Thaco mỗi năm nộp hàng chục nghìn tỷ đồng vào ngân sách nhà nước
CTCP Tập đoàn Trường Hải (Thaco Group) vừa công bố kế hoạch năm 2023 với tổng nộp ngân sách nhà nước dự kiến 35.000 tỷ đồng, tăng 16% so với năm trước. Trong đó, doanh nghiệp nộp ngân sách tại tỉnh Quảng Nam là hơn 26.800 tỷ đồng, tăng 9% (gồm 18.100 tỷ đồng thuế nội địa và 8.700 tỷ đồng thuế xuất nhập khẩu).
Như vậy ước tính trong năm 2022, tập đoàn của ông Trần Bá Dương nộp hơn 30.172 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước, tăng 47% so với năm 2021 và nằm trong top các doanh nghiệp tư nhân nộp thuế nhiều nhất Việt Nam.
Tại tỉnh Quảng Nam, Thaco sở hữu công ty chuyên về sản xuất lắp ráp ô tô và linh kiện phụ tùng, được xem như “con sếu đầu đàn” của khu kinh tế mở Chu Lai.
Hằng năm, Thaco đóng góp hàng chục nghìn tỷ đồng vào ngân sách địa phương này, riêng năm 2022, ước tính số tiền thuế đã nộp hơn 24.500 tỷ đồng, trong khi số thu ngân sách nhà nước của tỉnh Quảng Nam năm ngoái là 26.150 tỷ đồng.
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, qua phân tích số thu của các doanh nghiệp, số thu từ hoạt động, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên các khu vực (doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp ngoài quốc doanh) trong 5 năm từ 2016 - 2020 là 63.507 tỷ đồng, trong đó số thu từ Thaco chiếm gần 68% số thu của doanh nghiệp các khu vực này nộp ngân sách.
Thu về trên dưới 60.000 tỷ đồng doanh thu mỗi năm
Qua gần 26 năm hoạt động, Thaco do ông Trần Bá Dương sáng lập đã thực hiện tái cấu trúc theo tập đoàn con (Sub-Holding) và các Tổng công ty thành viên trực thuộc.
Hai Tập đoàn con (Sub-Holding) là Công ty TNHH Thaco Auto và CTCP Nông nghiệp Trường Hải (Thaco Agri) hoạt động trong 2 mảng chính lần lượt là ô tô và nông lâm nghiệp. Bên cạnh đó là Thaco Industries (Cơ khí và Công nghiệp hỗ trợ), Thadico (Đầu tư xây dựng), Thilogi (Logistics) và Thiso (Thương mại dịch vụ),
Riêng Thaco Auto - công ty chủ lực của tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực nhập khẩu, sản xuất lắp ráp, phân phối, bán lẻ và dịch vụ sửa chữa ô tô, xe máy. Thaco Auto còn là nhà phân phối độc quyền xe du lịch thương hiệu BMW và MINI, xe mô tô phân khối lớn BMW Motorrad. Hệ thống phân phối ô tô của tập đoàn bao phủ khắp các tỉnh thành toàn quốc, với hơn 400 showroom, đại lý và điểm bán hàng.
Tập đoàn của tỷ phú Trần Bá Dương còn được biết đến với các hoạt động M&A. Gần đây nhất, tháng 1/2021, Thaco đã chi hàng nghìn tỷ đồng để chính thức tiếp quản CTCP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico - Mã: HNG) của bầu Đức.
Tính đến hết năm 2022, công ty nông nghiệp này đang lỗ lũy kế gần 7.000 tỷ đồng. Theo dự báo của tỷ phú Trần Bá Dương, đến năm 2024 thì HAGL Agrico mới có thể có lợi nhuận khả quan hơn.
Một thương vụ mua lại đình đám khác là việc nhận chuyển nhượng 100% vốn và nhận nhượng quyền độc quyền thương hiệu siêu thị Emart của Hàn Quốc vào tháng 9/2021. Trong đó, Thaco sẽ chịu trách nhiệm điều hành, quản trị và mở rộng hệ thống siêu thị Emart tại Việt Nam. Còn phía Emart Hàn Quốc sẽ cử đội ngũ quản lý cấp cao và duy trì cung ứng hàng hóa nhãn hiệu riêng từ Hàn Quốc với giá cả cạnh tranh.
Tại Việt Nam, siêu thị Emart nằm trên đường Phan Văn Trị (quận Gò Vấp, TP HCM), là điểm bán duy nhất của đại gia bán lẻ Hàn Quốc sau gần 8 năm nhảy vào thị trường bán lẻ Việt Nam.
Sau khi về với Thaco, Emart đã có thêm một điểm bán tại Thủ Thiêm, TP Thủ Đức (TP HCM) vào tháng 11/2022. Theo kế hoạch mới công bố, Thaco sẽ mở thêm Emart Phan Huy Ích (quận Gò Vấp).
“Emart Việt Nam đặt mục tiêu giữ vững doanh thu dẫn đầu thị trường đối với cửa hàng Emart Phan Văn Trị, và đạt mức hòa vốn trong năm đầu đối với các cửa hàng mới, tổng doanh thu cả chuỗi năm 2023 đạt 3.200 tỷ đồng, tăng trưởng 60% so với năm 2022”, tỷ phú Trần Bá Dương cho biết.
Tháng 1/2021, Thaco đã chính thức hủy công ty đại chúng, đồng nghĩa công ty không cần bắt buộc phải công bố thông tin.
Theo báo cáo tài chính mới nhất đã kiểm toán, năm 2019, Thaco ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 5.368 tỷ đồng, giảm 14% so với 2018. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 4.820, giảm gần 21%.
Về tình hình tài chính, cuối năm 2019, Thaco có tổng tài sản lên tới 106.794 tỷ đồng, tăng 43% so với con số 74.835 tỷ đồng của đầu năm. Trong đó, lượng tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng ngắn hạn là 1.550 tỷ đồng. Năm 2019, công ty lãi 184 tỷ đồng từ cho vay và lãi tiền gửi ngân hàng.
Hàng tồn kho ở mức 34.770 tỷ đồng, tăng 24% so với đầu năm 2019. Các khoản phải thu ngắn hạn là 16.918 tỷ đồng, giảm 3%.
Tại cuối năm 2019, chi phí xây dựng cơ bản dở dang của tập đoàn lên tới 11.127 tỷ đồng, tập trung nhiều ở các dự án BT, dự án văn phòng cho thuê, phát triển vườn cây ăn trái,...
Nợ phải trả của tập đoàn tại cuối năm 2019 là 67.496 tỷ đồng, trong đó đi vay 40.387 tỷ, đa số là vay ngắn hạn từ các ngân hàng. Năm 2019, Thaco phải trả 1.675 tỷ đồng chi phí lãi vay.
Vốn chủ sở hữu tại cuối tháng 12/2019 là 39.298 tỷ, bao gồm 16.950 tỷ đồng vốn góp, gần 13.931 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.