Ngày 19/7, 8,5 triệu thiết bị Windows trên khắp thế giới gặp lỗi màn hình xanh, sau khi công ty bảo mật CrowdStrike triển khai một bản cập nhật chưa được thử nghiệm kỹ. Một phát ngôn viên của Microsoft nói với WSJ rằng vấn đề này xảy ra có liên quan đến một thỏa thuận năm 2009 của Ủy ban châu Âu, trong đó hãng phần mềm Mỹ đồng ý cung cấp quyền truy cập ngang bằng cho các nhà phát triển bảo mật Windows. Có nghĩa, những công ty như CrowdStrike có thể đưa ra bản cập nhật cho Windows mà Microsoft thậm chí không nhất thiết phải biết về họ. Điều này ngược với Apple, khi mọi bản cập nhật từ bên thứ ba đều được hãng kiểm soát.
Apple Insider đánh giá công ty phần mềm Mỹ có vẻ đang làm giảm bớt trách nhiệm của mình trong sự cố CrowdStrike. "Microsoft đang muốn nói rằng họ sẽ không thể làm được gì để ngăn chặn những sự việc tương tự xảy ra lần nữa", trang công nghệ này bình luận.
Năm 2020, Apple tuyên bố các nhà phát triển bảo mật sẽ không còn "quyền truy cập hạt nhân cho phần mềm". Trong khi đó, nhà phát triển bảo mật cho sản phẩm của Microsoft vẫn được cấp loại quyền truy cập này vào hệ điều hành Windows.
Sự cố CrowdStrike xảy ra ngày 19/7 đã khiến hàng loạt sân bay, ngân hàng, đài truyền hình đình trệ do các hệ thống hiển thị lỗi màn hình xanh. Microsoft tuyên bố vấn đề đã được khắc phục, nhưng có thể vẫn còn ảnh hưởng nhất định trong vài ngày. Theo các nhà phân tích, đây có thể là lỗi mất kết nối lớn nhất và có tính "tàn phá" nhất từ trước đến nay và sẽ khó khắc phục hoàn toàn trong thời gian tới.