Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam tăng 6,43% trong 6 tháng đầu năm 2024, cao thứ hai giai đoạn 5 năm 2020 - 2024, chỉ thấp hơn mức cùng kỳ năm 2022.
Trong giai đoạn này, 7 địa phương ghi nhận tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) hai chữ số gồm: Bắc Giang tăng 14,14% , Khánh Hòa tăng 12,73%, Thanh Hóa tăng 11,5%, Hà Nam tăng 10,35%, Hải Phòng tăng 10,32%, Trà Vinh tăng 10,27%,và Hải Dương tăng 10%.
Ở chiều ngược lại, có 6 địa phương ghi nhận GRDP thấp hơn 3%, thấp nhất cả nước, gồm Bà Rịa – Vũng Tàu giảm 1,42%, Sơn La tăng 0,67%, Hòa Bình tăng 1,81%, Bắc Ninh tăng 2,32%, Quảng Nam tăng 2,68% và Lâm Đồng tăng 2,97%.
Giảm 1,42%, GRDP Bà Rịa – Vũng Tàu thấp nhất cả nước
Với mức giảm 1,42%, Bà Rịa – Vũng Tàu là địa phương có GRDP thấp nhất cả nước, ở vị trí 63/63 tỉnh, thành phố.
Lý giải về con số này, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh cho biết, trong 6 tháng đầu năm, các lĩnh vực kinh tế chủ chốt như sản xuất công nghiệp (trừ dầu khí) đạt gần 230.000 tỷ đồng, tăng 11,65%; tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 37.700 tỷ đồng, tăng 13,27%; doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 3.325 tỷ đồng, tăng 19,22%.
Ngoài ra, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 1,66 tỷ USD, đứng thứ 2 cả nước, và đầu tư trong nước đạt 27.100 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, ngành dầu khí (chiếm tỷ trọng 54,35% trong tổng cơ cấu GRDP của tỉnh) gặp khó khăn, giảm 14,37% làm giảm vào mức tăng trưởng chung.
"Nếu không tính ngành dầu khí, GRDP của tỉnh vẫn tăng mạnh 9,18%, vượt mục tiêu 8,5% của Hội đồng nhân dân tỉnh, cao nhất trong 10 năm qua và đứng thứ 8 cả nước từ đầu năm", Sở Kế hoạch và Đầu tư Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết.
GRDP Sơn La tăng 0,67%
Xếp trên Bà Rịa – Vũng Tàu là Sơn La với mức tăng GRDP tăng 0,67% so với cùng kỳ năm trước. Xét về tốc độ đứng thứ 14 vùng Trung du và miền núi phía Bắc và đứng thứ 62 cả nước.
Theo Cục Thống kê Sơn La, nguyên nhân chính dẫn đến tốc độ tăng GRDP không cao là do ngành sản xuất và phân phối điện giảm sâu do hạn hán, đồng thời do thời tiết diễn biến phức tạp và dịch bệnh trên cây trồng gây ảnh hưởng nhỏ tới ngành nông nghiệp nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung.
Cụ thể, giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 3.394,4 tỷ đồng tăng 0,59%, đóng góp 0,14 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.
Khu vực công nghiệp và xây dựng ước đạt 3.417,8 tỷ đồng giảm 6,36%, làm giảm 1,60 điểm phần trăm, trong đó giá trị tăng thêm ngành công nghiệp ước đạt 2.054,9 tỷ đồng, giảm 13,67% (317,3 tỷ đồng), làm giảm 2,18 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của khu vực công nghiệp và xây dựng.
Ở chiều ngược lại, khu vực dịch vụ ước đạt 6.985,3 tỷ đồng tăng 5,74%, đóng góp 2,61 điểm phần trăm do làm tốt công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, du lịch nhiều hoạt động được tổ chức.
Hòa Bình với GRDP tăng 1,81%
Ở vị trí thứ 61/36 tỉnh, thành phố, Hòa Bình với GRDP tăng 1,81% so với cùng kỳ. Tuy vậy, so với mức tăng cùng kỳ năm trước là 0,73%, kinh tế Hòa Bình chuyển biến tích cực với những kết quả tốt hơn.
Trong 6 tháng đầu năm, bên cạnh kết quả đáng ghi nhận trong sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và xây dựng nông thôn mới, kết quả sản xuất công nghiệp được đánh giá là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế.
Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp ước tăng 3,2% so với cùng kỳ, trong đó có mức tăng đáng ghi nhận của một số ngành, lĩnh vực như: khai khoáng tăng 17,5%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 18,3%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 36.150 tỷ đồng, tăng 16,14% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy sức mua của nền kinh tế tiếp tục đà phục hồi.
Cùng với đó, kim ngạch xuất khẩu cũng tăng khá ấn tượng với mức 26,48%; kim ngạch nhập khẩu tăng 17,61%.
Du lịch cũng là một điểm sáng khi có khoảng 2,6 triệu lượt khách du lịch đến tỉnh, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 2.689 tỷ đồng, tăng 29,8%, đạt 58,5% kế hoạch năm.
Tăng 2,32%, Bắc Ninh đã chấm dứt GRDP âm hơn một năm
Dù xếp thứ 60/63 tỉnh, thành phố, song với GRDP tăng 2,32%, Bắc Ninh đã chấm dứt chuỗi tăng trưởng âm hơn một năm - với nhiều tín hiệu tích cực ở cả 3 khu vực công nghiệp, dịch vụ, nông - lâm nghiệp và thủy sản.
Khu vực công nghiệp tăng 1,6% cho thấy dấu hiệu phục hồi.
Các hoạt động thương mại, dịch vụ diễn ra sôi động nên khu vực dịch vụ tăng 5,62%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt gần 50.000 tỷ đồng, tăng 8,5% so cùng kỳ năm 2023, đạt 51% kế hoạch. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa 37.545 tỷ đồng, tăng 6,1%; doanh thu hoạt động lưu trú, ăn uống 4.521 tỷ đồng, tăng 4,2%; doanh thu dịch vụ 7.719 tỷ đồng, tăng 23%.
Quảng Nam có GRDP tăng 2,7%
Tương tự như Bắc Ninh, Quảng Nam là địa phương có tăng trưởng GRDP thấp dưới 3%, xếp vị thứ 59/63 tỉnh, thành phố.
Tuy vậy, với tốc độ GRDP trong 6 tháng đầu năm tăng 2,7% cũng tạm thời chấm dứt đà tăng trưởng âm kéo dài từ năm 2023 đến quý I. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 4,7%; khu vực dịch vụ tăng 4,4%.
Ngành du lịch tiếp tục phục hồi, đón 4,6 triệu lượt khách tham quan, lưu trú du lịch với doanh thu du lịch đạt 3.870 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước là 12.221 tỷ đồng, đạt 51,8% dự toán. Giải ngân đầu tư công đạt 27,6%, cao hơn bình quân cả nước.
Tăng 2,97%, GRDP Lâm Đồng thấp nhất trong nhiều năm
Ở vị trí thứ 58/63 tỉnh, thành phố, tỉnh Lâm Đồng có tăng trưởng GRDP ước đạt 2,97% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Cục Thống kê Lâm Đồng, đây là mức tăng trưởng thấp nhất của địa phương trong nhiều năm qua. Từ chỗ luôn đứng vị trí đứng đầu, Lâm Đồng tụt xuống vị trí cuối cùng trong 5 tỉnh Tây Nguyên (gồm về chỉ số GRDP.
Lý giải về sự giảm sút này, Cục Thống kê Lâm Đồng cho biết, tình hình kinh tế - xã hội của Lâm Đồng gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng chậm do ảnh hưởng của bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tình trạng hạn hán diễn ra nghiêm trọng gây khó khăn lớn đối với sản xuất nông nghiệp, cũng như hoạt động của các nhà máy thủy điện.
Trong mức tăng trưởng của toàn tỉnh, khu vực nông lâm thủy sản tăng 3,13%, khu vực dịch vụ tăng 5,05%, thuế sản phẩm trừ nợ cấp sản phẩm tăng 3,8%, khu vực công nghiệp - xây dựng giảm 2% so với cùng kỳ năm 2023.
Ngoài ra, tình hình giải ngân vốn đầu tư công chậm, các chính sách về khai khoáng bị thắt chặt, một số ngành có tốc độ giảm so cùng kỳ 2023: khai khoáng, sản xuất và phân phối điện, xây dựng...