Thời sự

Biến thể phụ XBB của Omicron mới được phát hiện tại TP HCM có nguy hiểm?

Sáng 5-1, liên quan đến thông tin tại TP HCM xuất hiện biến thể phụ XBB của Omicron, PGS-TS Đỗ Văn Dũng – Trưởng Khoa Y tế công cộng, Trường ĐH Y dược TP HCM - đã có chia sẻ với Báo Người Lao Động xung quanh vấn đề này.

Phân tích về biến thể này, ông Dũng cho rằng XBB thuộc biến chủng Omicron xuất hiện từ việc tái tổ hợp của các biến chủng phụ BA.2.10.1 và BA.2.75 (XBB có hàm ý đó là sự bắt chéo – X – của các biến chủng phụ B – cụ thể là BA.2.10.1 và BA.2.75).

Biến chủng phụ XBB đã được phát hiện trên 35 quốc gia từ đầu tháng 10-2022. Các nghiên cứu ban đầu cho thấy biến chủng phụ này không làm tăng độc lực của virus nhưng có khả năng lẩn tránh miễn dịch một phần. Vì vậy, các biến chủng phụ này làm tăng nguy cơ tái nhiễm COVID-19 ở người đã từng nhiễm với các biến chủng COVID-19 cũ. Tuy nhiên, có thể sẽ không gia tăng nguy cơ tái nhiễm ở người đã bị nhiễm các biến chủng Omicron.

Biến thể phụ XBB của Omicron mới được phát hiện tại TP HCM có nguy hiểm? - Ảnh 1.

Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM

PGS-TS Đỗ Văn Dũng cho biết thêm các vắc-xin COVID-19 hiện có vẫn có bảo vệ không bị chuyển nặng hay tử vong ở các bệnh nhân bị nhiễm biến chủng phụ XBB. Dù các biến chủng phụ XBB có hiện tượng lẩn tránh miễn dịch nhưng khả năng xâm nhập vào tế bào bị kém hơn. Do đó, khả năng lây lan của biến chủng phụ XBB bị giảm hơn so với các biến chủng Omicron khác.

Thông tin thêm, PGS-TS Đỗ Văn Dũng cho hay gần đây, tại Mỹ đã xuất hiện biến thể phụ XBB.1.5. Đây là biến thể phụ XBB có đột biến F486P khiến vi rút gia tăng khả năng xâm nhập tế bào nên làm tăng khả năng lây lan của COVID-19. Vì vậy, XBB.1.5. có khả năng lây lan nhanh và tính đến đầu năm 2023 ở Mỹ, 40% các trường hợp COVID-19 là do XBB.1.5.

"Một điều giúp chúng ta có thể yên tâm là dù biến chủng phụ này có khả năng lây lan nhanh hơn nhưng các vắc-xin COVID-19 hiện có vẫn có khả năng bảo vệ không bị chuyển nặng hay tử vong ở các bệnh nhân bị nhiễm biến chủng XBB" – ông Dũng nói.

Qua báo cáo từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM cho biết đã có sự xuất hiện của biến thể phụ XBB tại TP với tỉ lệ khoảng 6%. PGS-TS Đỗ Văn Dũng lý giải thêm, biến thể này từ sự tái tổ hợp của các biến thể phụ BA.2.10.1 và BA.2.75. Tuy nhiên, chưa giải trình tự đầy đủ nên chưa thông báo là biến chủng phụ được phát hiện có mang đột biến F486P hay không. "Như vậy, chúng ta chưa rõ có phải là biến thể phụ XBB.1.5 đáng e ngại hay chỉ là các biến chủng phụ XBB cũ ít lo ngại hơn. Bên cạnh đó, nếu XBB.1.5 vẫn tiếp tục duy trì khả năng lây lan thì việc xâm nhập Việt Nam chỉ là vấn đề thời gian mà thôi" – ông Dũng nhận định.

Để đối phó với biến chủng phụ XBB.1.5, PGS-TS Đỗ Văn Dũng cho rằng những biện pháp phòng chống dịch COVID-19 đã được khuyến cáo từ trước là quan trọng. Các biện pháp bao gồm: đeo khẩu trang ở nơi công cộng; rửa tay thường xuyên; không tụ tập đông người nếu không cần thiết; tiêm chủng vắc-xin COVID-19 theo khuyến cáo của ngành y tế. Đồng thời, theo dõi tự phát hiện và xét nghiệm COVID-19, đặc biệt ở người có nguy cơ bệnh tiến triển nặng, để có thể tự cách ly và được điều trị với thuốc kháng virus.

"Tóm lại, ở Việt Nam đã có biến thể phụ XBB nhưng chưa rõ virus này có phải là XBB.1.5 hay không. Nếu chỉ là XBB chưa có đột biến F486P thì sẽ không có gia tăng đáng kể số người mắc (bởi vì nó có thể trốn tránh miễn dịch nhưng khả năng lây lan lại kém hơn). Cùng với đó, nếu Việt Nam đã có xuất hiện XBB.1.5 (và nếu chưa có thì sẽ có trong tương lai) thì số ca mắc sẽ gia tăng. Tuy nhiên, điều này không đáng sợ bởi vì số ca nhập viện, số ca tử vong cũng không tăng nếu người dân tiêm ngừa vắc-xin đầy đủ theo khuyến cáo của ngành y tế và thực hiện đầy đủ các biện pháp chống dịch" – ông Dũng nhấn mạnh.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm