Dưới đây là một số những cách ứng xử, phát ngôn cha mẹ nên tránh khi con được nhận tiền mừng tuổi.
Con còn nhỏ không biết tiêu tiền, để bố mẹ cầm cho
Nhiều bố mẹ thấy con được người khác mừng tuổi thường nói "Con không biết tiêu tiền để bố mẹ giữ cho''. Câu nói xuất phát từ lo lắng của cha mẹ rằng con còn nhỏ, có thể sử dụng tiền một cách tùy tiện hoặc bất cẩn làm mất. Tuy nhiên, nói như vậy có thể làm tổn thương trái tim trẻ nhỏ và dán nhãn "con không quản lý được tiền".
Đứa trẻ thường nảy sinh hai cảm xúc tiêu cực. Nổi loạn vì nghĩ mình bị cha mẹ tước đoạt quyền lực tài chính hoặc thất vọng vì không được tôn trọng do bị cha mẹ trực tiếp phủ nhận khả năng quản lý tài chính.
Với con trẻ, kỹ năng quản lý tài chính cần được trau dồi ngay từ nhỏ. Thay vì kiểm soát tiền, cha mẹ nên dạy con cách phân bổ tiền một cách khoa học, hợp lý.
Nhận tiền mừng tuổi là con phải ngoan ngoãn, lễ phép nhé
Cơ chế khen thưởng này tưởng hiệu quả nhưng về lâu dài sẽ không tốt cho trẻ. Đầu tiên, cha mẹ cho con một gợi ý: mọi thứ mình làm đều có mục đích. Sự vâng lời, ngoan ngoãn của mình là để được thưởng, chứ không phải trong lòng chúng nghĩ cần phải thế.
Nếu dạy theo kiểu này, theo thời gian, trẻ dần hình thành chủ nghĩa thực dụng, ham vật chất và hành động theo sự điều khiển của tiền.
Nói như vậy là cha mẹ cũng đang ám chỉ với con rằng tình yêu họ dành cho con là tình yêu có điều kiện, "con ngoan ngoãn, lễ phép, chăm chỉ học hành thì sẽ thưởng". Trẻ cảm thấy rằng mình chỉ có thể được yêu thương khi ngoan ngoãn và học giỏi.
Các chuyên gia cho rằng bản thân tiền mừng tuổi là lời chúc tốt đẹp của người lớn đến trẻ nhỏ, không phải công cụ giáo dục và so sánh vật chất. Khi mừng tuổi cho con, hãy quay về với bản chất của nó, là tấm lòng yêu thương con trẻ. Như vậy, không chỉ trẻ không bị tổn thương, mà người lớn cũng không quá nặng nề về khoản tiền nên mừng nhiều hay ít.
Xử lý tiền mừng tuổi của con thế nào cho đúng?
Nếu đứa trẻ còn nhỏ, bạn có thể đến ngân hàng để mở một tài khoản đặc biệt. Cha mẹ cất giữ số tiền mừng tuổi hàng năm của con để làm quỹ giáo dục tương lai.
Nếu con đã 7, 8 tuổi và hoàn toàn có khả năng kiểm soát tiền của mình, cha mẹ cũng có thể dạy con cách quản lý tiền, rồi yên tâm để con tự quyết định.
(Theo 163. com)