Ngày 27/4 - cao điểm nhất trước dịp lễ 30/4 ga Sài Gòn nhộn nhịp khách đến. Trong ngày, 13 đoàn tàu rời nhà ga hướng về miền Trung, Bắc, đều kín chỗ.
Đón chuyến tàu SE22 khởi hành từ nhà ga lúc 11h ngày 27/4 về Đà Nẵng, chị Nguyễn Phương, 33 tuổi, nói đây là lần đầu chị đi nghỉ lễ bằng tàu hoả vì thông thường mua vé máy bay để rút ngắn hành trình. Tuy nhiên, năm nay giá vé máy bay cao, cả gia đình đi rất tốn kém nên cách đây khoảng một tháng chị đã lên mạng đặt mua ba vé tàu, mỗi vé hơn một triệu đồng.
"Mức giá này cơ bản vừa túi tiền, kỳ nghỉ này dài ngày nên đi tàu dù tốn nhiều thời gian hơn so với máy bay nhưng vẫn tranh thủ vui chơi được ở nhà", chị Phương nói, thêm rằng SE22 cũng là đoàn tàu chất lượng cao mới đưa vào khai thác, có nhiều tiện ích nên gia đình khá hào hứng trên hành trình về quê nghỉ lễ.
Khác chị Phương, anh Văn Hùng, 40 tuổi, ngụ quận 3, nói do công việc phụ thuộc vào lịch nghỉ lễ nên không thể chủ động đặt vé từ sớm. Cách đây nửa tháng khi thời gian nghỉ được chốt kéo dài liên tục 5 ngày, anh mới lên kế hoạch đi Nha Trang cùng gia đình. Tuy nhiên, lúc này các chuyến tàu đều đã kín chỗ.
"Những chặng đường không quá xa TP HCM tôi thường chọn đi tàu bởi cảm thấy an toàn. Hành trình của tàu cũng khá đúng giờ, không lo delay, nhiều thủ tục như đi máy bay", anh nói và cho biết do không mua được vé nên quyết định thuê ôtô tự lái đi du lịch vì xe khách chất lượng cao cũng đã hết chỗ.
Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn, thuộc Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn, cho biết nhu cầu đi lại bằng tàu lửa dịp lễ năm nay gần bằng năm ngoái do kỳ nghỉ ít hơn một ngày. Tuy nhiên, sức mua lại nhanh hơn nên chỉ sau thời gian ngắn mở bán, nhiều chặng từ TP HCM đến các địa điểm du lịch như Nha Trang, Phú Yên, Bình Thuận, Quy Nhơn, Đà Nẵng... đã có người đặt chỗ.
Theo ông Tuấn, tổng lượng vé được công ty mở bán dịp lễ năm nay khoảng 55.000 cho cả chiều đi và về. Trong đó, chiều đi các ngày cao điểm 26-28/4 hết chỗ từ sớm, chiều về lại Sài Gòn ngày 30/4-1/5, nhiều chặng cũng không còn vé.
"Nếu nhu cầu tiếp tục tăng đột biến, đường sắt sẽ tổ chức thêm các tàu để phục vụ khách", ông Tuấn nói và cho biết trước đó để đáp ứng đi lại dịp lễ, ngoài các tàu chạy hàng ngày, công ty đã tăng cường thêm 34 đoàn tàu từ Sài Gòn đi Phan Thiết, Nha Trang, Quy Nhơn, Quảng Ngãi và ngược lại.
Cũng theo Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn, dịp lễ năm nay giá vé đi tàu tăng khoảng 5-20% so với ngày thường, tùy theo loại tàu, loại ghế, ngày đi... Tuy nhiên, công ty vẫn áp dụng các chính sách giảm giá vé thường xuyên như với thương binh, người khuyết tật, cao tuổi, trẻ em, sinh viên...
Ngoài ra, lễ 30/4 và 1/5 năm nay, đường sắt cũng áp dụng giảm giá vé khứ hồi 5% lượt về cho cá nhân đi lẻ và giảm 7% giá vé lượt về cho tập thể từ 20 người trở lên.
Ở phía Bắc, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết dịp lễ năm nay cung ứng khoảng 140.000 vé, gồm tàu Bắc - Nam và chặng ngắn đi các địa phương. Tính đến hôm 26/4, đơn vị này đã bán hơn 77.000 vé, đạt khoảng 56% tổng số lượng. Số chỗ còn lại đa phần trên các tàu từ nơi khác chạy rỗng về Hà Nội các ngày 28-29/4, hoặc chiều đi từ Hà Nội ngày 30/4-1/5. Riêng những ngày cao điểm trước lễ, chiều đi từ Hà Nội đến các địa phương khác đều đã hết vé, chiều về cũng không còn chỗ các ngày 30/4-1/5.
Trước đó, để đáp ứng đi lại của người dân dịp lễ, ngoài các tàu hàng ngày, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội cũng tổ chức chạy thêm 36 đoàn tàu trên những chặng có nhu cầu lớn, như từ Hà Nội đi Lào Cai, Thanh Hóa, Vinh, Đồng Hới, Hải Phòng. Trong đó, nhiều nhất là chặng Hà Nội - Vinh và Hà Nội - Hải Phòng. Tuy nhiên, các đoàn tàu được tổ chức chạy thêm cũng hết chỗ những ngày cao điểm từ sớm vì lượng khách tăng cao.
Ông Hoàng Gia Khánh, Tổng giám đốc Tổng công ty đường sắt Việt Nam, cho biết không chỉ dịp lễ, khách đi tàu thời gian qua tăng nhanh, được nhiều người lựa chọn cho các chuyến du lịch, vui chơi...
Ngoài tiếp tục tính toán, điều phối chạy tàu phù hợp, ông Khánh cho biết đường sắt đang đẩy mạnh nâng cấp các đoàn tàu, tăng chất lượng dịch vụ để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của khách. Hôm 27/4, đoàn tàu chất lượng cao SE22/21 tuyến Sài Gòn - Đà Nẵng đưa vào khai thác cũng nằm trong định hướng này.
"Song song đổi mới trang thiết bị, dịch vụ trên tàu, ngành đường sắt đang đầu tư cải tạo, chỉnh trang, khai thác các phòng chờ phục vụ khách tại các ga Sài Gòn, Đà Nẵng, Nha Trang...", ông Khánh nói.