Đợt tăng lương lần này chỉ bù đắp được phần nào trong việc tăng giá trong thời gian vừa qua. Trong nhiều năm qua, giá cả mỗi năm còn tăng một chút và thống kê về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cũng không phản ánh được hết thực tiễn.
Theo thống kê, CPI mỗi năm chỉ tăng khoảng 3 - 4%/ năm. Tuy nhiên thực tiễn, một số mặt hàng thiết yếu có thể đã tăng nhiều lần trong những năm vừa qua. Vì vậy, việc tăng lương chỉ bù đắp được phần nào sự sụt giảm sức mua của người dân do việc tăng giá trong những năm vừa qua, chứ không làm tăng được sức mua thực của người dân hiện nay so với trước đây.
Nhìn chung lương cơ bản đã lạc hậu khá xa so với sự gia tăng giá cả trong nền kinh tế. Nếu không có đợt tăng lương này, sức mua sẽ sụt giảm mạnh hơn. Đời sống của những người lao động có thu nhập thấp và trung bình sẽ giảm.
Tuy nhiên, quy mô của đợt điều chỉnh lương lần này theo tôi đánh giá là không lớn và đối tượng cũng không nhiều. Hiện nước ta có khoảng 54 triệu người trong lực lượng lao động, trong đó khối công chức, viên chức Nhà nước chỉ khoảng trên 2 triệu người. Hầu hết các doanh nghiệp, các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ về tài chính trong nền kinh tế họ không chi trả lương thực tế theo lương cơ bản, mà trả lương theo vị trí việc làm và hiệu quả công việc. Họ chỉ sử dụng mức lương cơ bản để tính tiền nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, còn cái lương thực trả khác xa với cái mức lương cơ bản. Do vậy, đối tượng chịu tác động thực sự của đợt điều chỉnh lương cơ bản lần này tương đối nhỏ.
Những người chịu tác động đợt điều chỉnh lương lần này chủ yếu là những người có thu nhập trung bình và thấp, chủ yếu là những người làm trong khu vực nhà nước, đơn vị hành chính sự nghiệp, có mức lương trả theo lương cơ bản.
Về mặt tích cực, đợt tăng lương này giúp một bộ phận người lao động sẽ có nguồn thu nhập tăng thêm để giảm bớt khó khăn, nhưng quy mô tác động không nhiều và không đủ sức để kéo giá cả lên hay gây ra lạm phát.
Với nền kinh tế, việc tăng lương lần này sử dụng số tiết kiệm từ ngân sách Nhà nước trích ra để tăng lương. Vì vậy, tác động đối với lạm phát không nhiều. Việc tăng lương chỉ tác động nhiều đến lạm phát nếu như nguồn tiền sử dụng để chi cho tăng lương thông qua tăng cung tiền, còn đây là Chính phủ thu thuế từ người dân sau đấy trích ra một phần tiết kiệm được để trả cho người lao động nên sẽ không tác động nhiều đến lạm phát.
Còn tác động tiêu cực thì đương nhiên là có, khi thực hiện tăng lương cơ bản, sẽ có những người bán lợi dụng tâm lý để tăng giá. Tuy nhiên, hiệu ứng này có lẽ chỉ là tạm thời trong một vài ngày, một vài tuần còn về lâu dài, nếu như sức mua của nền kinh tế tăng không nhiều và khả năng cung ứng dịch vụ hàng hóa thiết yếu tốt thì sẽ khó tạo ra sự tăng giá cả trong nền kinh tế.
Ngoài ra, khi lương cơ bản tăng, các doanh nghiệp cũng phải chi trả nhiều hơn cho bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người lao động.
Bên cạnh đó, một số người lao động đang ở gần ngưỡng nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN) thì bây giờ tăng lương thêm sẽ rơi vào diện nộp thuế thì tác động tăng lương ấy càng không nhiều.
Liên quan đến thuế TNCN, mức thuế này cũng rất lạc hậu so với thực tiễn. Ví dụ như trước đây mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế, từ những năm 2013 tăng lên từ 7 - 9 triệu sau đấy đến năm 2021 tăng lên 11 triệu.
Như vậy, từ năm 2013 đến năm 2021, mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân tăng khoảng 20% nhưng nếu so sánh với giá cả, rất nhiều mặt hàng đã tăng gấp đôi gấp ba, từ giá hàng ăn uống, lấy ví dụ là giá bát phở, đến giá dịch vụ y tế, khám chữa bệnh hoặc giáo dục, tiền thuê nhà...
Vấn đề này thuộc trách nhiệm của Bộ Tài Chính, họ cần phải nhanh chóng đề xuất kiến nghị cho Quốc hội để nâng mức giảm trừ gia cảnh và các ngưỡng thu nhập chịu thuế. Với mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân 11 triệu mà sống là thành phố lớn thì là không đủ. Tương tự như vậy, mức giảm trừ 4,4 triệu/người đối với người phụ thuộc cũng không đủ cho chi phí sinh hoạt ở những thành phố lớn.
Nếu các gia đình cho con đi học trường tư nữa thì mức giảm trừ trên càng không đủ để chi trả trong khi hệ thống trường công không đủ đáp ứng nhu cầu. Mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân và người phụ thuộc hiện nay cũng đã rất lạc hậu đặc biệt là ở các thành phố lớn.
Về mặt lý tưởng thì thường mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân và người phụ thuộc và các ngưỡng thu nhập chịu thuế suất TNCN khác nhau cần được điều chỉnh linh hoạt hàng năm theo mức độ tăng của giá cả.
Điều này sẽ giúp người dân không bị thiệt thòi vì nếu lạm phát năm nay là 5% thì mức giảm trừ gia cảnh và ngưỡng thu thuế tự động tăng 5% để sát với thực tế. Còn hiện nay, theo quy định, CPI phải tăng đủ 20% thì mới điều chỉnh. Điều này gây thiệt hại cho người dân bởi vì họ phải chờ 5-7 năm, thậm chí là chục năm, mới được điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh một lần, chưa kể việc thống kê CPI có sát với thực tế hay không cũng là một vấn đề.
Tôi cho rằng, chi phí sinh hoạt tại các thành phố lớn như Hà Nội hay TP HCM thì mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân phải khoảng 20 triệu mới đủ bù đắp chi phí sinh hoạt và cũng cần dãn các mức ngưỡng thu nhập tính thuế chứ không phải cứ 5 - 10 triệu đồng là nhảy một bậc mới.