Tài chính

Thách thức sống còn của các doanh nghiệp trăm năm Nhật Bản trong kỷ nguyên công nghệ

Nhật Bản bây giờ có lẽ không giống với bất cứ giai đoạn nào khác của lịch sử. Nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới đang đối mặt tình trạng dân số già đi nhanh chóng, lượng du khách nước ngoài tăng kỷ lục cùng số lượng robot xuất hiện nhiều hơn bao giờ hết. Trong khi đó, những bước tiến về công nghệ đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ, điều chưa bao giờ là thế mạnh của các doanh nghiệp tồn tại cả trăm năm ở xứ sở hoa anh đào.

Tsuen Tea nằm trên một góc phố, hướng ra con sông lớn cùng cây cầu ở vùng ngoại ô đìu hiu của Kyoto, cố đô Nhật Bản. Trong thành phố nổi tiếng với những ngôi đền này, không gian đó thực sự yên tĩnh để thưởng thức kem hoặc trà xanh.

Tuy nhiên, có một điều đặc biệt về Tsuen Tea. Nó được mở từ năm 1160 sau công nguyên và được cho là quán trà hoạt động liên tục lâu đời nhất thế giới. Người điều hành quán hiện nay là Yusuke Tsuen, 38 tuổi. “Chúng tôi chỉ tập trung vào trà và chưa bao giờ mở rộng mô hình kinh doanh quá lớn. Đó là lý do tại sao chúng tôi sống sót”, Tsuen nói.

Có lẽ, không quá ngạc nhiên khi quán trà 900 năm tuổi này vẫn tồn tại trong một thành phố vốn nổi tiếng với các nghề truyền thông thủ công. Điều đáng ngạc nhiên là Tsuen không hề đơn độc. Báo cáo năm 2008 cho thấy có 5.586 công ty có tuổi đời trên 200 năm ở 41 quốc gia và 56% trong số đó ở Nhật Bản.

Thách thức sống còn của các doanh nghiệp trăm năm Nhật Bản trong kỷ nguyên công nghệ - Ảnh 2.

Nghiên cứu năm 2019 của Teikoku Data Bank cho thấy có 33.000 doanh nghiệp trên 100 năm tuổi ở Nhật Bản. Khách sạn lâu đời nhất thế giới đã mở từ năm 705 ở Yamanashi. Nhà sản xuất bánh kẹo Ichimonjiya Wasuke đã bán đồ ngọt ở Kyoto từ năm 1000. Gã khổng lồ xây dựng Takenaka có trụ sở tại Osaka được thành lập vào năm 1610. Ngay cả những thương hiệu toàn cầu của Nhật Bản như Suntory và Nintendo cũng đã được ra đời từ những năm 1800.

Vậy điều gì đã tạo ra những doanh nghiệp trăm năm ở Nhật Bản? Và trong thời đại toàn cầu hóa với sự bùng nổ công nghệ hiện nay, liệu có sự mâu thuẫn một mất, một còn nào giữa truyền thống và hiện đại?

Giải mã sự trường tồn: Tôn trọng truyền thống

Giáo sư Yoshinori Hara của Đại học Kyoto, cho biết những doanh nghiệp trên 100 năm tuổi ở Nhật Bản thường được gọi là shinise – nghĩa đen là cửa hàng cũ.

Ông Hara, người từng làm việc ở Thung lũng Silicon trong một thập kỷ, nói rằng việc các công ty Nhật Bản chú trọng đến tính bền vững thay vì nhanh chóng tối đa hóa lợi nhuận là lý do chính giải thích tại sao nước này lại có nhiều doanh nghiệp trường tồn đến vậy.

“Ở Nhật Bản, vấn đề quan trọng hơn chính là làm sao để con, cháu tiếp tục thừa kế doanh nghiệp gia đình”, ông Hara nói. “Nếu không ai tiếp quản, sản nghiệp cha ông sẽ không còn tồn tại”.

Tsuen hiểu rõ hơn ai hết điều này. Anh cùng nhiều người bạn thời thơ ấu ở Kyoto được sinh ra với sứ mệnh chèo lái doanh nghiệp do chính gia đình điều hành suốt hàng thế kỷ. Đối với anh, tiếp quản công việc kinh doanh của gia đình giống như điều gì đó ngẫu nhiêu.

Thách thức sống còn của các doanh nghiệp trăm năm Nhật Bản trong kỷ nguyên công nghệ - Ảnh 3.

“Đó không phải sản nghiệp mà tôi bắt đầu. Tôi chỉ điều hành công việc kinh doanh mà tổ tiên để lại. Nếu không có ai tiếp quản, sản nghiệp của gia đình sẽ đi đến hồi kết. Ngay từ hồi mẫu giáo, khi bạn bè hỏi về dự định của tương lai, tôi chẳng có câu trả lời nào khác ngoài tiếp quản sản nghiệp gia đình như thể đó là lẽ đương nhiên”, Tsuen chia sẻ.

Ngoài ra, các thành phố và thị trấn của Nhật Bản đã tồn tại cả thế kỷ. Chính vì thế, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi Nhật Bản có nhiều doanh nghiệp lâu đời hơn so với thế giới. Tuy nhiên, đó không phải lý do chính. Innan Sasaki, trợ lý giáo sư tại trường kinh doanh của Đại học Warwick – người từng nhiều năm nghiên cứu về tuổi thọ của các doanh nghiệp Nhật Bản, nói rằng có những lý do khác đằng sau sự trường tồn ấy.

“Nhìn tổng quát hơn, chúng ta có thể nói rằng đó văn hóa tôn trọng truyền thống cha ông và cùng điều kiện thực tế rằng Nhật Bản là một quốc đảo và có sự tương tác tương đối hạn chế với các quốc gia khác”, bà Sasaki nói và cho biết mong muốn của người Nhật là tận dụng tối đa những gì họ có càng lâu càng tốt bằng cách duy trì các doanh nghiệp địa phương.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận nhiều shinise là những tên tuổi toàn cầu. Nintendo là một trong số đó. Doanh nghiệp này có trụ sở chính tại Kyoto, được thành lập năm 1989 và chuyên sản xuất thẻ chơi bài. Bây giờ, đó là một đế chế giải trí khổng lồ, với những trò chơi như Pokemon Go vẫn làm thế giới điên đảo.

Trong khi đó, để tồn tại hàng trăm năm, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản lựa chọn nhận nuôi những người kế nghiệp tiềm năng khi không ai trong gia đình chọn kế nghiệp. Đó chính là người sẽ lãnh đạo công ty và đảm bảo truyền thống được tiếp tục nuôi dưỡng. Ngay cả Suzuku Motor và Panasonic cũng đã làm điều tương tự.

Nâng cao kỹ năng và dịch vụ khách hàng

Ở Kyoto, có nhiều shinise khác nhau. Dù không lâu đời bằng Tsuen Tea nhưng lớn hơn nhiều, chẳng hạn như công ty trò chơi điện tử Nintendo. Nó nổi danh khắp thế giới nhờ khả năng cách mạng hóa ngành công nghiệp giải trí tại nhà với hệ thống trò chơi điện tử ra đời năm 1985.

Dù hầu hết mọi người đều không biết Nintendo đã tồn tại từ lâu trước đó nhưng thành công và sự trường tồn của nó một lần nữa cho thấy sự thích nghi tuyệt vời của các doanh nghiệp gia đình Nhật Bản.

Giáo sư Hara nhấn mạnh Nintendo chính là ví dụ tuyệt vời về một công ty, tồn tại gắn chặt với cái gọi là “năng lực cốt lõi”. Đó là khái niệm cơ bản đằng sau những gì mà một công ty tạo ra và giúp nó tồn tại, ngay cả khi môi trường công nghệ hoặc thế giới xung quanh thay đổi. Với Nintendo, đó chính là cách tạo ra niềm vui cho mọi người.

Thách thức sống còn của các doanh nghiệp trăm năm Nhật Bản trong kỷ nguyên công nghệ - Ảnh 4.

Một ví dụ khác được giáo sư Hara đưa ra chính là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kimono. Ngày càng có ít phụ nữ Nhật Bản mặc trang phục truyền thống và Hosoo, một nhà sản xuất kimono ra đời từ những năm 1688, đã mở rộng sang sản xuất sợi carbon cho các công ty vật liệu. Và năng lực cốt lõi để làm ra 2 mặt hàng này là giống nhau: Dệt 3D.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp lựa chọn phục vụ khách hàng là yếu tố cốt lõi giúp họ phát triển. Ryokan là ví dụ. Đây là các nhà trọ truyền thống của Nhật Bản, nơi coi khách hàng như gia đình. Họ sẽ làm mọi thứ để dự đoán nhu cầu khách hàng và đáp ứng điều đó.

Gia đình Akemi Nishimura đã điều hành Hiiragiya, một quán trọ ở Kyoto, trong sáu thế hệ. Họ tổ chức kỷ niệm 200 năm thành lập vào năm 2018. Trong quá khứ, họ từng tiếp đón những người nổi tiếng như Charlie Chaplin và Louis Vuitton. “Giao tiếp từ trái tim đến trái tim chính là phần tốt nhất của ryokan”, bà Nishimura nói.

Lật dở cuốn sổ 80 năm tuổi ghi chi tiết cách điều hành một ryokan, người chủ hiện tại của Hiiragiya cho biết nó có chứa mọi “bí quyết” từ những việc cần làm với khăn tay của khách cho tới những chi tiết khác. Và điều đó khiến họ trở thành một tổ chức ưu tú chứ không còn là một doanh nghiệp gia đình như thông thường.

Doanh nghiệp trăm năm: Tốt hay không cho sự đổi mới?

Tuy nhiên, sự ngưỡng mộ những doanh nghiệp trăm năm cũng có một nhược điểm, đặc biệt là khi nói đến bối cảnh khởi nghiệp của một quốc gia, vốn vẫn thường bị chỉ trích là bảo thủ và chậm đổi mới so với những nơi khác.

“Để nhận được sự chấp nhận của xã hội trong lĩnh vực khởi nghiệp là một thách thức. Truyền thống đó khiến doanh nghiệp mới không được chấp nhận như một cái tên tỏa sáng”, Mari Matsuzaki, 27 tuổi, làm việc trong một công ty khởi nghiệp ở Queue, Canada có trụ sở tại Tokyo, cho biết.

Thách thức sống còn của các doanh nghiệp trăm năm Nhật Bản trong kỷ nguyên công nghệ - Ảnh 5.

Matsuzaki cho biết cô là người hiếm hoi trong số các bạn cùng trang lứa quyết định tham gia một công ty khởi nghiệp. Ở nhiều nước khác, thất bại rõ ràng cũng là kinh nghiệm quý báu. Tuy nhiên, ở Nhật Bản, mọi người phải thực sự chiến đấu để vượt qua những ám ảnh mà việc thất bại mang lại.

Michael Cusumano, giảng viên Viện Công nghệ Massachusetts, người dẫn đầu các sáng kiến đổi mới và khởi nghiệp tại Đại học Khoa học Tokyo từ năm 2016 đến 2017, đồng ý với điều đó. Thời gian 8 năm sống và làm việc ở Nhật Bản cho ông những trải nghiệm chân thực.

“Đóng cửa hay bán một công ty cũng được coi là điều gì đó thất bại và đáng xấu hổ ở Nhật Bản. Cảm giác này thường trở đi trở lại. Văn hóa và nền kinh tế Nhật Bản không linh hoạt và cởi mở như ở Mỹ nên việc tạo ra các doanh nghiệp lớn ở Nhật cũng không dễ dàng như ở Mỹ. Người Nhật còn có xu hướng bảo tồn những gì họ có”, Cusumano nói.

Tuy nhiên, điều đó cũng không có nghĩa các doanh nghiệp trăm năm có “kim bài miễn tử”. Kongo Gumi, một công ty xây dựng được thành lập vào năm 578, đã tồn tại 1.400 năm, bị giải thể năm 2006 do nợ nần. Chính những sự sụp đổ đáng tiếc nuối đó khiến Matsuzaki tin rằng cần có sự kết hợp thế mạnh của cả 2 hình thức này.

“Chìa khóa là thúc đẩy sức mạnh tổng hợp giữa các công ty khởi nghiệp sáng tạo và những doanh nghiệp trăm năm. Sức bền của shinise về nguồn lực, danh tiếng và mạng lưới sẽ là sự bổ trợ hoàn hảo cho những doanh nghiệp mới vươn lên. Trong khi đó, khả năng quyết định nhanh chóng và sự linh hoạt của các công ty khởi nghiệp sẽ giúp ích lớn cho shinise”, Matsuzaki chia sẻ.

Tuy nhiên, không phải mọi người đều chia sẻ tầm nhìn đó. Tsuen nghĩ rằng mình được sinh ra là định mệnh và sẽ tiếp tục kinh doanh theo cách mà tổ tiên đã làm.

Tham khảo: BBC

Cùng chuyên mục

Đọc thêm