Là một trong những nền tảng đặt đồ ăn trực tuyến hàng đầu tại Việt Nam, với cam kết đồng hành và hỗ trợ các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, Gojek vừa triển khai quy trình "Tự thực hiện Đăng ký Đối tác Nhà hàng GoFood". Đây là sáng kiến mới nhất của Gojek nhằm hỗ trợ các nhà hàng chuyển đổi số để dễ dàng tham gia nền tảng trực tuyến, bắt kịp xu hướng mua hàng online của khách hàng, từ đó tăng cơ hội doanh thu.
Theo đó, bất kỳ nhà hàng nào cũng có thể sử dụng thiết bị di động để truy cập vào trang đăng ký của GoFood để tạo lập hồ sơ nhà hàng. Thời gian từ lúc đăng ký đến lúc cửa hàng có thể bắt đầu hoạt động trên GoFood là 4 ngày, rút ngắn 50% so với quy trình chuẩn (7-8 ngày). Không giống nhiều nền tảng khác, Gojek miễn phí hoàn toàn toàn bộ quy trình nói trên.
Toàn bộ quy trình đăng ký trở thành đối tác GoFood gói gọn trong 4 bước: vào đường link đăng ký, nhập mã OTP gửi về số điện thoại để bắt đầu quy trình đăng ký; cung cấp thông tin cơ bản về cửa hàng, nhấn gửi; nhận thông tin xác nhận từ Gojek ngay trên trang đăng ký và tải ứng dụng quản lý đơn hàng GoBiz; vào ứng dụng GoBiz, cập nhật các thông tin của cửa hàng như món ăn, giờ hoạt động để kích hoạt Nhà hàng trên GoFood. Những cải tiến trong quy trình đăng ký mới của Gojek là bước đệm để các quán ăn tự tin hơn khi bắt đầu kinh doanh online.
Chị Thanh Hằng, chủ quán cơm tấm tại quận Bình Thạnh, TP HCM chia sẻ: "Các bước đăng ký rất dễ dàng, mau lẹ, lỡ có đăng ký sai thông tin thì cũng được hệ thống thông báo. Trước đây, tôi ngại đưa hàng lên app vì nghĩ phải đi xếp hàng hay gọi điện, gửi thư. Nghĩ đến nộp hồ sơ là ngại. Giờ ngồi nhà cũng đăng ký được, thấy mình cũng có cửa hàng trên Gojek như ai, tiện vô cùng".
Sau khi đăng ký hoạt động trên GoFood thành công, các đối tác cửa hàng có thể tận dụng các tiện ích mà hệ sinh thái Gojek mang lại, như sở hữu bộ mã khuyến mãi độc quyền, cơ hội tiếp cận hàng triệu khách hàng tiềm năng trên ứng dụng Gojek và trải nghiệm vận hành cũng như quản lý nhà hàng chuyên nghiệp thông qua ứng dụng GoBiz.
Theo bà Lê Nguyễn Ngọc Dung, Giám đốc Phát triển Đối tác GoFood của Gojek Việt Nam, Gojek đã và đang tạo điều kiện để hàng chục nghìn đối tác kinh doanh - trong đó có tới 90% là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ - phát triển và tăng trưởng trực tuyến thông qua việc kết nối họ với hàng triệu người dùng trên ứng dụng Gojek. "Chúng tôi hy vọng thông qua quy trình đăng ký mới này, Gojek sẽ giúp các cửa hàng nhỏ và siêu nhỏ, các cửa hàng kinh doanh cá nhân thực hiện số hoá một cách nhanh gọn nhất để sớm ổn định hoạt động kinh doanh, cải thiện sinh kế", bà Dung nói
Theo thống kê của VCCI, các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ chiếm 98% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam, đóng góp 45% GDP và thu hút hơn 5 triệu lao động. Những khó khăn từ giai đoạn Covid-19 kéo dài đã tác động không nhỏ đến 90% các doanh nghiệp này, bởi đây chính là thành phần dễ bị tổn thương nhất trước các thay đổi về môi trường kinh doanh.
Trong bối cảnh kinh tế - xã hội mới, khi ngày càng nhiều người tiêu dùng sử dụng các nền tảng kỹ thuật số để đáp ứng tất cả các nhu cầu của họ, chuyển đổi thành doanh nghiệp số là một yêu cầu tất yếu đặt ra cho các đơn vị kinh doanh. Chuyển đổi số được xem là phương thức thích ứng của các doanh nghiệp, trong đó các cửa hàng truyền thống nhỏ và siêu nhỏ cũng không thể đứng ngoài cuộc. Mới đây, Google, Temasek và Bain & Company vừa công bố báo cáo Nền kinh tế số Đông Nam Á, trong đó ước tính tổng giá trị hàng hóa nền kinh tế số Việt Nam năm 2022 sẽ đạt 23 tỉ USD, tăng khoảng 28% so với kết quả của năm 2021 (18 tỉ USD) và dẫn đầu Đông Nam Á. Đến năm 2030, tổng giá trị hàng hóa của nền kinh tế số của Việt Nam dự kiến đạt 220 tỷ USD.
Dịch vụ giao đồ ăn là một trong những lĩnh vực tăng trưởng nhanh khi có tới 60% người dùng internet cho biết đã đặt đồ ăn trực tuyến ít nhất một lần trong năm qua. Số lượng người gọi đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam đã tăng 22% trong năm nay, cao nhất tại khu vực Đông Nam Á.
Chuyển đổi số trong lĩnh vực ẩm thực có vai trò quan trọng, song quá trình này cũng đặt ra không ít thách thức. Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các cửa hàng nhỏ và siêu nhỏ vẫn đang gặp khó, chưa biết bắt đầu từ đâu. Cuộc khảo sát gần đây do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với USAID thực hiện về chuyển đổi số cho thấy 60,1% doanh nghiệp phản ánh rào cản mà họ gặp phải khi chuyển đổi số là lo ngại chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ còn cao; 52,3% doanh nghiệp phản ánh khó khăn về thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số, thay đổi thói quen của doanh nghiệp, người lao động. Theo khảo sát nhanh từ Gojek, quy trình để tham gia vào nền tảng số giữ vai trò quan trọng, khi hơn 30% cửa hàng cho rằng trước khi quyết định hợp tác với một nền tảng nào, họ cần cân nhắc chi phí và các thủ tục đăng ký.