Tết Nguyên đán 2023 đang đến gần, kế hoạch tiêu Tết, sắm Tết tiết kiệm , hợp lý luôn là bài toán của nhiều cô nàng độc thân khi mà có quá nhiều thứ cần phải chi tiêu. Bên cạnh đó, họ cũng còn phải tính toán cân đối đến các khoản tiền để mua quà tặng người thân, họ hàng, chăm sóc bản thân,... rồi đến tiền tiêu trong những ngày ra Tết chưa nhận được lương sẽ như thế nào.
Phạm Hằng (27 tuổi) hiện làm freelancer designer (thiết kế tự do). Công việc với mức thu nhập biến động mỗi tháng khác nhau nên Hằng cũng đã dự trù chi phí sắm Tết từ sớm để đảm bảo đón kỳ nghỉ này thật vẹn tròn và ý nghĩa nhất.
Người độc thân cũng cần "vắt óc" lên kế hoạch tiêu Tết từ rất sớm
Được biết, Tết năm nay Hằng sẽ về quê cùng bố mẹ ở Chí Linh - Hải Dương. Việc đặt ra ngân sách chi tiêu cho cái Tết năm nay của Hằng có nhiều hơn các năm trước 1 chút vì cô có thêm mối quan hệ mới. Chất lượng cuộc sống cũng tăng lên nên Hằng cảm thấy bản thân có nhu cầu chi tiêu cho Tết này chất lượng hơn.
"Mình thường có thói quen sắm Tết sớm. Hai năm trước khi chuẩn bị tết xong xuôi thì Chí Linh bùng dịch bị phong tỏa. Tết năm đó bao nhiêu kế hoạch đều phải bỏ và phải ở nhà không được đi đâu. Nên năm nay mình cũng đang có dự định Tết sẽ chi tiêu nhiều và chất lượng hơn các năm trước và muốn đưa bố mẹ đi du Xuân để bù lại quãng thời gian bị hạn chế đi lại", Hằng chia sẻ thêm.
Bảng chi tiêu Tết của cô nàng độc thân Phạm Hằng.
Cô gái 27 tuổi chia sẻ: "Hàng tháng mình đều gửi tiền cho bố mẹ, may mắn thu nhập năm nay đều đặn nên Tết muốn biếu thêm bố mẹ nhiều một chút. Nhưng khoản tiền này mình muốn giữ cho bố mẹ bất ngờ nên không tiết lộ ở đây".
Chỉ tính tiền quần áo mặc mấy ngày Tết, Hằng cũng mất gần 10 triệu đồng. Các khoản làm đẹp bao gồm làm tóc, làm nail, mĩ phẩm và 1 vài chi phí phát sinh khác rơi vào khoảng 5 triệu. Bên cạnh đó, cô nàng dự kiến dành ra khoảng 5 triệu đồng cho việc lì xì lấy may.
Được biết gần sát Tết, Hằng sẽ di chuyển bằng xe ô tô riêng về. Chi phí đổ xăng cho chuyến đi và về, di chuyển trong thời gian đón Tết ở quê rơi vào khoảng 2 triệu. Sau Tết, Hằng sẽ có chuyến đi du Xuân cùng gia đình, chi phí này rơi vào khoảng 5 triệu.
Vì còn độc thân và ở với bố mẹ nên các khoản sắm Tết cho gia đình chủ yếu vẫn là bố mẹ Hằng lo. Cô nàng chỉ mua sắm một vài thứ trang trí nhà cửa, bánh kẹo, chi phí khoảng 3 triệu đồng.
Ngắm bảng chi tiêu của bản thân, cô gái trẻ tự nhận thấy các khoản cho dịp Tết Nguyên đán như vậy là khá hợp lí, đã theo khả năng kinh tế. Hiện tại Hằng chỉ muốn cố gắng chi tiêu theo kế hoạch đã đề ra để không để bị vượt quá nhiều.
"Tết là dịp mọi người tạm gác lại công việc và những bộn bề lo toan trong cuộc sống, để đoàn tụ, sum họp, quây quần bên gia đình, người thân, cùng nhau đón chào những điều may mắn, nên mình không muốn bố mẹ phải bận tâm vấn đề kinh tế", Hằng chia sẻ.
Hằng luôn quan niệm cả năm có thể cân đối chi tiêu tiết kiệm nhưng mấy ngày Tết nhất định phải thoải mái, sắm sửa cho nhà cửa đàng hoàng, tươm tất.
3 bí kíp sắm Tết tiết kiệm của Hằng
- Lên chi phí cụ thể khi mua quà Tết biếu tặng gia đình
Quà Tết là khoản tốn kém dịp cuối năm nhưng lại cần thiết bởi ý nghĩa thể hiện tình cảm, lòng biết ơn. Hằng thường làm trước một bảng ngân sách dự trù. Từng người nhận quà với ngân sách bao nhiêu để không bị lạm phát.
- Săn các chương trình khuyến mại
Trước áp lực lạm phát và vật giá leo thang thì Tết năm nay Hằng mua sắm sớm vào các dịp sale 11/11, 12/12, Black Friday tiết kiệm được khá nhiều. Cô không dùng khoản thưởng cuối năm để mua sắm vì thường số tiền này tới khá muộn mà chủ động lên kế hoạch mua sắm và săn sale từ sớm sẽ có nhiều lựa chọn và rẻ giúp khoảng thời gian sau Tết không quá áp lực về tài chính.
- Chỉ trả tiền cho những thứ thấy thực sự cần thiết
Trước khi tiêu Tết, Hằng thường lập bảng chi tiêu để theo dõi và quan sát. Những món nào cần mua cần sắm, có thật sự cần thiết hay không, nên cắt giảm cái gì Hằng liệt kê ra chi tiết. Hiện tại, Hằng dành phần nhiều chi tiêu nhất cho các khoản như tiền tàu xe, quà biếu, phụ tiền Tết gia đình, làm mới bản thân vì thấy đây là những khoản chi tiêu cần thiết.
"Tùy vào điều kiện mỗi người, nếu như lương thưởng cao có thể lập kế hoạch chi tiêu rộng rãi một chút. Ngược lại, nếu trong hoàn cảnh thiếu trước hụt sau thì cần có kế hoạch thích hợp, chỉ tiêu một số tiền nhất định. Lời khuyên của mình là hãy áp dụng việc lên kế hoạch trước, bạn sẽ có sự chủ động, vừa không phải lo lắng về vấn đề tiền bạc lại có cái Tết vẹn tròn ý nghĩa", Hằng chia sẻ.