Dinh dưỡng

Thắc mắc thường gặp về viêm phổi do phế cầu

Tóm tắt:
  • Viêm phổi do phế cầu nguy hiểm, có thể gây biến chứng nặng nếu không điều trị kịp thời.
  • Trẻ dưới 5 tuổi, người già và người bệnh nền có nguy cơ mắc cao hơn.
  • Bệnh lây qua giọt bắn khi ho, hắt hơi, nói chuyện gần.
  • Điều trị đúng lúc có thể khỏi, nếu trễ có thể để lại di chứng lâu dài.
  • Cần khám khi ho kéo dài, sốt cao, khó thở, đau ngực hoặc có dấu hiệu nghi ngờ khác.

Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Ngân, khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, viêm phổi do phế cầu khuẩn được xếp vào nhóm bệnh hô hấp có mức độ nguy hiểm cao. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển nhanh, gây ra nhiều biến chứng nặng như tràn dịch màng phổi, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, suy hô hấp cấp. Ở trẻ nhỏ, người già, người có bệnh nền, mức độ nguy hiểm càng tăng cao. Bác sĩ Ngân giải đáp một số thắc mắc thường gặp để mọi người có thể phòng tránh hoặc phát hiện bệnh sớm.

Ai dễ mắc bệnh?

Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng một số nhóm người có nguy cơ cao hơn gồm trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, nhất là trẻ sơ sinh do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện hoặc chưa được tiêm vaccine phòng bệnh, người già trên 65 tuổi vì hệ miễn dịch suy giảm theo tuổi tác. Người có bệnh nền mạn tính như bệnh phổi, tim mạch, tiểu đường, ung thư cũng dễ mắc bệnh hơn người bình thường. Bệnh còn có thể gặp ở người có thói quen sống không lành mạnh như hút thuốc lá, nghiện rượu.

Bác sĩ Ngân kiểm tra sức khỏe cho người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.

Bác sĩ Ngân kiểm tra sức khỏe cho người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.

Bệnh lây qua đường nào?

Viêm phổi do vi khuẩn phế cầu có thể lây qua đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện gần. Vi khuẩn phế cầu tồn tại trong dịch tiết mũi, họng và có thể phát tán qua các giọt bắn nhỏ. Tuy nhiên, không phải ai tiếp xúc với người nhiễm cũng đều mắc bệnh, mức độ lây lan còn phụ thuộc vào sức đề kháng của người tiếp xúc và mức độ tiếp xúc với nguồn lây. Vì vậy, bác sĩ Ngân khuyến cáo mọi người đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên sau khi đến ở nơi đông người hoặc khi giao tiếp với người có triệu chứng bệnh hô hấp.

Có thể chữa khỏi bệnh không?

Người bệnh có thể khỏi hoàn toàn khi được điều trị đúng và kịp thời. Phác đồ điều trị thường bao gồm sử dụng kháng sinh phù hợp kết hợp với điều trị triệu chứng và hỗ trợ hô hấp nếu cần. Nếu phát hiện bệnh trễ hoặc điều trị không hiệu quả có thể để lại di chứng lâu dài như tổn thương mô phổi suy giảm chức năng hô hấp, nhất là ở trẻ nhỏ. Mặt khác, người từng mắc bệnh có khả năng tái nhiễm sau điều trị khi không thực hiện đúng theo hướng dẫn dự phòng tái phát của bác sĩ hoặc thuộc nhóm nguy cơ cao, chưa tiêm phòng.

Khi nào cần đi khám?

Người bệnh cần đến cơ sở y tế khám khi có các triệu chứng nghi ngờ như ho kéo dài, ho ra nhiều đờm hoặc máu, sốt cao, khó thở, đau ngực khi thở sâu. Ở trẻ nhỏ, dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm là bỏ bú, quấy khóc bất thường. Người lớn tuổi bị viêm phổi do phế cầu thường mệt mỏi nhiều, rối loạn ý thức. Người mắc bệnh nền hoặc hệ miễn dịch yếu nên đi khám sớm dù triệu chứng nhẹ, vì bệnh có thể tiến triển nhanh hơn bình thường.

Độc giả đặt câu hỏi bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp

Các tin khác

Sân bay Long Thành ‘đã thức giấc sau nhiều năm ngủ yên’

Đến nay, cả nước đã hoàn thành được 2.268 km cao tốc và dự kiến đến cuối năm hoàn thành thêm 800 km. Đáng chú ý, sân bay Long Thành "đã thức giấc sau nhiều năm ngủ yên", đường kết nối sân bay Long Thành được tích cực triển khai.

Siết quản lý tài sản ảo, tài sản mã hóa

Việc bổ sung các khái niệm, phân loại cụ thể tài sản ảo, tài sản mã hóa, tiền mã hóa… và có quy định về cung ứng các dịch vụ liên quan, nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chống gian lận, lừa đảo, rửa tiền, tài trợ khủng bố.

Nhiều cổ đông ‘trúng’ đậm

Nhiều doanh nghiệp đã chi hàng ngàn tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ từ 20-300%. Chưa kể, sắp tới còn nhận thêm đợt cổ tức bằng tiền.