.
Trước dịch kinh tế Việt Nam duy trì tăng trưởng khoảng 6,8% trong 10 năm, sau dịch, dự báo kinh tế tăng trưởng 6,5% trong nhiều năm tới. Sự phát triển kinh tế diễn ra trong bối cảnh ổn định lãi suất, lạm phát được kiểm soát tốt, cán cân thương mại dương, dự trữ ngoại hối tốt.
Ngoài ra, tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết dự báo tăng trưởng 15-20%, được xem là hấp dẫn so khu vực và những khu vực khác cùng khối cận biên thậm chí là mới nổi.
Yếu tố nền kinh tế tiếp tục củng cố, với dân số lớn, nhân khẩu học hấp dẫn, hơn 70% dân số trẻ ở độ tuổi lao động, chi phí lao động vẫn rẻ, hấp dẫn bằng một nửa Trung Quốc. Điều quan trọng kinh tế đang dịch chuyển phát triển mạnh mẽ ở khối tư nhân, hiện đại hóa ở toàn bộ nền kinh tế, tiêu dùng thành trụ cột kinh tế, sự tăng trưởng của bán lẻ tiêu dùng trên 12% trong nhiều năm.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, bên cạnh những bước tiến rất đáng mừng, thị trường chứng khoán nước ta đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ. Sau đợt giảm mạnh trong khoảng 2 tháng qua, vốn hóa thị trường đã "bốc hơi" khoảng 50 tỷ USD, con số tác động rất lớn đến kinh tế. Sự lao dốc của thị trường này bắt nguồn từ vài sự kiện riêng lẻ.
Nhà đầu tư trong nước lo sợ trước diễn biến thanh lọc thị trường nhưng nhà đầu tư nước ngoài hiểu trong dài hạn điều này sẽ tốt cho thị trường nên họ đã mạnh dạn giải ngân, chuyển từ bán ròng sang mua ròng tới 170 triệu USD từ đầu tháng 4.
"Điều này chứng tỏ nhà đầu tư nước ngoài đánh giá thị trường Việt lúc này đang rẻ. Hiện P/E đang hấp dẫn ở vùng 10,6 lần, thấp hơn trung bình 5 năm, thường xảy ra xác suất 2,5%. Bloomberg dự báo, mức lợi nhuận doanh nghiệp Việt vẫn tăng trưởng 18-19% thì thị trường đang ở vùng định giá hấp dẫn. Từ góc độ nhà đầu tư nước ngoài, cả ngắn hạn và dài hạn đều hấp dẫn", chuyên gia VinaCapital cho biết.
Bà Thu kiến nghị để thị trường hoạt động lành mạnh, phát triển bền vững, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các Sở giao dịch Chứng khoán cần có cơ chế theo dõi những biến động giá cổ phiếu bất thường và yêu cầu doanh nghiệp giải trình. Bởi doanh nghiệp không có hoạt động gì đột biến thì cổ phiếu không thể tăng trần liên tục được.
Đồng thời cần có quy định rõ hơn về thông tin giao dịch nội gián, trọng yếu, cần ra cơ chế thông tin này nhằm tạo công bằng với nhà đầu tư. Bà Thu dẫn chứng, ở nước ngoài, nếu giao dịch nội gián sẽ bị xử lý hình sự, còn ở ta chưa chặt chẽ nên vì quan hệ thân thiết, nội bộ thường chia sẻ cho các nhóm đối tượng trước khi công bố công khai khiến giá cổ phiếu tăng giảm bất thường, khi nhà đầu tư biết đã quá muộn.
Mặt khác, có thể xem xét không cho phép người nội bộ công ty bình luận về giá cổ phiếu mà họ tham gia quản lý, không được phép nói cổ phiếu rẻ hay đắt.
"Ở nước ngoài, HĐQT hay ban điều hành doanh nghiệp không được phép nói cổ phiếu doanh nghiệp của họ đang rẻ, anh đầu tư với chúng tôi chắc chắn nhân 2, nhân 3 tài khoản, điều này mang tính định hướng, hàm ý chia sẻ thông tin trọng yếu nào đó", bà Thu nói.
Trước đó, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm trên thị trường tài chính quốc tế, những bình luận về giá cổ phiếu, trao đổi giữa các nhà nghiên cứu với nhà tư vấn không chính thống nhưng lại tương đối công khai đều bị coi là thao túng. Còn ở Việt Nam, những hành vi mới được đưa vào diện thao túng.
Trở lại với các kiến nghị nhằm tăng cường tính minh bạch, cơ chế kiểm soát, giám sát thành viên thị trường, bà Nguyễn Hoài Thu cũng đề xuất có thể yêu cầu tách biệt hoạt động phân tích nghiên cứu ra khỏi tư vấn tự doanh để phía tự doanh không gây ảnh hưởng cho bộ phận phân tích và ngược lại. Bởi điều này không công bằng, minh bạch cho các nhà đầu tư. Điều này đã ở thị trường chứng khoán nước ngoài đã quy định rất rõ trong khi ở Việt Nam thì chưa.
Ngoài ra, thị trường trái phiếu cũng có quan hệ mật thiết đối với thị trường chứng khoán. Vì vậy bà Thu kiến nghị các cơ quan quản lý cũng cần kiểm soát để giúp thị trường này phát triển ổn định hơn.