Bán vé số làm từ thiện
Ở huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, hình ảnh một người đàn ông với gương mặt sáng sủa, diện quần âu, áo sơ mi “đóng thùng” đi… bán vé số từ lâu đã không còn xa lạ với người dân sinh sống nơi đây.
Nhiều năm qua, thầy Tân tự bỏ tiền túi đi vá đường để người dân được đi lại an toàn
Có điều lạ là khác với nhiều người bán vé số khác, người đàn ông ấy không bao giờ nài nỉ, chèo kéo ai.
Lạ nữa là gặp khách, ai cũng mua từ chục tờ trở lên và phần nhiều khách hàng đều trả tiền dư hơn nhiều so với trị giá vé số.
Người bán vé số đó chính là thầy giáo Nguyễn Nhật Tân (40 tuổi), giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Phong Điền 1, huyện Phong Điền.
“Thầy Tân rất nhiệt tình với công tác thiện nguyện, đã giúp cho nhiều hoàn cảnh khó khăn. Chúng tôi rất cảm ơn và ghi nhận tấm lòng của thầy, mong những việc làm của thầy sẽ lan tỏa tới nhiều người hơn nữa, từ đó những hoàn cảnh khó khăn sẽ được hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời. Ông Lê Hoàng Dũng, Phó chủ tịch UBND huyện Phong Điền” |
“Thầy Tân tốt lắm. Ngoài giờ lên lớp, thầy đi bán vé số để lấy tiền giúp đỡ cho bà con khó khăn.
Đường sá hư hỏng, thầy vừa bỏ tiền túi vừa vận động thêm để sửa chữa, dặm vá. Mọi người ai cũng quý mến, cảm phục”, ông Phạm Minh Hoàng, 72 tuổi, trú xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền chia sẻ.
Qua lời giới thiệu của ông Hoàng, một ngày cuối tháng 6, chúng tôi tìm đến Trường Tiểu học thị trấn Phong Điền 1 đúng giờ vừa tan lớp.
Khi các đồng nghiệp và học trò hối hả về nhà, cũng là lúc thầy Tân bắt đầu rong ruổi khắp các con đường với mấy tập vé số trên tay.
Thầy Tân kể, sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, tuổi thơ đầy ắp những kỷ niệm về sự khó khăn, thiếu thốn nên thầy thấu hiểu được hoàn cảnh của những học sinh nghèo.
Bởi vậy, giúp được gì các em là thầy luôn sẵn lòng, chỉ mong sao các em vơi bớt nhọc nhằn, được tiếp bước trên con được học hành.
“Năm 2008, tôi về giảng dạy môn mỹ thuật tại Trường Tiểu học thị trấn Phong Điền 1. Khi đó, chứng kiến nhiều em nhà quá nghèo không có tiền đóng học, mua sách vở, tôi vừa động viên, vừa giúp đỡ các em trong khả năng có thể”, thầy Tân nhớ lại.
Nhìn học trò phấn khởi, có thêm động lực để học tập, thầy Tân chợt nghĩ, có lẽ không chỉ có trường mình, mà ở các trường khác cũng rất nhiều em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Nhưng ngặt nỗi, đồng lương giáo viên của thầy quá ít ỏi, có muốn giúp được nhiều em cũng lực bất tòng tâm. Vậy là thầy vận động đồng nghiệp, các nhà hảo tâm cùng đóng góp.
Thầy Tân trong một giờ lên lớp
“Nhưng càng làm từ thiện, càng thấy còn nhiều hoàn cảnh éo le. Nếu chỉ kêu gọi vận động mãi cũng không được. Vậy là tôi nghĩ ra cách đi bán vé số để có được thêm nhiều tiền hơn.
Nhiều người không hiểu, cho rằng tôi đi bán vé số là để lợi dụng nhưng tôi mặc kệ. Chỉ cần giúp được các em học sinh, người nghèo là tôi vui rồi!”, thầy Tân cười.
Quên chuyện riêng tư, lo chuyện bao đồng
Hết giờ dạy, thầy Tân tranh thủ đi bán vé số, lấy tiền làm từ thiện
Năm 2021, nghe tin bà Nguyễn Thị Thiện (50 tuổi, ngụ xã Nhơn Nghĩa), một người chuyên mưu sinh bằng bán vé số mắc bệnh nặng, gia đình không tiền chạy chữa, thầy Tân liền đứng ra vận động được hơn 20 triệu đồng để bà điều trị.
Kể lại câu chuyện với lòng biết ơn, bà Thiện chia sẻ: “Chồng tôi ai thuê gì làm đó, lắm lúc nhiều ngày liên tiếp không có ai thuê. Còn tôi tật nguyền từ nhỏ, không làm được việc nặng, chỉ có thể đi bán vé số.
Thời điểm ấy, trong người tôi không có lấy một đồng, vay mượn hàng xóm láng giềng cũng không được. Thấy cảnh tôi khổ, thầy Tân giúp đỡ cho tôi có tiền để đi trị bệnh.
Trị bệnh rồi, tôi còn dư chút tiền, mua xuồng nhỏ để chồng đi giăng lưới, bắt cá kiếm thêm thu nhập. Hễ có ai cho gạo là thầy đem về cho nhà tôi”.
Trường hợp bà Thiện chỉ là số ít những người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn đã được thầy Tân giúp đỡ.
“Khi có hoàn cảnh nào cần giúp, tôi sẽ đăng trên Zalo, Facebook để vận động mọi người hoặc đi bán vé số. Khi đủ số tiền sẽ ngưng và công khai thu, chi để mọi người biết”, thầy Tân chia sẻ.
Ngoài bán vé số, thầy Tân còn chạy “xe ôm” từ thiện. Gần đây, ngày nào thầy cũng chở một người bị tai nạn, đau chân đến bệnh viện huyện để tập vật lý trị liệu.
Xe gắn máy của thầy Tân lúc nào cũng có mũ bảo hiểm dự phòng, trên đường đi dạy về hoặc đi đâu, thấy có người cuốc bộ là thầy mời lên xe đưa đến đúng nơi cần đến.
Không chỉ giúp đỡ người nghèo, một nghĩa cử khác đáng trân trọng đó là thầy Tân còn đi vá đường, lấp ổ gà dọc các tuyến đường ở địa phương, để bà con và các em học sinh đi lại được an toàn.
“Hơn 12 năm qua, tôi không nhớ xuể đã giúp được bao nhiêu hoàn cảnh khó khăn, dặm vá bao nhiêu tuyến đường.
Cứ nghe tin ở đâu có người cần giúp đỡ là tìm đến thăm hỏi, động viên, trợ giúp. Tuyến đường nào hư hỏng là vận động mọi người góp sức, góp của cùng nhau đi dặm vá”, thầy Tân bộc bạch.
Ở cái tuổi 40 nhưng thầy Tân vẫn chưa lập gia đình. Hỏi chuyện, thầy chỉ cười: “Đó là cái duyên, khi nào duyên tới hẵng hay.
Còn hiện tại, tôi chỉ tập trung vào những công việc mình đã làm trong suốt hơn chục năm qua. Vẫn đang còn nhiều mảnh đời bất hạnh cần đến tôi và các nhà hảo tâm”.
Nhắc tới thầy Tân, ông Hồ Thanh Nhỏ, Bí thư, Trưởng ấp Nhơn Phú 1, xã Nhơn Nghĩa vui vẻ cho biết: “Xã hội được nhiều người như thầy Tân là địa phương đỡ lắm!”.