Xã hội

3 trụ cột chiến lược đổi mới toàn diện hoạt động khoa học, công nghệ

Tóm tắt:
  • Bộ Nông nghiệp và Môi trường xác định 3 trụ cột đổi mới khoa học, công nghệ gồm thể chế hóa, tháo gỡ vướng mắc, thu hút nguồn lực ngoài ngân sách.
  • Hiện có chậm trễ trong đổi mới thể chế, thủ tục hành chính kéo dài khiến đề tài nghiên cứu mất hiệu quả.
  • Nguồn lực phân bổ lệch pha, chi phí hành chính chiếm phần lớn, gây lãng phí và giảm hiệu quả nghiên cứu.
  • Đầu tư khoa học công nghệ manh mún, dàn trải, nhiều phòng thí nghiệm thiếu kinh phí duy trì hoạt động.
  • Các doanh nghiệp lớn ký kết hợp tác với Bộ để phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.

Đó là bất cập được ông Nguyễn Văn Long, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, chia sẻ tại Hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, do Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức ngày 10.5, tại Bắc Ninh.

54% ngân sách để nuôi 'bộ máy' làm suy yếu nghiên cứu khoa học công nghệ - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cùng lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Ninh tham quan trưng bày sản phẩm khoa học, công nghệ bên lề hội nghị

ẢNH: KHƯƠNG TRUNG

 5 - 6 năm mới duyệt đề tài, lãng phí đầu tư

Ông Nguyễn Văn Long cho rằng, một trong những vấn đề nhức nhối hiện nay là sự chậm trễ trong đổi mới thể chế. Các quy định hiện hành, đặc biệt là cơ chế trọng dụng nhân tài đang thiếu đi sự linh hoạt cần thiết khiến việc thu hút và giữ chân đội ngũ nhà khoa học trình độ cao trở nên vô cùng khó khăn. Đây là nguyên nhân khiến việc xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, vốn là nền tảng cho mọi đột phá khoa học gặp nhiều trở ngại.

Ngành nông nghiệp và môi trường đang sở hữu lực lượng hùng hậu với hơn 11.400 nhà khoa học, cùng với mạng lưới 21 tổ chức nghiên cứu và quỹ đất rộng lớn hơn 16.000 ha nhưng hiệu quả khai thác vẫn còn rất hạn chế. Nguyên nhân sâu xa nằm ở việc thiếu vắng các chính sách đãi ngộ cụ thể, mang tính cạnh tranh và khuyến khích đổi mới sáng tạo.

Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ chỉ rõ bất cập "lệch pha", bất hợp lý trong phân bổ nguồn lực. Theo ông Long, ở cấp địa phương, ngân sách cho khoa học, công nghệ có thể chiếm tới 2% tổng chi nhưng thiếu vắng đội ngũ cán bộ có đủ năng lực để triển khai các hoạt động nghiên cứu. Còn ở cấp T.Ư, nơi tập trung nhiều nhà khoa học đầu ngành, lại thường xuyên rơi vào tình trạng thiếu kinh phí để thực hiện các dự án nghiên cứu tiềm năng.

54% ngân sách nuôi 'bộ máy' làm suy yếu nghiên cứu khoa học công nghệ - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Long chia sẻ về những bất cập, định hướng phát triển khoa học, công nghệ ngành nông nghiệp và môi trường

ẢNH: KHƯƠNG TRUNG

Bên cạnh đó, thủ tục hành chính đang là rào cản lớn nhất. Để một đề tài, nhiệm vụ khoa học được phê duyệt và triển khai có khi mất tới 5 - 6 năm, thì đến khi kết quả nghiên cứu ra đời đã không còn phù hợp với thực tế, làm chậm nhịp độ chuyển giao công nghệ vào sản xuất và gây ra sự lãng phí nguồn lực đầu tư.

Đầu tư manh mún, dàn trải

Vụ trưởng Nguyễn Văn Long chỉ ra một thực tế đáng lo ngại, chỉ khoảng 46% tổng kinh phí phân bổ cho các đơn vị được chi trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu. Phần còn lại phải "gánh" chi phí duy trì bộ máy, lương thưởng và các hoạt động hành chính. 

"Việc phần lớn ngân sách chi cho bộ máy quản lý, hành chính... đã làm suy yếu đáng kể khả năng tạo ra những sản phẩm nghiên cứu có giá trị thương mại hoặc ứng dụng thực tiễn, vốn là mục tiêu cuối cùng của hoạt động khoa học, công nghệ", ông Long nói.

54% ngân sách nuôi 'bộ máy' làm suy yếu nghiên cứu khoa học công nghệ - Ảnh 2.

Các doanh nghiệp, tập đoàn ký cam kết triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ cùng Bộ Nông nghiệp và Môi trường

ẢNH: KHƯƠNG TRUNG

Bên cạnh đó, đầu tư cho khoa học, công nghệ hiện nay còn manh mún, chia nhỏ, dàn trải theo từng giai đoạn, gây ra nhiều hệ lụy. Nhiều đơn vị được trang bị thiết bị hiện đại nhưng lại thiếu người vận hành hoặc có phòng thí nghiệm nhưng không đủ kinh phí để duy trì hoạt động thường xuyên.

"Nhiều phòng thí nghiệm trọng điểm trong ngành chỉ được cấp khoảng 3,5 tỉ đồng mỗi năm, chỉ đủ để duy trì các hoạt động cơ bản", ông Long nói.

Đổi mới toàn diện hoạt động khoa học, công nghệ

Để khắc phục bất cập nói trên, ông Long thông tin, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã kiến nghị Chính phủ xem xét chuyển giao quyền quản lý một số chương trình khoa học, công nghệ quốc gia về các bộ chuyên ngành, để đảm bảo sự chủ động, linh hoạt và hiệu quả hơn trong quá trình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, đáp ứng sát hơn nhu cầu thực tiễn.

Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Môi trường xác định 3 trụ cột chiến lược đổi mới toàn diện hoạt động khoa học, công nghệ trong thời gian tới.

Thứ nhất là thể chế hóa các cơ chế đặc thù, xây dựng hành lang pháp lý linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu và trọng dụng nhân tài. 

Thứ hai là tháo gỡ vướng mắc nội tại, phát huy tiềm năng, giải quyết các vấn đề về phân bổ nguồn lực, cơ cấu chi tiêu và thủ tục hành chính. 

Thứ ba là thu hút nguồn lực ngoài ngân sách, tăng cường hợp tác với các thành phần kinh tế khác để đa dạng hóa nguồn đầu tư cho khoa học, công nghệ.

GS-TS Nguyễn Việt Anh, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật môi trường (Trường đại học Xây dựng Hà Nội), kiến nghị Nhà nước cần phát triển các chương trình khoa học, công nghệ quy mô lớn, mang tính liên ngành và hệ thống, đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia nhằm tránh chồng chéo và tăng hiệu quả ứng dụng thực tiễn.

Tại hội nghị, lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp lớn như: Công ty cổ phần Tập đoàn PAN, Tập đoàn Dabaco, Tập đoàn MASAN, Trường đại học VinUni, Công ty cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam... đã cam kết ký kết phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học trong xây dựng phát triển chuỗi giá trị lúa gạo, thực phẩm bền vững; phát triển ngành tôm, giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao; ứng dụng khoa học, công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong ngành chăn nuôi, thủy sản...

Các tin khác

Siết quản lý tài sản ảo, tài sản mã hóa

Việc bổ sung các khái niệm, phân loại cụ thể tài sản ảo, tài sản mã hóa, tiền mã hóa… và có quy định về cung ứng các dịch vụ liên quan, nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chống gian lận, lừa đảo, rửa tiền, tài trợ khủng bố.

Nhiều cổ đông ‘trúng’ đậm

Nhiều doanh nghiệp đã chi hàng ngàn tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ từ 20-300%. Chưa kể, sắp tới còn nhận thêm đợt cổ tức bằng tiền.

Làm sao biết phổi đang lão hóa?

Phổi lão hóa có thể khiến các cơ xung quanh suy yếu và giảm dung tích, gây ra các triệu chứng đặc trưng có thể nhận biết khi thực hiện các hoạt động thường ngày.

Ngân hàng tức tốc ‘bơm’ vốn

Nhóm khách hàng cá nhân nhu cầu vay vốn đang phục hồi rõ rệt nhờ thị trường bất động sản khu vực phía Nam khởi sắc trở lại. Phân khúc doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng cho thấy tín hiệu tăng trưởng tích cực về nhu cầu tín dụng.