Bất động sản

Tháp Tài chính 108 tầng trong dự án 4,2 tỷ USD ở Hà Nội đang thi tuyển phương án kiến trúc

Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển thành phố Thông minh Bắc Hà Nội (NHSC) - liên doanh giữa Tập đoàn BRG (Việt Nam) với Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản), phối hợp với Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam, đang tổ chức Cuộc thi tuyển Phương án Kiến trúc công trình Trung tâm tài chính, thương mại, hỗn hợp – Tháp 108 tầng tại dự án Thành phố Thông minh, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. 

Cuộc thi nhằm tìm kiếm ý tưởng thiết kế sáng tạo, độc đáo, đáp ứng yêu cầu đồng bộ, phát triển đô thị hiện đại, áp dụng những tính năng thông minh tạo nên công trình điểm nhấn mới cho Thủ đô Hà Nội, cho Việt Nam và cho cả khu vực.

Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội nằm tại huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội có quy mô 272 ha với tổng vốn đầu tư 4,2 tỷ USD do Công ty NHSC làm chủ đầu tư là một trong những dự án nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ hai nước Việt Nam và Nhật Bản. Dự án được chia thành 5 giai đoạn, dự kiến hoàn thành toàn bộ công trình vào quý IV/2032.

Trong đó, tòa Tháp 108 tầng dự kiến sẽ trở thành một trong những tòa nhà cao nhất Đông Nam Á, có diện tích xây dựng hơn 30,5 nghìn m2 và có tổng diện tích sàn tầng nổi là hơn 320 nghìn m2, là một siêu tổ hợp công trình hiện đại, mang tầm cỡ quốc tế tại vị trí cửa ngõ kết nối sân bay quốc tế Nội Bài và thành phố Hà Nội với nhiều chức năng như văn phòng, thương mại, khách sạn, du lịch… trở thành điểm nhấn về cảnh quan đô thị, góp phần thúc đẩy nền kinh tế và mở ra nhiều cơ hội thu hút đầu tư và trở thành biểu tượng cho sự phát triển của Hà Nội và Việt Nam.

photo-1711589918620

Phối cảnh dự án Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội.

Về chủ đầu tư, Tập đoàn BRG thông qua các thương vụ mua bán sáp nhập đang sở hữu loạt các khách sạn, dự án lớn nằm tại những vị trí đắc địa của Hà Nội như dự án khách sạn 6 sao Four Seasons tại 22 – 32 Lê Thái Tổ, Khách sạn Thắng Lợi, Oriental Tower (Tây Sơn, Đống Đa), Khu căn hộ Oriental Palace (Hồ Tây), Oriental Garden (Lê Văn Lương), Oriental West Lake (174 Lạc Long Quân) và Oriental Plaza (16 Láng Hạ)…

Năm 2012, BRG hoàn tất thương vụ mua lại khách sạn 5 sao Hilton Opera, nằm ngay cạnh Nhà hát Lớn từ tay các ông chủ Đức và Áo. Được biết, BRG mua lại 70% cổ phần khách sạn này từ hai quỹ đầu tư được niêm yết trên thị trường chứng khoán London là VinaLand Limited (VNL) và Vietnam Opportunity Fund Limited (VOF) thuộc quản lý của VinaCapital. Sau đó, BRG thâu tóm nốt 30% còn lại từ đối tác Đức và Áo.

Trong năm 2016, một thương vụ tài chính nổi bật nữa của BRG là khách sạn Sedona Suites Hanoi (nay là Diamond Westlake Suit) từ Tập đoàn Keppel Land Ltđ của Singapore với giá 31,5 triệu USD. Đây là một tổ hợp khách sạn được xây dựng tại khu Quảng Bá trên bờ rìa hướng Đông Bắc của Hồ Tây, Hà Nội bao gồm 175 căn hộ và biệt thự dịch vụ cho thuê, cùng với các câu lạc bộ và dịch vụ giải trí.

Ngoài ra, BRG còn đang sở hữu trực tiếp và gián tiếp cổ phần của một số công ty khác như: Công ty TNHH Thung lũng Vua và CTCP Thương mại và du lịch Ngân Anh là cổ đông lớn đều nắm hơn 27% của Công ty TNHH Một thành viên Thăng Long GTC (góp vốn vào liên doanh đầu tư khách sạn InterContinental West Lake Hà Nội, khu căn hộ cho thuê Pan Horizon Execcutive Residences...).

Liên doanh của BRG tại dự án Thành phố thông minh là Tập đoàn Sumitomo là một trong những tập đoàn thương mại và đầu tư lớn của Nhật Bản. Đến nay, Tập đoàn Sumitomo có mặt tại 65 quốc gia với hơn 75.000 nhân viên trên toàn cầu. Tổng tài sản của tập đoàn lên tới 71,1 tỷ USD, vốn chủ sở hữu 26,6 tỷ USD, thu nhập ròng 3,8 tỷ USD.

Tại Việt Nam, Tập đoàn đã đầu tư, tham gia vào nhiều lĩnh vực khác nhau bao gồm: các khu công nghiệp; đường sắt đô thị; các nhà máy điện; các dự án sân bay, logistics, bất động sản…

Cụ thể, Tập đoàn Sumitomo đã thành lập KCN Thăng Long từ năm 1997 và đầu tư phát triển KCN Thăng Long II tại Hưng Yên, KCN Thăng Long Vĩnh Phúc tại tỉnh Vĩnh Phúc; với tổng quy mô trên 1.012 ha và tổng vốn đầu tư 404,1 triệu USD. Ngoài ra, Sumitomo còn là tổng thầu xây dựng đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị số 1 TP. HCM (Bến Thành – Suối Tiên), tổng thầu xây dựng các nhà máy nhiệt điện Phả Lại, Duyên Hải 3 mở rộng, Phú Mỹ 2-2…

Tập đoàn cũng bắt tay các tổ chức tài chính liên kết ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, để mở rộng kinh doanh bán lẻ và cung cấp các giải pháp ngân hàng số.

Ngoài các thương vụ kể trên, Sumitomo còn đầu tư vào mảng bảo hiểm của Việt Nam thông qua thương vụ đầu tư và M&A giữa Sumitomo Life và Tập đoàn Tài chính - Bảo hiểm Bảo Việt. Hiện, tỷ lệ nắm giữ cổ phần của Sumitomo Life tại Bảo Việt lên tới 22,09%, là cổ đông tổ chức lớn thứ 2 của Bảo Việt, chỉ sau Bộ Tài chính.

Ngoài dự án BRG Smart City, Sumitomo còn cùng với BRG ký kết Hợp đồng Liên doanh nhằm phát triển toàn diện chuỗi siêu thị FujiMart tại thị trường Việt Nam.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm