Tài chính

Thu nhập ngoài lãi nhiều ngân hàng đuối sức, VPBank vượt nhóm Big4 trở thành quán quân

VPBank vượt qua nhóm Big4, đứng đầu về thu nhập ngoài lãi

Thu nhập ngoài lãi ngày càng trở thành chỉ tiêu được các ngân hàng ngày càng chú trọng để đa dạng hóa nguồn thu của ngân hàng, tránh phụ thuộc quá nhiều vào hoạt động tín dụng. Năm 2022, thu nhập ngoài lãi của các ngân hàng chứng kiến sự phân hóa khi nhiều ngân hàng ghi nhận tăng trưởng mạnh, nhưng cũng có nhiều ngân hàng sụt giảm ở nguồn thu nhập này.

Thống kê từ báo cáo tài chính của 28 ngân hàng cho thấy tổng thu nhập ngoài lãi của các ngân hàng này là 125.052 tỷ đồng, tăng 11,4% so với năm trước. Tuy nhiên, tỷ trọng thu nhập ngoài lãi trên tổng thu nhập giảm 1,7% so với năm 2021.

Trong đó, sự tăng trưởng của thu nhập ngoài lãi chủ yếu nhờ lãi thuần từ hoạt động dịch vụ, kinh doanh ngoại hối và các hoạt động kinh doanh khác.

Tổng lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của 28 ngân hàng đạt 63.903 tỷ đồng, tăng gần 15% so với năm trước. Tổng lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối đạt 18.424 tỷ đồng, tăng 35,7% so với năm trước và tổng lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác đạt 36.751 tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2021.

 

VPBank vượt qua nhóm ngân hàng Big4 để trở thành ngân hàng dẫn đầu về thu nhập ngoài lãi trong năm 2022 khi ghi nhận tăng trưởng 68,6% so với năm 2021, đạt 16.777 tỷ đồng.

Đây là kết quả đến từ sự tăng trưởng của lãi thuần từ hoạt động dịch vụ và lãi thuần từ các hoạt động khác. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 58,5% so với năm trước đạt 6.483 tỷ đồng, còn lãi thuần từ các hoạt động khác tăng gấp 3,7 lần so với năm trước, đạt 10.583 tỷ đồng.

Thu nhập ngoài lãi tại nhóm Big4 lại có sự phân hóa trong khi tại VietinBank khoản thu nhập này tăng tới 46,5% đạt16.650 tỷ đồng thì tại Vietcombank lại tăng ở mức khiêm tốn 3,3% đạt 14.836 tỷ đồng.

Còn tại BIDV lại chứng kiến sự sụt giảm khi thu nhập ngoài lãi giảm 13,7% đạt 13.529 tỷ đồng do lãi thuần từ hoạt động khác giảm 31,8% xuống 4.212 tỷ đồng.Lãi thuần từ chứng khoán kinh doanh ghi nhận sụt giảm mạnh khi lỗ 31,7 tỷ đồng trong năm 2022 trong khi năm ngoài lãi 586,2 tỷ đồng.

 Thu nhập ngoài lãi của BIDV qua các năm (Nguồn: BIDV)

Bên cạnh đó, Techcombank đã vượt qua MB để leo lên vị trí thứ 5. Techcombank là ngân hàng cuối cùng có thu nhập ngoài lãi vượt 10.000 tỷ đồng khi đạt 10.612 tỷ đồng trong năm 2022, tăng nhẹ 2,3% so với năm trước. Trong khi đó MB lại tụt xuống vị trí thứ 6 do thu nhập lãi thuần đạt 9.570 tỷ đồng, giảm gần 11% so với năm 2021.

Xét về mức tăng trưởng, LienVietPostBank là ngân hàng có mức tăng trưởng thu nhập ngoài lãi mạnh nhất trong năm qua với mức tăng gần 120%, đạt 2.270 tỷ đồng chủ yếu do mức tăng mạnh từ chứng khoán đầu tư và các hoạt động khác.

Cụ thể, lãi thuần từ chứng khoán đầu tư của ngân hàng đạt 343 tỷ đồng năm 2022 trong khi năm trước lỗ 1,4 tỷ đồng. Lãi thuần từ các hoạt động khác cũng tăng gấp 6 lần từ 33,7 tỷ đồng lên 201 tỷ đồng.

Một số ngân hàng khác cũng ghi nhận mức tăng mạnh về thu nhập ngoài lãi trong năm qua là PG Bank (tăng 76,1%), Nam A Bank (tăng 59,5%), Sacombank (tăng 56,7%) và SeABank (tăng 42,8%).

Tuy nhiên, ngoài BIDV và MB đã kể trên, nhiều ngân hàng khác cũng ghi nhận thu nhập ngoài lãi sụt giảm như MSB, SHB, OCB, Vietbank, NCB, Ngân hàng Bản Việt và Saigonbank.

Thu nhập ngoài lãi các ngân hàng năm 2022

  (Nguồn: Huyen Vi tổng hợp từ BCTC quý IV/2022 các ngân hàng 

Thu nhập ngoài lãi đuối sức nhưng vẫn là động lực tăng trưởng chính

Trong những năm gần đây, việc đẩy mạnh các hoạt động thu nhập ngoài lãi đã trở thành xu hướng tăng trưởng của các ngân hàng, giúp ngân hàng đa dạng hóa nguồn thu nhập và tăng trưởng bền vững, ổn định hơn trong dài hạn. Tuy nhiên, thu nhập ngoài lãi của các ngân hàng năm 2022 lại có phần đuối sức hơn các năm trước.

Có đến 10 ngân hàng ghi nhận thu nhập ngoài lãi giảm, trong đó nguyên nhân chủ yếu do mảng chứng khoán đầu tư và hoạt động dịch vụ. Theo số liệu từ FiinGroup, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của các ngân hàng trong năm 2022 chiếm 11,4% tổng thu nhập hoạt động, giảm 0,6% so với năm trước.

Lãi thuần từ hoạt động đầu tư và các hoạt động khác cũng giảm tỷ trọng từ 12,3% năm 2021 xuống 11,1% năm 2022. Trong đó, mảng chứng khoán đầu tư của các ngân hàng hầu hết đều ghi nhận giảm hoặc lỗ đậm trong bối cảnh lãi suất tăng cao và biến động trên thị trường chứng khoán trong năm qua.

 

Tuy nhiên, thu nhập phí từ dịch vụ thanh toán và bancassurance vẫn là động lực tăng trưởng chính và là nguồn thu nhập ổn định nhờ nỗ lực số hóa của ngân hàng và dư địa bán chéo lớn từ tập khách hàng ngày càng mở rộng.

Theo FiinGroup, dịch vụ thanh toán và ngân quỹ cùng với bancassurance vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu hoạt động dịch vụ, chiếm lần lượt 37,8% và 30,5%.

Đối với những ngân hàng có thu nhập ngoài lãi cao, hai hoạt động này vẫn luôn là động lực tăng trưởng chính. Đơn cử tại VPBank, ngân hàng có thu nhập ngoài lãi cao nhất năm 2022, thu nhập từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng đạt 8.242 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh 72% so với năm trước.

Cơ cấu thu nhập từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng cho thấy hoạt động thanh toán và thu hút khách hàng bao gồm thanh toán quốc tế, nội địa và POS chiếm tỷ trọng cao nhất là 47% trong cơ cấu thu nhập hoạt động dịch vụ, tăng 101% so với năm trước.

Thu nhập bảo hiểm của ngân hàng ghi nhận tăng trưởng mạnh nhất trong các hoạt động với mức tăng 140% so với năm trưỡc và chiếm tỷ trọng 17% trong cơ cấu thu nhập. Việc VPBank triển khai hai hợp đồng bảo hiểm là bảo hiểm nhân thọ với AIA và phi nhân thọ với OPES đã giúp phí từ bảo hiểm tăng trưởng trong năm 2022.

 (Nguồn: VPBank)

Dự báo năm 2023, chuyên gia FiinGroup nhận định thu nhập ngoài lãi hạ nhiệt cùng với xu hướng tín dụng năm 2023 nhưng kỳ vọng sẽ duy trì đóng góp tích cực cho lợi nhuận, phần nào giúp giảm sự phụ thuộc vào tín dụng cho ngân hàng.

Trong đó, thu nhập phí từ dịch vụ thanh toán kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng tốt nhờ nỗ lực số hóa của ngân hàng những năm gần đây. Ngoài ra, những hợp đồng phân phối bảo hiểm mới được ký kết cùng với tập khách hàng ngày càng được mở rộng, tạo dư địa bán chéo lớn vẫn sẽ mang về nguồn thu nhập ổn định trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Ngoài ra, Chứng khoán VCBS cũng cho rằng hợp đồng bancassuracne độc quyền của LienVietPostBank và Dai-ichi Life trong quý IV/2022 có thể ghi nhận phí trả trước trong năm tới cùng với các thương vụ ký kết mới của HDBank và VIB sẽ đóng góp tích cực cho doanh thu phí bảo hiểm qua kênh bancassurance trong năm 2023. 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm