Thức trắng đêm để có cái Tết 'ấm'
Đối với Lâm Anh (25 tuổi, TP.HCM) chưa khi nào chủ đề sắm Tết lại khiến cô đau đầu như năm nay. Sau 3 năm làm việc trong công ty, đầu năm, cô quyết định nghỉ công việc "9 to 5" để làm freelancer. Không còn thưởng Tết như mọi năm, đây là vấn đề cô khá lo lắng.
"Mọi năm tôi thường dành khoản tiền thưởng Tết để biếu bố mẹ, lì xì người thân và mua sắm một vài món đồ yêu thích. Năm nay thiếu đi khoản tiền này, tôi phải cày nhiều hơn để bù lại", Lâm Anh kể.
Hiện tại, ngoài công việc dạy thiết kế Canva online, Lâm Anh cũng nhận thêm 2 đầu việc thiết kế khác để có thêm thu nhập, đủ trang trải chi phí sinh hoạt và có thêm khoản tiền chi tiêu Tết. Cô cho biết kể từ giữa tháng 11, mỗi ngày cô chỉ được ngủ khoảng 4-5 tiếng. "Thậm chí nhiều hôm khách hối deadline gấp tôi phải thức trắng đêm để hoàn thiện", cô tâm sự.
Lâm Anh cho rằng dẫu công việc freelancer có thể đem lại tự do nhưng có lẽ cần phải có kế hoạch chi tiêu hợp lý ngay từ đầu năm để không phải rơi vào cảnh "cày cuốc" như hiện tại.
Năm nay cô dự tính sẽ không có chuyến đi du xuân ở Phú Quốc như mọi năm, đồng thời cắt giảm một số chi tiêu không cần thiết để tiết kiệm. "Là người mới vào nghề, chưa được nhận công việc đều đặn, ra Tết có thể là thời điểm khó khăn của tôi khi các công ty chưa cần chạy quá nhiều dự án. Tôi cần phải tính toán chi tiêu hợp lý để đảm bảo".
Tương tự như Lâm Anh, Minh Hiếu (24 tuổi, Hà Nội) đang phải chạy nước rút 4 dự án cùng một lúc để hoàn thành công việc đúng tiến độ nhằm được trả tiền trước Tết.
Trong khi các bạn bè của anh đã hào hứng kể về khoản tiền thưởng Tết thì Hiếu lại có cảm xúc trái ngược. "Làm freelancer thu nhập có lúc lên lúc xuống, lại không có thưởng Tết, dịp cuối năm nhiều công ty đang cần hoàn thiện dự án gấp nên tôi cũng phải tranh thủ nhận công việc nhiều nhất có thể để bù vào khoản này", Tuấn tâm sự.
Tuấn cho biết ngay từ đầu năm anh đã đặt kế hoạch sẽ tiết kiệm được khoảng 100 triệu đồng cho quỹ dự phòng. Song năm nay, anh cần đổi các thiết bị làm việc nên chưa thể cán đích. Giai đoạn cuối năm, anh cần 'cày cuốc' để có thể hoàn thành mục tiêu và đồng thời dư một khoản tiền để biếu bố mẹ sắm Tết.
Thêm nữa, Tuần cho biết bố mẹ anh vẫn còn tư tưởng so sánh. Do đó dịp cuối năm anh càng thêm áp lực với những câu như "Anh A mua được ô tô", "Đứa B thưởng Tết gần 50 triệu đồng".
Không nặng gánh thưởng Tết
Là một freelancer có kinh nghiệm 8 năm trong lĩnh vực thiết kế đồ hoạ, Thảo Trang (30 tuổi, Hà Nội) không quá lo lắng khi không có thưởng Tết. Thay vào đó cô chỉ đang áp lực hoàn thành hết những đầu việc đã nhận.
Hiểu được tính chất của công việc freelancer, cô "sớm đưa mình vào khuôn khổ" với những kế hoạch chi tiêu cụ thể. Cô hạn chế đặt đồ ăn ngoài, thay vào đó là chăm chỉ nấu ăn. Trang cũng thiết kế không gian phòng của mình phù hợp nhằm tạo cảm hứng sáng tạo thay vì phải ra quán cà phê thường xuyên. "Dẫu công việc tự do về giờ giấc nhưng nếu muốn không phải gồng gánh quá nhiều giai đoạn cuối năm, chi tiêu gì tôi cũng phải ghi vào điện thoại để có thể tháng lương cao bù cho tháng lương thấp nhằm đáp ứng đúng kế hoạch đã đề ra", Thảo Trang kể.
Trang dự tính mức tiền dành cho tiêu Tết năm nay của cô vẫn như mọi năm, khoảng 30 triệu đồng. "Tôi dự tính biếu bố mẹ 5 triệu đồng, 4 triệu đồng để mua quần áo mới, 2 triệu đồng để lì xì người thân, số còn lại tôi sẽ dành cho chuyến du xuân đầu năm để lấy lại năng lượng". Trang kể.
Hiện tại còn khoảng hơn 1 tháng nữa là Tết Nguyên đán nhưng Trang đã có đủ khoản tiền này và thời gian làm việc vẫn đều đặn không bị quá tải.
Có nhiều năm trong nghề, 5 năm trở lại đây Tuấn Anh (31 tuổi, TPHCM) chưa khi nào phải lo lắng về khoản thưởng Tết dẫu là một freelancer trong lĩnh vực nhiếp ảnh. "Tôi luôn tập trung vào các hợp đồng lớn trong năm đồng thời duy trì và chăm sóc mối quan hệ với các đối tác. Vì thế, chỉ cần hoàn thành các dự án Tết là tôi vẫn có một khoản tiền thưởng tương đối", anh nói.
Tuấn Anh dự tính chi tiêu dành cho dịp Tết năm nay của anh vẫn vậy, ước tính khoảng 40 triệu đồng gồm: 5 triệu đồng để mua quà Tết, 10 triệu để biếu bố mẹ, 7 triệu đồng để mua vé máy bay hai chiều Hà Nội - TP.HCM, 5 triệu tiền mua sắm, ăn uống cùng bạn bè, 5 triệu đóng tiền nhà tại TP.HCM; 4 triệu đồng mua quần áo Tết và 3 triệu đồng để lì xì người thân.
Anh cho biết có thể một số dự án sẽ không được thanh toán trước Tết song anh sẵn sàng dùng thẻ tín dụng nếu cần. "Làm cả năm, Tết không phải là thời điểm để tiết kiệm hay tính toán", anh nói.