Khái niệm sự tha thứ độc hại được nhà trị liệu tâm lý Nedra Tawwab (North Corolina, Mỹ) định nghĩa là việc một người "giả vờ quên đi những tình huống mà họ bị đối xử tệ bạc và đồng ý tha thứ".
Robert Enright, giáo sư tại Khoa Tâm lý Giáo dục tại Đại học Wisconsin-Madison, Mỹ cho rằng sự tha thứ độc hại là "sự hiểu lầm về việc tha thứ cho người khác thực sự là như thế nào".
Nhà trị liệu người Mỹ Andrea Brognano cho biết, sự tha thứ độc hại có thể được chọn lựa khi ai đó muốn giữ hòa bình, tránh xung đột, hoặc đơn giản là vì họ cảm thấy mình phải tha thứ và quên đi. Đó là sự đồng ý tha thứ cho một người mặc dù đối phương không thừa nhận hành vi gây tổn thương hoặc họ không thực sự xin lỗi.
Mặc dù sự tha thứ đồng nghĩa với việc bạn muốn bỏ lại trải nghiệm đau đớn sau lưng nhưng việc không trải qua quá trình thay đổi tâm lý thực sự có nghĩa là bạn đang không đối mặt với nỗi đau một cách đúng đắn. Điều này có thể gây chấn thương, làm xói mòn sức khỏe tinh thần của bạn.
Tại sao "Sự tha thứ độc hại" không thực sự là sự tha thứ?
Thông thường, chúng ta tha thứ cho ai đó để giữ hòa khí hoặc để tránh xung đột thêm nữa. Tuy nhiên, Enright, người đã nghiên cứu về sự tha thứ trong gần 40 năm, nói rằng làm như vậy là "sự xoa dịu hơn là sự tha thứ". Theo ông, thứ được mô tả là sự tha thứ độc hại là chính là bỏ qua những gì đã xảy ra để người kia không tức giận. Sự tha thứ này không liên quan gì đến việc bỏ qua lỗi lầm của đối phương.
Trong khi đó, tha thứ thực sự chính là loại bỏ sự oán giận đối với người khác và mang đến điều gì đó tốt đẹp, chẳng hạn như lòng trắc ẩn hoặc lòng tốt. Enright nhấn mạnh rằng sự tha thứ tập trung vào con người chứ không phải tập trung vào tình huống. Tha thứ không nhất thiết có nghĩa là bạn sẽ hòa giải với đối phương. Bạn có thể không nhận được lời xin lỗi từ người kia nhưng học cách đối phó với tình huống và nhìn nhận nó theo một khía cạnh khác.
Tác hại của sự tha thứ độc hại
Khi bạn đồng ý tha thứ cho ai đó chỉ vì bạn cảm thấy mình nên làm như vậy, điều đó có hại cho sức khỏe tinh thần và các mối quan hệ của bạn.
Brognano cho rằng, bạn tự gây đau đớn cho chính mình và ôm giữ những cảm xúc mà bạn chưa chấp nhận được. Mỗi lần điều này xảy ra, bạn đang thêm nhiệt vào nồi nước đang sôi, bạn đẩy lùi sự bình an nội tâm trong chính mình. Bạn cũng có thể cảm thấy mình không có khả năng nói ra suy nghĩ của bản thân khi bị áp lực phải tha thứ.
Bị tổn thương sâu sắc bởi ai đó có thể gây ra chấn thương tâm lý và sự tức giận, dẫn đến trầm cảm và lo lắng. Điều này cũng có thể làm giảm bớt lòng tự trọng, bởi bạn có xu hướng nghĩ mình vô giá trị khi bị đối xử bất công.
Làm thế nào để thực sự tha thứ cho ai đó?
Sự tha thứ thực sự cần có thời gian và là cả một quá trình. Điều đó liên quan đến việc loại bỏ sự oán giận và cung cấp những giá trị tích cực. Bạn nên tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia sức khỏe tâm thần nếu nỗi đau tinh thần đang cản trở hoạt động hàng ngày, khiến bạn lo lắng và trầm cảm. Bạn cũng có thể hướng tới những bước sau:
Nhận diện sự tổn thương
Sự phủ nhận là điều phổ biến khi bạn bị tổn thương, đặc biệt khi nó liên quan đến người mà bạn yêu quý. Tuy nhiên, Enright nói rằng việc nhận ra bản thân đã bị đối xử bất công là bước quan trọng đầu tiên để có thể tha thứ.
Quyết định xem bạn có muốn tha thứ không
Lựa chọn tha thứ và hiểu ý nghĩa của sự tha thứ sẽ giúp bạn đi đúng hướng. Điều quan trọng, bạn cần chấp nhận rằng mình không bào chữa hoặc quên đi những gì đã xảy ra hoặc nhất thiết phải cố gắng hòa giải với ai đó.
Điều chỉnh cách nghĩ về người khác
Khi bị đối xử tệ bạc, bạn thường đánh giá đối tượng đã đối xử tệ với bạn một cách thiếu khách quan. Trong khi đó, tha thứ thực sự là cố gắng nhìn đối phương theo những cách khác nhau. Điều đó còn có nghĩa là cố gắng nhận ra những vết thương và suy nghĩ của đối tượng đó. Mở rộng lòng trắc ẩn, không ném nỗi đau của mình cho người khác... là cách để bạn nhìn nhận cảm xúc của mình độ lượng hơn.
Thể hiện lòng tốt với người khác
Trong một số trường hợp, cống hiến cho người khác vì lợi ích của họ sẽ giúp bạn chữa lành vết thương. "Món quà" này có thể là một cuộc gọi điện thoại hoặc email, một lá thư... Enright giải thích: "Nghịch lý là, khi bạn bắt đầu cống hiến cho người khác, bạn bắt đầu được chữa lành khỏi sự tức giận, lo lắng, trầm cảm, tuyệt vọng, căm ghét chính mình... ".
(Theo Yahoo)