Tài chính

Kinh tế Nga "sống sót qua năm 2022": Nhiều ngành phá kỉ lục, lội ngược dòng ngoạn mục nhưng rủi ro đang "nguy hiểm hơn bao giờ hết"?

Kinh tế Nga trong năm 2022

Theo Moscow Times, trong khi nhiều nhà phân tích và nhà quan sát dự đoán nền kinh tế Nga sẽ sụp đổ do hậu quả của xung đột và hàng loạt lệnh trừng phạt của phương Tây, thì quốc gia này vẫn tỏ ra kiên cường "một cách đáng ngạc nhiên" trong năm 2022.

Người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Nga cho biết vào tháng 12 rằng GDP của Nga sẽ chỉ giảm 3% vào năm 2022, trong khi Tổng thống Vladimir Putin dự đoán mức giảm 2,5%.

Nhà kinh tế học Janis Kluge thuộc Viện Các vấn đề An ninh và Quốc tế (SWP) của Đức nói với The Moscow Times: "Nền kinh tế Nga đã sống sót qua năm 2022. Nhưng chúng tôi chưa thể nói rằng nền kinh tế sống sót qua các lệnh trừng phạt vì chúng vẫn đang diễn ra."

Các nhà kinh tế như Kluge cảnh báo rằng, đằng sau những số liệu thống kê cuối năm có vẻ tích cực, có rất nhiều dấu hiệu của thời kỳ đen tối phía trước. Và ngay cả những con số GDP cũng không "màu hồng" như công bố.

Cụ thể, GDP của Nga trong năm 2022 được tính cả tháng 1 và tháng 2, thời điểm trước khi xung đột xảy ra. Trong khoảng thời gian này, GDP của Nga vẫn ổn định và được dự kiến sẽ tăng trưởng 3%.

Nhà kinh tế học Oleg Itskhoki cho biết, ngay cả mức giảm 3% cũng là một "cuộc suy thoái nghiêm trọng do tất cả các nền kinh tế thế giới dự kiến sẽ tăng trưởng 3% hoặc 4% sau đại dịch COVID-19".

Theo Kluge, trước xung đột, nền kinh tế Nga dự kiến sẽ tăng trưởng tới 4% trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 12. Thay vào đó, nó đã giảm tới 6%.

Kinh tế Nga sống sót qua năm 2022: Nhiều ngành phá kỉ lục, lội ngược dòng ngoạn mục nhưng rủi ro đang nguy hiểm hơn bao giờ hết? - Ảnh 1.

Điều này có nghĩa là các biện pháp trừng phạt của phương Tây "về cơ bản đã làm giảm 10% nền kinh tế Nga", ông nói. Để so sánh, GDP của Nga đã giảm 7,8% trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2009.

Bất chấp những thiệt hại kinh tế to lớn, các chuyên gia vẫn không đồng ý về cách Nga xoay xở để tránh một cuộc suy thoái kinh tế lớn hơn.

Theo các nhà kinh tế được hãng truyền thông Meduza phỏng vấn, nhiều dự đoán về "ngày tận thế đối với nền kinh tế Nga" được dựa trên các giả định rằng nước này sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng ngân hàng. Tuy nhiên, không có cuộc khủng hoảng ngân hàng nào xảy ra.

Nền kinh tế Nga cũng được hỗ trợ bởi doanh thu kỷ lục từ ngành năng lượng khi giá cả hàng hóa, bao gồm cả dầu mỏ và khí đốt, tăng vọt sau xung đột.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch có trụ sở tại Phần Lan, Nga đã thu về khoảng 158 tỷ USD từ xuất khẩu năng lượng trong 6 tháng đầu tiên sau khi bắt đầu chiến dịch đặc biệt.

Trong tháng 3 và tháng 4, Nga thậm chí còn lập kỷ lục mới về doanh thu từ dầu khí.

Nhưng phương Tây đang ngày càng tập trung vào việc cắt giảm ngành huyết mạch này của Nga - và Liên minh châu Âu vào tháng trước đã cấm vận chuyển dầu thô của Nga bằng đường biển và áp đặt trần giá dầu.

Rủi ro tiềm tàng

Xuất khẩu dầu hàng hải của Nga đã giảm 22% trong tháng 12 sau khi lệnh cấm vận được áp dụng, theo số liệu từ công ty dữ liệu hàng hóa Kpler được trích dẫn bởi The Wall Street Journal.

Kruge cho biết: "Nga đang bước vào năm mới mà không có tấm đệm kinh tế này, không có thị trường châu Âu để xuất khẩu khí đốt, với giá dầu thấp hơn nhiều và khối lượng xuất khẩu dầu thấp hơn. Đây sẽ là một vấn đề lớn."

Xuất khẩu dầu và khí đốt giảm dự kiến sẽ làm suy yếu đồng tiền của Nga - và đồng rúp đã mất giá 13% so với đồng đô la Mỹ kể từ khi áp đặt trần giá.

Theo Kruge, xu hướng này có thể sẽ tiếp tục.

Nhà kinh tế của SWP cho biết: "Đồng rúp sẽ suy yếu và dẫn đến lạm phát cao hơn ở Nga. Điều này cũng đang trở thành một vấn đề chính trị".

Lạm phát hàng năm ở Nga năm ngoái dự kiến sẽ đạt 12%.

Những hậu quả khác của xung đột, bao gồm việc hơn 1.000 công ty nước ngoài phải rời bỏ nước này và các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với hàng xuất khẩu sang Nga, cũng có thể có tác động lâu dài.

"Nhiều công ty sẽ mất khả năng tiếp cận với công nghệ, phần mềm và máy móc của phương Tây", nhà kinh tế học Kruge cho biết. "Điều này giống như sự bào mòn đối với năng suất lao động."

Tuy nhiên, các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế Nga lại có kết quả rất khác nhau, với một số bị ảnh hưởng nặng nề - trong khi những lĩnh vực khác phát triển mạnh.

Một trong những ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất là sản xuất ô tô, với doanh số bán ô tô của Nga dự kiến kết thúc vào năm 2022 là 660.000 chiếc - giảm 60% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặt khác, năm 2022 là một năm thành công của ngành nông nghiệp, được dự đoán sẽ ghi nhận mức tăng trưởng chung ít nhất 4%.

Andrey Sizov, giám đốc điều hành của SovEcon, một công ty nghiên cứu nông nghiệp tập trung vào khu vực Biển Đen, cho biết ngành nông nghiệp của Nga vào năm 2022 sẽ "là điểm sáng nhất của nền kinh tế Nga đang suy thoái".

Kết quả bội thu cho nông dân Nga được củng cố bởi điều kiện thời tiết gần như hoàn hảo, nhưng ông Sizov cảnh báo năm 2022 có thể là một ngoại lệ.

"Trong vòng 3 đến 5 năm tới, chúng ta sẽ thấy sự đình trệ trong lĩnh vực trồng trọt và thậm chí sản lượng sẽ bị giảm mạnh trừ khi có điều gì đó thay đổi," Sizov nói với The Moscow Times.

Sự suy giảm chậm và liên tục như vậy trong những năm tới dường như sẽ mở rộng ở các mức độ khác nhau trên toàn bộ nền kinh tế Nga.

Nhà kinh tế Itskhoki cho rằng nền kinh tế Nga sẽ giảm tới 5% vào năm 2023, trong khi những người khác tin rằng mức giảm sẽ còn lớn hơn.

Nhà kinh tế trưởng của Alfa Bank, Natalia Orlova, đã nói rằng kinh tế Nga sẽ giảm 6,5% do nhu cầu của người tiêu dùng giảm, đầu tư thấp hơn và mất tiềm năng xuất khẩu.

Nhưng sự không chắc chắn về chính trị và tính không thể đoán trước của các sự kiện quân sự ở Ukraine có nghĩa là bất kỳ dự đoán nào cũng có thể sẽ thay đổi bất cứ lúc nào.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm