Chứng khoán

Bán chung ngành hàng, 2 "ông lớn" điện máy kiếm bộn tiền giữa nắng nóng

Trước kỳ nghỉ lễ 30/4, cả Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT Retail (HoSE: FRT) và Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG) công bố kết quả kinh doanh quý I/2024. FRT thông báo lợi nhuận trước thuế đã dương trở lại trên báo cáo tài chính hợp nhất, còn MWG vẫn theo thông lệ năm trước, chỉ báo doanh thu mà bí mật về lợi nhuận.

Mảng y tế chiếm 61% doanh thu của FPT Retail

Trong quý đầu năm, FPT Retail có doanh thu hợp nhất 9.042 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ. Như vậy, FRT đã hoàn thành 24% kế hoạch năm mà hội đồng quản trị đặt ra.

Bán chung ngành hàng, 2 'ông lớn' điện máy kiếm bộn tiền giữa nắng nóng- Ảnh 1.

FPT Retail đã có lời trở lại sau năm 2023 lỗ gần 300 tỷ đồng. (Ảnh: FRT)

Động lực tăng trưởng của nhà bán lẻ này vẫn là mảng y tế. Chuỗi nhà thuốc Long Châu đóng góp đến 61% tổng doanh thu, với 5.534 tỷ đồng và tăng mạnh gần 70% so với quý I/2023.

Chuỗi FPT Shop dù theo nhận định sức mua vẫn chưa hồi phục nhưng lãi gộp đã tăng 3%. Yếu tố này là nhờ bổ sung ngành hàng điện máy, điện lạnh, hàng gia dụng vào kinh doanh giữa lúc nắng nóng gay gắt, nhu cầu mua máy lạnh, quạt của người tiêu dùng tăng lên. Đồng thời, việc tiếp cận được nguồn vốn lãi suất tốt cũng giúp chi phí tài chính giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các yếu tố trên đã giúp FRT có lãi trước thuế đạt 89 tỷ đồng, gấp đến 43 lần so với quý I/2023. Như vậy, công ty đã hoàn thành 71% kế hoạch lợi nhuận của năm 2024, dù mới chỉ đi hết 1/4 chặng đường. Đây cũng là mức lợi nhuận mà FRT ghi nhận cao nhất trong 5 quý gần đây tính từ đầu năm 2023.

Đến 31/3, FPT Retail có 2.381 cửa hàng trên cả nước. Trong đó, Long Châu liên tục mở rộng, thêm 90 nhà thuốc trong 3 tháng. Trung bình mỗi ngày có một nhà thuốc Long Châu mới. Hiện chuỗi nhà thuốc này đã đạt con số 1.587.

Cũng trong 3 tháng đầu năm, FRT mở mới 41 trung tâm tiêm chủng trong kế hoạch tiến nhanh vào thị trường vaccine, với mục tiêu mở mới 100 cửa hàng năm nay.

Bán chung ngành hàng, 2 'ông lớn' điện máy kiếm bộn tiền giữa nắng nóng- Ảnh 2.

Doanh số bán máy lạnh của Thế Giới Di Động tăng mạnh 50% so với quý cùng kỳ 2023, khi nắng nóng gay gắt kéo dài. (Ảnh: ĐMX)

Tại Đại hội cổ đông thường niên FPT Retail năm 2024 vừa diễn ra giữa tháng 4, HĐQT FRT đã công bố chiến lược mở rộng hệ sinh thái sức khoẻ. Để đầu tư cho chiến lược này, FRP dự kiến huy động vốn thông qua bán 10% cổ phần chuỗi nhà thuốc Long Châu.

Năm 2024, công ty lên kế hoạch mở thêm 400 nhà thuốc, để đạt con số 1.900 nhà thuốc vào cuối năm. Hiện doanh thu nhà thuốc Long Châu trung bình tháng khoảng 1,1 tỷ đồng/cửa hàng. Chủ tịch FPT Retail cho biết khoảng 1.300 nhà thuốc Long Châu đã hòa vốn và có lãi.

FRT đặt mục tiêu doanh thu năm 2024 ở mức 37.300 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 125 tỷ đồng, doanh thu tăng chủ lực là nhà thuốc Long Châu. Riêng chuỗi FPT Shop, công ty dự kiến doanh thu đi ngang như năm 2023.

Động lực tăng trưởng chính của TGDĐ là bán máy lạnh

Với Thế Giới Di Động, lợi thế chiếm thị phần áp đảo trong ngành hàng điện máy đang giúp doanh nghiệp này có doanh thu quý đầu năm tăng 16% so với cùng kỳ 2023.

Theo đó, tổng doanh thu của doanh nghiệp do ông Nguyễn Đức Tài sáng lập đạt được hơn 31.441 tỷ đồng. Như vậy tính trung bình mỗi ngày, Thế Giới Di Động thu hơn 349 tỷ đồng. Con số này giúp doanh nghiệp hoàn thành 25% kế hoạch cả năm.

Trong cơ cấu doanh thu, chuỗi Điện Máy Xanh vẫn là nguồn chủ lực, khi đóng góp hơn 46% tổng doanh thu toàn hệ thống. Chuỗi Bách Hóa Xanh đứng thứ 2 đóng góp hơn 29% doanh thu và chuỗi Thegioididong.com cùng TopZone góp 21,6% doanh thu.

Bán chung ngành hàng, 2 'ông lớn' điện máy kiếm bộn tiền giữa nắng nóng- Ảnh 3.

Điện thoại, laptop không còn là ngành hàng có động lực tăng trưởng tốt của các "ông lớn" điện máy. (Ảnh: FRT)

Đáng chú ý, doanh thu 2 chuỗi Thegioididong.com và Điện Máy Xanh trong quý này tăng đến 70% so với cùng kỳ, đạt 21.300 tỷ đồng. Động lực tăng trưởng chính là ngành hàng điện máy, nổi bật là máy lạnh. Doanh số bán máy lạnh của Thế Giới Di Động trong quý đầu năm đã tăng gần 50% so với cùng kỳ, khi nhu cầu tiêu dùng cao giữa nắng nóng gay gắt.

Hiện Thế Giới Di Động có 2.184 cửa hàng điện máy và 1.071 cửa hàng điện thoại, bao gồm TopZone.

Với chuỗi nhà thuốc An Khang, Thế Giới Di Động hiện có hiện có 526 cửa hàng hoạt động. Không giống Long Châu của FRT, nhà thuốc An Khang mới đạt khoảng 450 triệu đồng/cửa hàng và chưa thể hòa vốn.

Riêng chuỗi thực phẩm Bách Hóa Xanh, doanh thu 3 tháng đầu năm nay cũng tăng mạnh 44%, đạt hơn 9.100 tỷ đồng, bình quân mỗi cửa hàng đạt 1,8 tỷ đồng/tháng.

Năm 2024, Bách Hóa Xanh có kế hoạch mở mới 100 cửa hàng. Mới đây, Thế Giới Di Động đã công bố hoàn tất bán 5% vốn tại công ty sở hữu Bách Hóa Xanh (kế hoạch ban đầu dự kiến bán 20% trên tổng số cổ phiếu đã phát hành) cho CDH Investments - một trong những công ty cổ phần tư nhân sớm nhất của Trung Quốc.

Dù hiệu quả kinh doanh tốt trong quý đầu năm, Thế Giới Di Động vẫn bí mật con số lợi nhuận.

Năm 2024, cổ đông Thế Giới Di Động đã thông qua kế hoạch kinh doanh 125.000 tỷ đồng doanh thu thuần. Đáng chú ý, con số lợi nhuận sau thuế được thông qua tăng đến 14 lần năm 2023, ở mức 2.400 tỷ đồng.

Năm 2023, Thế Giới Di Động đạt doanh thu 118.000 tỷ đồng và lãi sau thuế thấp nhất lịch sử kinh doanh, chỉ ở mức 168 tỷ đồng, giảm 96% so với năm 2022.

Trong khi đó, kết thúc năm 2023 đầy khó khăn, FRT có doanh thu 31.850 tỷ đồng, lỗ 294 tỷ và đóng hơn 30 cửa hàng.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm